Bước vào tuần thứ tư của năm học 2022-2023, thiếu giáo viên vẫn là tình trạng chung của nhiều địa phương, gây khó khăn không nhỏ cho việc dạy, học, nhất là với các môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giải bài toán thiếu giáo viên, song vẫn chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần có lộ trình chắc chắn với sự quyết liệt hơn nữa từ phía chính quyền địa phương.
- Ngành giáo dục nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng
- Giải ''bài toán'' thiếu giáo viên mầm non
Hướng dẫn học sinh làm bài tập tại Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ). Ảnh: Quang Thái
Còn nhiều khó khăn
Năm học 2022-2023 là năm thứ ba ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra khá phổ biến, điển hình là môn tiếng Anh, tin học và công nghệ ở lớp 3. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để dạy môn tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3 năm học 2022-2023, cả nước cần thêm 3.605 giáo viên; môn tin học cần thêm 4.400 giáo viên. Dự báo đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các khối lớp, cần bổ sung hơn 24.000 giáo viên ở ba môn học mới (tiếng Anh, tin học và công nghệ cấp tiểu học; môn nghệ thuật cấp trung học phổ thông).
Tại Hà Nội, năm học 2022-2023, toàn thành phố thiếu 10.265 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là ở cấp tiểu học với 3.436 giáo viên; cấp trung học cơ sở thiếu 3.135 giáo viên... Việc thiếu giáo viên khiến các nhà trường gặp khó khăn khi triển khai nhiệm vụ. Theo thống kê sơ bộ, quận Hà Đông hiện thiếu hơn 700 giáo viên ở ba cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Trương Thu Hà cho biết, cấp học mầm non của quận này cũng thiếu nhiều giáo viên. Nguyên nhân là những năm gần đây trên địa bàn quận có thêm nhiều khu nhà ở cao tầng, kéo theo số lượng trẻ mầm non trong độ tuổi tuyển sinh tăng mạnh. Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên mầm non rất khó khăn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã chuyển việc...
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) Đỗ Thị Mai cho hay, theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, với thời lượng 4 tiết/tuần (thay vì là môn học tự chọn, 2 tiết/tuần như trước). Số giáo viên tiếng Anh hiện có của trường không đủ để đảm đương được yêu cầu của chương trình mới, đòi hỏi nhà trường phải bổ sung. Tương tự, với môn tin học và công nghệ lớp 3, giáo viên tin học phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định thì mới được dạy môn tin học và công nghệ. Do đó, dù không thiếu giáo viên, nhưng nhà trường vẫn gặp khó, khi các giáo viên tin học chưa có chứng chỉ, nhưng vẫn phải đảm nhận nội dung công nghệ. Để bảo đảm chất lượng dạy học, nhà trường tự tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên môn này.
Xoay xở đủ cách
Xác định tâm thế dù khó khăn đến đâu cũng phải tổ chức dạy tốt, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đang nỗ lực xoay xở bằng nhiều cách để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) Ngô Nguyệt Anh, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, tin học và công nghệ lớp 3, nhà trường đã nhờ sự hỗ trợ của các trường trên cùng địa bàn quận. Những trường có thuận lợi về nguồn giáo viên cùng hỗ trợ, chia sẻ với các trường thiếu giáo viên. Với cách thức này, về cơ bản, các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được nhà trường triển khai đúng quy định.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, giải pháp đang được các trường triển khai là ký hợp đồng với giáo viên (theo tháng, theo tiết), hoặc động viên đội ngũ giáo viên hiện có dạy tăng tiết. Trong khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đang rà soát, lập danh sách giáo viên dạy môn tin học để tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ.
Để giải quyết việc thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo nhu cầu đề xuất của các địa phương; hướng dẫn các địa phương phối hợp với cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo văn bằng 2 cho những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng...
Liên quan đến nội dung này, ngày 18-7-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TƯ về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026, với 65.980 biên chế giáo viên được giao bổ sung. Ở Hà Nội, tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022-2023. Theo đó, các trường mầm non, phổ thông công lập sẽ được bổ sung 2.361 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng “vừa chạy, vừa xếp hàng”, việc giải bài toán thiếu giáo viên đòi hỏi sự chủ động của ngành Giáo dục và các giải pháp đồng bộ, dài hơi và quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1043309/no-luc-giai-bai-toan-thieu-giao-vien