Có một người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và sống sót trở về. Trong suốt chừng ấy năm trời, người lính Mỹ đó không thể thoát khỏi ám ảnh tâm lý bởi những việc mình đã làm ở Việt Nam. Rồi một ngày mấy chục năm sau, người lính đó đã dũng cảm đối diện với chính mình, tới Bức tường Chiến tranh Việt Nam, để lại một cái hộp, trong đó có bức thư dài hơn 2 trang nói về điều khiến ông ám ảnh cả cuộc đời...
Kể từ khi khánh thành năm 1982, Bức tường Chiến tranh Việt Nam ở Mỹ đã trở thành một nơi được nhiều người viếng thăm. Bức tường này khắc tên hơn 58.000 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Người đến đây thường đặt một tờ giấy lên trên tên của người thân khắc trên bức tường, dùng bút cà lên để in cái tên mang về làm kỷ niệm.
Khu vực đặt các hộp chứa đồ vật của khách để lại ở Bức tường Chiến tranh Việt Nam.
Từ khi bức tường đang được xây dựng cách đây mấy chục năm, du khách có thói quen để lại cạnh bức tường những kỷ vật có liên quan. Có hàng nghìn kỷ vật được để lại bức tường mỗi năm. Tính đến nay, chừng 400.000 vật đã được thu thập và cất giữ trong hộp lưu trữ ở Trung tâm nguồn bảo tàng thuộc Cơ quan Công viên Quốc gia. Trong suốt 2 năm rưỡi qua, các chuyên gia đã xem từng kỷ vật được để lại ở bức tường, chọn lựa những kỷ vật có ý nghĩa nhất để trưng bày trong trung tâm giáo dục Chiến tranh Việt Nam trị giá 115 triệu USD dự kiến được xây ở một khu vực gần đó.
Ám ảnh
Trong biển kỷ vật đó, từ mũ thi đấu bóng bầu dục, xe máy, bưu thiếp, xì gà, huy chương cho đến một mảnh vỡ trực thăng, có một chiếc hộp nằm trên những dãy kệ dài dằng dặc ở Trung tâm nguồn bảo tàng. Chiếc hộp này, cùng với 40 năm ám ảnh, đã được một cựu binh Mỹ để lại ở bức tường.
Giờ đây, khi đã ở tuổi 60, ông mới đồng ý kể lại với tờ Washington Post về câu chuyện của mình nhưng đề nghị không tiết lộ tên tuổi. Câu chuyện của ông là một trong hàng nghìn câu chuyện về những đau đớn, mất mát, ám ảnh mà chiến tranh gây ra. Ông coi bức tường là một địa chỉ linh thiêng.
Ngày ấy, ông là một người lính Mỹ trẻ ở độ tuổi 20 mới đến Việt Nam tham chiến trong khoảng thời gian 6 tháng hồi năm 1969 với tư cách là một lính bộ binh tiền tuyến ở khu vực đồng bằng sông Mekong, phía nam Sài Gòn. Một đêm nọ, nhóm của ông đã phục kích 90 lính Bắc Việt đang đi dọc đường mòn và đã tiêu diệt họ. Trong đêm tối với ánh sáng mờ nhạt, người lính Mỹ đi đếm xác những người lính Bắc Việt trong khi tâm trạng vẫn vô cùng đau đớn khi một đồng đội thân thiết mới bị giết cách đó vài ngày.
Trong tâm trạng tức giận, chỉ muốn trả thù đó, ông đã tìm thấy thi thể nhuốm máu một người lính Việt Nam nằm trên cánh đồng lúa. Ông nhớ lại tâm trạng và hành động của mình rồi viết lại trong bức thư mà mấy chục năm sau đã mang đặt ở bức tường: “Tôi đã hung hãn đá chân anh, gạt chốt an toàn súng và chĩa thẳng vào đầu anh bắn. Tôi ngứa ngáy muốn trả thù và đó là lý do tại sao tôi làm thế”.
Lúc đó, người lính Mỹ phát hiện ba lô của “đối phương” bị mở một phần, liền lục tung ra tìm chiến lợi phẩm, một bằng chứng gì đó để thể hiện rằng mình đã trả thù. Anh ta lôi ra một tấm ảnh, hai lá cờ nhỏ và một bài thơ. Anh ta nhét chúng vào túi và tiếp tục công việc đếm xác kẻ thù.
Sau 6 tháng, hành trình ở Việt Nam của người lính Mỹ kết thúc. Anh rời Việt Nam mang theo chiến lợi phẩm về, cất chúng vào một chiếc hộp gỗ. Anh kết hôn, xây dựng gia đình, tìm việc làm ổn định.
