Ngày Sự cùng 63 chiến sĩ Hải quân Việt Nam bị sát hại ở Gạc Ma, bà Lê Thị Muộn nằm chiêm bao thấy con mình, đầu bê bết máu.
Đó là hôm 14/3/1988. Hồi ấy liên lạc còn khó khăn, đất liền chưa ai biết tin dữ. Trung Quốc dùng vũ lực sát hại bộ đội Việt Nam, chiếm đóng phi pháp bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam.
Bà Muộn, mẹ của Phan Văn Sự đang ở trong bệnh viện ở Đà Nẵng chăm chồng. Ông Phan Văn Bé bị bệnh gan. Thấy ác mộng, linh tính của người mẹ biết có chuyện chẳng lành, nhưng bà không nói với chồng, sợ ông lo.
Sáng hôm sau, loa phóng thanh bệnh viện phát bản tin về Gạc Ma. Khi nghe con mình có tên trong danh sách hy sinh, ông Bé lên cơn nhồi máu cơ tim rồi không qua khỏi.
Điều bà Muộn và những người thân không ngờ là hai cha con liền kề ngày giỗ. Kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh.
Hai chiếc bàn thờ được lập vội, di ảnh của Sự được phóng từ bức ảnh đen trắng chụp trong một lần đi chơi trước khi đi đảo. Thi thể anh vẫn nằm lại dưới lòng biển lạnh.
Nhiều năm sau, một ngôi mộ gió được dựng trong khuôn viên nghĩa trang thành phố cho Sự cùng 8 đồng đội cùng quê Đà Nẵng hy sinh trong sự kiện ấy.
Sau này, bà Muộn nhận được kỷ vật duy nhất của Sự là chiếc áo hải quân anh để quên ở đất liền. Ngày nhận áo, bà ghì chặt vào lòng như được ôm con bằng hình hài máu thịt.
Khi tôi gặp bà Muộn vào một ngày se lạnh. Người mẹ không kể lể khóc lóc, bà vào phòng trong lấy tấm áo khoác lên mình, "áo của Sự đấy, mặc vào mẹ thấy ấm lắm".
Khi tình nguyện nhập ngũ, Sự là thanh niên tuổi đôi mươi. Chiếc áo của đứa con vạm vỡ quá rộng, người mẹ phải tháo từng đường chỉ ra, tự khâu lại thành một chiếc áo bà ba để mặc cho vừa.
Chiếc áo trắng bà Muộn mặc trò chuyện với tôi gần chục năm trước đã ngả màu thời gian. Người mẹ mặc nó mỗi khi cả nhà làm giỗ cho anh hay "lên truyền hình".
Bà bảo, mình còn may mắn hơn nhiều cha mẹ khác có con hy sinh ở Gạc Ma, vì vẫn còn nhận được một tấm áo với mùi mồ hôi và vị mặn của nước biển. Chiếc áo Sự để quên lại đất liền khi tức tốc lên tàu nhận nhiệm vụ, không ngờ là di vật duy nhất để lại cho người thân.
Những ngày đầu có tấm áo bên mình, người mẹ thường ôm "cho dễ ngủ". Dần dà, sợ con biết sẽ buồn, bà gấp gọn để ở đầu giường. Khi may lại thành chiếc áo bà ba, bà cất phần cổ đứng và tay áo trong gối để cảm nhận hơi ấm của con.
Năm 2017, khu tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Ranh hoàn thành, bà Muộn tặng chiếc áo sau 30 năm gắn bó để trưng bày, để câu chuyện Gạc Ma sẽ được nhiều người biết đến và biết đâu sẽ có những cuộc tìm kiếm hài cốt dưới đáy biển.
Trong năm lần gặp mẹ Muộn, tôi vẫn thường hỏi "mẹ mong muốn gì nhất". Người phụ nữ với mái tóc bạc trắng bảo "chỉ mong có ngày được đón Sự về".
Nhưng bà không chờ được. Tháng 8 năm ngoái, bà đã rời cõi tạm ở tuổi 89 để về đoàn tụ cùng hai cha con. Có lẽ đó cũng là cách để người mẹ hội ngộ với con mình.
Tôi may mắn hơn bà Muộn và những người thân liệt sĩ chưa một lần được đến Trường Sa để thắp nén nhang ngưỡng vọng. Tôi được đến vùng biển Gạc Ma trong chuyến công tác tháng 1/2013. Con tàu di chuyển từ đảo Sinh Tồn sang Cô Lin, Len Đao, rồi neo lại giữa những cơn sóng lừng. Sau phút mặc niệm trên boong, đoàn thả vòng hoa kết hình cờ tổ quốc xuống dòng nước xanh.
Nhiều đôi mắt của những người lính trẻ trong đợt giao quân đã đỏ hoe. Họ cùng độ tuổi hai mươi như Sự và đồng đội. Cũng xa cha mẹ, người thân để ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
Tôi lên cabin, mượn ống nhòm nhìn sang bãi đá Gạc Ma. Một tàu chiến cỡ lớn chắn ngang bãi đá đang bị xây dựng phi pháp. Những khối bê tông bắt đầu mọc lên, khởi đầu cho những công trình mà sau này khi quy mô quá lớn, đã không thể dùng tàu chiến che đậy. Tàu Trung Quốc luôn lởn vởn, sẵn sàng gây hấn bất cứ con tàu nào lại gần. Khi đó, tôi hiểu được phần nào vì sao cuộc lặn tìm ba năm trước đó để thu lượm hài cốt các chiến sĩ Hải quân dưới xác tàu HQ 604 đã phải dừng lại sau khi mang được một phần xương cốt các anh lên bờ.
Khi nhìn thấy bãi đá Gạc Ma và con tàu khu trục vô hồn từ xa, lòng tôi cồn lên xao xuyến, xót xa và giận - như thể một phần cơ thể mình bị xâm phạm. Tôi không thể hình dung, nếu những người cha, người mẹ các anh nhìn thấy cảnh ấy như tôi, sẽ còn cảm thấy thế nào.
Sau chuyến công tác ấy, tôi lập gia đình, đặt tên con gái đầu lòng là Trường Sa để ghi dấu kỷ niệm khó quên, nhưng còn mang một ý nghĩa khác. Đó là mỗi lần ai đó nhắc đến cái tên Trường Sa, người ta sẽ nhớ về quần đảo đã ngấm máu xương những người con đất Việt vào ngày này 33 năm trước.
Tổ quốc và căn tính của dân tộc, trong bối cảnh thế giới vẫn diễn ra những cuộc xâm lăng tinh vi và đầy thương tổn hôm nay, càng trở nên quan trọng. Sẵnsàng vì tổ quốc, nhưng ta cũng nhắc nhau đừng thờ ơ và nhu nhược trước sự lấn lướt của những tham vọng ngạo ngược.
Nguyễn Đông
33 năm hải chiến Gạc Ma: Mãi mãi không quên sự hy sinh dũng cảm của các anh Tròn 33 năm hải chiến Gạc Ma, đất nước mãi mãi không quên sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ vĩnh viễn nằm ... |
30 năm nỗi đau Gạc Ma, nước mắt mẹ vẫn rơi Ở tuổi gần 80, bà Lê Thị Lan phải nhờ người giúp tìm di linh tên con trai – anh hùng liệt sĩ Nguyễn Hữu ... |