Dù được các chuyên gia khuyến cáo về việc sử dụng muối hồng, vì lợi nhuận giới kinh doanh vẫn rao bán rầm rộ và gắn mắc "thần dược" cho sản phẩm này.
Liên tục chia sẻ về công dụng chữa bệnh của một loại muối màu hồng có tên gọi Himalaya, chị Hoài ở Bình Phước "khoe", nhờ nó mà con chị khỏe mạnh, hết viêm họng. Mỗi hũ muối chị bán nặng khoảng 0,5 kg với giá 85.000 đồng, đắt gấp 10 lần so với loại muối thông thường của Việt Nam.
Chị Hoài cho biết, mỗi ngày bán được cả chục hũ. Sở dĩ muối này ngày càng trở thành "cơn sốt" theo chị vì chúng có tác dụng giảm đau mỏi xương khớp, tê bì tay chân, lưu thông máu huyết, đả thông kinh mạch, thải độc trừ phong và không thể thiếu mục làm đẹp, giảm cân... Ngoài ra, sản phẩm còn có khả năng giảm trừ ion dương, thượng tôn ion âm (có lợi) và chặn được sóng điện từ từ thiết bị điện tử.
Không chỉ quảng cáo tác dụng, chị Hoài còn liên tục rủ bạn bè và người thân quen cùng bán muối. "Loại này là hàng công ty nên lợi nhuận kiếm được khá tốt. Cứ giới thiệu được một khách sỉ là người giới thiệu được chia 3,5% hoa hồng trên doanh số mà mối sỉ hoặc cộng tác viên nhập. Nên mỗi tháng thu nhập của tôi có thể lên tới 30 triệu đồng", chị Hoài nói.
| |
Muối hồng Himalaya đang nhập nhiều vào Việt Nam. |
Đạt được mức lợi nhuận cao hơn chị Hoài, chị Oanh ở Đồng Nai cho biết mỗi tháng có thể kiểm 50-60 triệu đồng từ bán muối. "Hãy tham gia bán muối với mình, mỗi gói muối lời được 35.000 đồng nhưng càng bán số lượng lớn và tạo được mối sỉ thì không cần đi rao khắp nơi, vẫn rung đùi lượm tiền", chị Oanh giới thiệu và cho biết, một thùng muối hồng lấy từ công ty có 36 gói, mỗi gói nặng 500 gram. Công ty để giá sỉ 1,8 triệu đồng cho mỗi thùng nhưng khi bán ra, mỗi thùng người bán thu được hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn được ăn hoa hồng trên mỗi thùng mà khách sỉ bán được.
Chạy theo "cơn sốt" muối hồng, nhiều cá nhân bán hàng online ở Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, TP HCM cũng liên tục "khoe" công dụng thần kỳ của loại muối này.
Không chỉ cho rằng chúng là loại "thuốc tiên" tốt cho con người mà giới buôn còn giới thiệu tác dụng chữa bệnh cho cả động vật. Chị Thanh ở Hải Dương gần đây liên tục giới thiệu sản phẩm thông qua những câu chuyện theo xu hướng như cho heo ăn muối hồng có thể chữa khỏi dịch tả heo châu Phi, hay như trộn muối hồng trong thức ăn cho gà có thể kháng được bệnh cúm.... Cũng chính vì những công dụng thần kỳ, nên mỗi lần đăng bài rao bán muối hồng, chị Thanh luôn khuyến khích người sử dụng muối Himalaya như một loại gia vị thay thế hoàn toàn cho muối ăn hằng ngày.
Vì tin công dụng tốt của muối hồng, chị Hạnh ở Bình Phước cho biết đã chi ra 3 triệu đồng để mua thùng muối hồng đầu tiên về chữa đau xương khớp. Tuy nhiên sau hơn một năm sử dụng chị vẫn không thấy hiệu quả, buộc phải đi bệnh viện điều trị.
Trao đổi với VnExpress về "cơn sốt sử dụng muối hồng Himalaya", BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho rằng muối Himalaya có thể dùng để chữa được bệnh, mà đây chỉ là quảng cáo thổi phồng của các đơn vị kinh doanh nhằm bán được sản phẩm nhiều hơn.
Theo BS Diệp, trên thị trường có hai loại là muối biển và muối mỏ. Muối Himalaya là dạng muối mỏ được chiết xuất gần dãy Himalaya ở Pakistan. Các loại muối này chỉ là một loại gia vị để làm món ăn ngon hơn hoặc dùng để khử trùng, làm sạch. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách và vượt quá liều lượng cho phép có thể gây ra các loại bệnh về cao huyết áp, tim mạch... Với trẻ em, sử dụng muối hằng ngày quá nhiều sẽ gây ra ức chế hấp thụ thức ăn và dẫn đến việc chậm phát triển, làm hại hệ tiêu hóa. Do đó, BS Diệp khuyên người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua sản phẩm để tránh mất tiền oan và mang bệnh về mình.
Cũng cho rằng, nhà sản xuất đang thổi phồng công dụng của muối hồng, Rene Ficek, chuyên gia dinh dưỡng của Trung tâm Thực phẩm Seattle cho hay, thực tế, hàm lượng khoáng chất trong muối Himalaya quá ít để tạo nên sự khác biệt. Không những thế, chúng ta đã luôn bổ sung những khoáng chất đó qua thực đơn hàng ngày thông qua các loại hạt, rau, thịt. Không ít trang web khẳng định muối Himalaya chứa 13 – 14% khoáng chất, nhưng trên thực tế con số này chỉ nằm ở mức 3-5%.
Ngoài ra, do được khai thác thủ công, muối hồng Himalaya hoàn toàn không chứa i-ốt cần thiết cho cơ thể.
"Mọi người cứ tưởng muối hồng là một viên 'vitamin tổng hợp', nhưng đây là một khái niệm sai lầm. Chúng ta cần rất ít khoáng chất trong dinh dưỡng hàng ngày, và chỉ cần bổ sung 8 loại để tránh khỏi tình trạng thiếu hụt", Kelsey Mangano, Phó giáo sư Đại học Massachusetts đưa ra nhận xét.
Đứng trên góc nhìn khác, một chuyên gia kinh tế ở TP HCM cho biết, sản phẩm muối hồng được bán gần đây cũng là một dạng của kinh doanh đa cấp. Thông thường giá trị của sản phẩm này không cao nhưng để phân cấp lợi nhuận, giới kinh doanh đẩy chúng lên mức "ngất ngưởng" nhằm lôi kéo người bán hòng tăng doanh số. Để bán được số lượng lớn, họ đã thổi phồng công dụng của sản phẩm để người tiêu dùng chịu chi hơn mà không cảm thấy "phí tiền".
Thông tin muối hồng chữa được bệnh dịch tả lợn châu Phi là bịa đặt Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin trên các trang mạng xã hội giới thiệu một loại muối hồng có thể chữa được ... |
Thi Hà