Cuộc sống ở Mỹ tưởng cứ thế trôi qua. Nhưng những ký ức chiến tranh thường xuyên đeo bám anh năm này qua năm khác, không sao xua đi được. Những thứ đựng trong chiếc hộp gỗ ám ảnh anh. Thỉnh thoảng anh lại dừng công việc để mở chiếc hộp. Người lính ấy 40 năm sau kể lại: “Tôi cảm như mình đang nhìn vào địa ngục cấm trong tâm hồn. Một cảm giác không thể gọi tên ùa vào tim và tôi lập tức đóng nắp hộp lại”.
Đối với người lính Mỹ, nhìn bức ảnh lấy trong ba lô “người lính bên kia chiến tuyến” khiến anh thấy khó khăn nhất. Trong ảnh, 7 anh lính trẻ miền Bắc Việt Nam mặc quân phục, đội mũ cối đứng ven sườn một ngọn đồi nhỏ. Đằng sau họ là một người mặc trang phục đen. “Tôi xem bức ảnh rất kỹ, nhìn vào từng khuôn mặt và tự hỏi anh là ai trong số đó, tôi cố gắng hình dung ra nỗi đau không thể đo đếm của cha mẹ anh ta”.
Nhiều năm sau, người lính Mỹ vẫn tự hỏi: “Tôi rõ ràng mắc chứng rối loạn tâm lý sau chấn thương và rất kinh khủng. Tôi cứ liên tục tự hỏi ‘Chuyện gì đang xảy ra với mình? Tại sao mình không thể thích nghi trở lại? Tại sao mình không thể về nhà và quên tất cả?’ Nhưng tôi không thể”. Người cựu binh đọc rất nhiều sách về chiến tranh, như sách về Nội chiến Mỹ, Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ 2, chiến tranh Việt Nam. Tất cả chỉ để tìm ra manh mối cho nỗi đau tâm lý.
Giải thoát
Hàng thập kỷ đã trôi qua. Cách đây 7 hay 8 năm, ông bắt đầu đi tìm bác sĩ tâm lý: “Tôi bắt đầu hiểu cuộc hành trình của mình, tôi đã ở đâu, tôi là ai. Nhiều thứ đã được giải quyết nhưng còn một bí mật đen tối sâu thẳm vẫn nằm ngay trong tủ của tôi. Tôi biết nó ở đó, tôi cảm thấy sự hiện diện của nó”.
Sau nhiều lần tư vấn tâm lý và cảm thấy đã sẵn sàng, ông ngồi xuống và viết lá thư. Ông nhờ vợ cùng đọc lại lá thư với mình và nói với vợ là không thể giữ những thứ mà ông từng coi là chiến lợi phẩm này ở nhà. Ông nhận ra rằng chỗ của chúng là ở Bức tường Chiến tranh Việt Nam.
Một ngày năm 2011, khi trời còn tờ mờ, ông và vợ cùng tới bức tường, đem theo một chiếc hộp đẹp hơn chứa tất cả các vật mà ông muốn quên. Ngoài trời rất lạnh, ánh mặt trời chỉ mới lấp ló trên đồi Capitol. Ông có thể nhìn thấy bóng mình phản chiếu trên bức tường bằng đá hoa cương sáng bóng. Ông đọc to lá thư và khóc: “Tôi tới đây hôm nay lòng tràn ngập nỗi buồn và hổ thẹn. Cuộc đời đã biến đổi tôi từ một thanh niên trẻ tuổi đầy hận thù, người đã báng bổ thi thể anh, thành một ông già đi tìm sự bình yên... Xin hãy tha thứ cho tôi, người anh em, hãy yên nghỉ!”.
Ông kể lại: “Tôi khóc, khóc ai oán. Chưa bao giờ tôi khóc như vậy. Tôi cảm thấy nhẹ lòng khôn xiết, một sức nặng đã bay khỏi tâm hồn tôi... rồi bình yên và tĩnh lặng... những thứ tôi chưa từng biết tới”.
Ông đặt chiếc hộp cạnh bức tường và để cả lá thư trong đó. Khi cùng vợ quay về, ông đã ngoảnh đầu nhìn lại. “Ngày mới đang lên. Tôi cảm thấy như đó là một ngày mới đối với tôi”.
Cựu binh Mỹ ngồi tù 15 năm vì lạm dụng tình dục trẻ mồ côi Hàn Quốc Sĩ quan Không quân Mỹ lĩnh án vì lạm dụng tình dục hai bé trai mồ côi Hàn Quốc và sở hữu hàng chục video ... |
Những tháng ngày khốc liệt bên bờ Thạch Hãn 1972 trong ký ức cựu binh Những khốc liệt của chiến tranh, ký ức bi hùng về 81 ngày đêm tử thủ thành cổ Quảng Trị, được kể lại chân thật ... |