Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với 12 dự án thành phần đi qua 12 tỉnh, tổng chiều dài 729km, tổng mức đầu tư gần 146.990 tỷ đồng. Riêng đoạn qua địa phận Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng.

Trong 12 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Dự án cao tốc Bắc - Nam), đoạn qua Quảng Bình đang được Chính phủ đánh giá là địa phương đi đầu trong việc giải phóng bàn giao mặt bằng (GPMT).

Với lộ trình Chính phủ đề ra thực hiện công tác bồi thường, GPMT; bàn giao 100% mặt bằng để xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam trước ngày 30/6/2023, tỉnh Quảng Bình đang huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Nỗ lực bàn giao mặt bằng đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông -0
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cùng các đơn vị thi công kiểm tra thực tế tại công trường Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình.

Khối lượng công việc khổng lồ

Ngày 8/3/2023, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Phạm Văn Năm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong thời gian qua, có thể nói từ lãnh đạo đứng đầu tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương, xuống xã, phường, thôn xóm ở Quảng Bình đều bắt tay vào công việc để chung tay thực hiện việc GPMB để thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dự án đi qua 35 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố ở Quảng Bình và liên quan đến một loạt công trình quan trọng của quốc gia như đường điện 500kV, 110kV, hệ thống đường viễn thông của các tập đoàn; nhiều khu vực liên quan đến các công trình và đất an ninh quốc phòng; các công trình dân sinh như trường học, trạm y tế, chợ dân sinh…

Từ khi tái lập tỉnh Quảng Bình đến nay, hơn 30 năm qua có thể nói đây là lần lớn nhất địa phương tiến hành GPMB để thực hiện công trình trọng điểm quốc gia, vì vậy, cả hệ thống chính trị được huy động để vào cuộc thực hiện nhiệm vụ.

Tính đến nay, Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được các UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành công tác trích đo hiện trường đạt 100% và bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp. Hội đồng GPMB các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 126,47km/126,79km (đạt 99,44%).

Được biết, khi triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Bình có 3.117 hộ gia đình, trên 3.600 ngôi mộ bị ảnh hưởng. Đến nay, các địa phương đã xác định 662 hộ dân thuộc diện tái định cư tại 22 xã, dự kiến bố trí 27 khu tái định cư với diện tích 82,98ha; xác định bố trí 17 khu nghĩa trang cho 3.382 ngôi mộ tại 15 xã; các ngôi mộ còn lại đang được UBND huyện xác định di dời vào các khu nghĩa trang hiện có.

Về phương án xây dựng khu tái định cư, trong số có 3.117 hộ gia đình trong phạm vi thực hiện dự án bị ảnh hưởng, có 597 hộ thuộc diện tái định cư tại 21 xã và đã được bố trí 27 khu tái định cư với diện tích 75,49ha.Về khu nghĩa trang, toàn tỉnh có khoảng 3.600 ngôi mộ thuộc diện di dời. Hiện UBND các huyện đã bố trí 17 khu với diện tích hơn 104ha cho hơn 3.040 ngôi mộ tại 14 xã. Riêng 57 ngôi mộ tại thị xã Ba Đồn, 166 ngôi tại huyện Bố Trạch và 314 ngôi tại huyện Lệ Thủy đang được UBND huyện xác định di dời vào các khu nghĩa trang hiện có.

Nỗ lực bàn giao mặt bằng đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông -0
Các đơn vị đang thực hiện thi công gói thầu XL-01 Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng-Vạn Ninh (Quảng Bình).

Liên quan đến việc triển khai công tác GPMB khó khăn nhất là vấn đề phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền. Đến nay, UBND cấp huyện đã ban hành 67 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ có giá trị 537,91 tỷ đồng, với diện tích 876,49ha/1.155,7ha (đạt 75,84%) và chiều dài 97,81km/126,79km.

Tỉnh Quảng Bình đã phê hoạch quy hoạch chi tiết 15/27 khu tái định cư để di dời người dân đến nơi ở mới. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, UBND các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Trạch và Quảng Ninh đã hoàn thành công tác chỉ định thầu đơn vị di dời, hoàn trả đối với các tuyến đường dây điện cao thế, trung và hạ thế; các đơn vị đang chuẩn bị thi công di dời.

Các địa phương như thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan lên phương án di dời hoàn trả đối với các công trình như trụ sở UBND phường Quảng Hải, chợ Quảng Hải, Trường tiểu học Bắc Dinh, UBND xã Phú Định, Trường Mầm non Cự Nẫm…

Tiếp tục giải quyết các vấn đề nảy sinh

Liên quan đến Dự án cao tốc Bắc - Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Thắng yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB; bàn giao 100% mặt bằng để xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam trước ngày 30/6/2023; khẩn trương lập, phê duyệt dự án đầu tư các khu tái định cư, khu nghĩa trang, tập trung triển khai quyết liệt các phần việc để bảo đảm tiến độ thực hiện theo quy định.

Trực tiếp kiểm tra thực địa tại nút giao Cự Nẫm (huyện Bố Trạch), thuộc gói thầu XL-01, Dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh, do nhà thầu Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đang triển khai thi công; đoạn qua xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) do nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công và công trình cầu Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) do Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính thi công, thuộc gói thầu XL-02 của Dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo:

Đối với các huyện, những chỗ nào người dân đã nhận tiền bồi thường, đủ điều kiện rồi thì phối hợp với Ban QLDA 6, với xã và người dân để bàn giao nhanh mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Về các vướng mắc trong công tác tái định cư, các huyện khẩn trương hoàn tất các thủ tục thuộc thẩm quyền, gửi cho Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch-Đầu tư xem xét, tổng hợp.

Những nội dung nào thuộc thẩm quyền của các bộ chủ quản thì khẩn trương phối hợp với Ban QLDA 6 tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề nghị xem xét, giải quyết; những vấn đề thuộc thẩm quyền của các sở thì phải tập trung, chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương để giải quyết, không để chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các khu tái định cư, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch và thi công dự án.

Đối với Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo cần khẩn trương tổ chức các phương án khai thác diện tích rừng trong phạm vi dự án, vừa bảo đảm tài sản của Nhà nước, vừa nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trên tuyến chính, cũng như sử dụng làm các bãi thải, bãi trữ, mở đường công vụ phục vụ quá trình thi công.

Hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam đang nảy sinh, phát sinh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai như vấn đề về GPMB các mỏ vật liệu mới; điều chỉnh phương án đất đắp thành cầu; thiết kế hồ sơ cắm mốc hành lang an toàn đường bộ và đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của các công trình nhà ở đến an toàn giao thông (trong phạm vi hành lang đường bộ); diện tích đất trồng lúa nước của một số xã bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc. Tuy nhiên, khi áp giá đền bù có sự chênh lệch lớn với các xã xung quanh, dẫn đến việc người dân không đồng tình nhận tiền đền bù khiến dự án cao tốc qua xã bị đình trệ, ảnh hưởng tới tiến độ cũng như tình hình trật tự tại địa phương…

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Bình đang tập trung triển khai quyết liệt các phần việc để bảo đảm tiến độ thực hiện theo quy định và xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến việc triển khai dự án; đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa việc triển khai dự án một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tránh việc gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.

https://cand.com.vn/Giao-thong/no-luc-ban-giao-mat-bang-dai-du-an-cao-toc-bac-nam-phia-dong-i685969/

Dương Sông Lam / Công an nhân dân