Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu “xuống thang”, trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề với tốc độ tăng trưởng giảm sút, vật giá leo thang, bóng ma lạm phát vẫn lơ lửng do những yếu tố bất ổn về nguồn cung năng lượng và lương thực.

“Nỗi đau” kinh tế sau một năm xung đột Nga - Ukraine ảnh 1

Xung đột quân sự Nga - Ukraine đẩy giá lương thực lên cao khiến nhiều người lâm vào cảnh nghèo đói

“Cú sốc” kinh tế ngay sau “cú sốc” xung đột

Cuộc xung đột quân sự bùng nổ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine ngày 24-2-2022 đã ngay lập tức làm gia tăng bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn còn đang gượng dậy sau “trận càn quét” của đại dịch Covid-19. Tiếp đó, các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây liên tiếp giáng xuống nước Nga - ước tính tổng cộng hơn 10.000 lệnh trừng phạt - đã gây ra những ách tắc, cản trở lớn với thương mại thế giới vốn có “dòng chảy” vô cùng mạnh mẽ sau hàng thập kỷ quá trình toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng.

Việc dòng chảy năng lượng từ một nhà cung cấp lớn như nước Nga ra thị trường toàn cầu suy giảm đã gây ra cú “sốc” đối với nhu cầu và giá cả khắp toàn cầu, cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tạo ra những cơn gió nghịch đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Lạm phát toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2022, chủ yếu do xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng, lương thực và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Nga và Ukraine là hai quốc gia cung cấp năng lượng, nguyên liệu thô, lương thực và phân bón lớn trên thế giới. Giá dầu thế giới vì thế đã tăng “dựng đứng” và duy trì ở mức trung bình trên 100 USD/thùng trong 5 tháng liên tiếp, từ tháng 3 đến tháng 7-2022. Giá lương thực thế giới cũng leo lên mức kỷ lục mới do cuộc xung đột Nga - Ukraine, làm gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc và dầu ăn. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tăng lên mức đỉnh 159,3 điểm trong tháng 3-2022 so với mức chỉ 141,4 điểm vào tháng 2-2022. Chỉ số này sau đó hạ nhiệt dần, nhưng vẫn ở mức cao và góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng.

Hoàng Tuấn / ANTD