Nỗi ám ảnh của các bạn trẻ là nhìn đâu cũng thấy đồ thừa cần bỏ đi.
Cô gái "sợ hãi" vì thói quen tích trữ đồ của mẹ
Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện một cô gái than thở chuyện dọn nhà ngày Tết lại thu hút gần 10.000 lượt thích và hàng nghìn lượt bình luận. Đó được xem là nỗi ám ảnh của không ít bạn trẻ, đặc biệt là những người có phụ huynh thích tích trữ đồ.
“Cho mình than thở tí, ở đây có ai có bố mẹ chuyên tích đồ đồng nát như mẹ mình không? Mỗi lần dọn nhà là bán được cả trăm nghìn tiền đồng nát. Cái tính tiết kiệm có gì cũng để dành, có khi đồ hỏng, mình bảo vất đi nhưng bà lại phát ra câu thần chú “để đấy, biết đâu ít nữa dùng đến”. Mình lại ngậm ngùi để lại.
Nồi niêu xoong chảo, cốc chén, bát đũa được 3 bao. Quần áo mình lọc ra bỏ bao định mang vứt đi rồi bà túm được lại lôi ra mặc. Mỗi lần Tết đến là mình phát sốt lên được”, cô gái tên Trần Hà than thở.
Kèm theo đó là hình ảnh căn bếp ngổn ngang đồ cũ khiến mọi người choáng váng. Câu chuyện của Trần Hà được rất nhiều người đồng cảm. Dân mạng thi nhau kể lại tình huống “dở khóc dở cười” mình gặp phải khi dọn nhà đón Tết.
Có thể thấy, các phụ huynh có chung sở thích tích trữ đồ và cho đến ngày cận Tết mới chịu bỏ đi. Nguyễn Yến (Hưng Yên) năm nào cũng ám ảnh bởi chiếc tủ lạnh chật ních những đồ của mẹ.
“Nhà thì khỏi nói rồi, đâu đâu cũng thấy đồ thừa nhưng mình sợ nhất vẫn là chiếc tủ lạnh. Tết đến mở ra dọn thì ôi thôi, ngăn đá đủ các loại thịt, ngăn lạnh thì đầy những rau. Không hiểu mẹ mình để làm gì mấy củ gừng úa, hành héo, rau nát... Mình phải đem vứt sạch rồi lau dọn cẩn thân mới thấy cái tủ lạnh được thở. Năm nào, mình cũng công tác tư tưởng cho mẹ là ăn đồ lạnh, đồ úa hại sức khỏe thế nào mà mẹ vẫn không bỏ được thói quen này”, Yến chia sẻ.
Dọn nhà ngày Tết trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ (ảnh minh họa)
Tuấn Minh (Quảng Ninh) thì sợ nhất là dọn nhà kho giúp bố. Nguyên căn phòng 25m2, bố anh chứa đầy những thứ như nồi niêu, bát đũa, cuốc, xẻng, quang gánh, đồ nghề xây dựng. Thậm chí cả những viên gạch vỡ, bố anh cũng trữ vào đó phòng có khi dùng đến.
“Mình cả trăm lần thắc mắc, mấy viên gạch vỡ đấy thì dùng vào cái lúc nào mà bố giữ. Ống cứ kiên quyết “Kệ tao. Cấm có được lén lút vứt đi”. Thế mà Tết đến, vẫn cứ là mình phải khuân đồ đi vứt thôi. Chỉ khổ thằng con”, Minh ngậm ngùi.
Vì không thể khuyên mẹ bỏ qua thói quen tích đồ nên Thu Thảo (Phú Thọ) thường nhăm nhăm lúc mẹ không có nhà, đem bán đồ cũ. Cô còn “sung sướng” vì cuối năm lại kiếm được vài trăm nghìn đồng nhờ mớ đồ nát của mẹ.
“Mình lấy chồng gần nhà, cứ gần Tết là phải xuống dọn dẹp cho bố mẹ một buổi chiều. Cơ mà phải lựa lựa lúc bà đi vắng mới dọn được vì bà mà ở nhà là cái gì cũng giữ. Ngay cả quần áo cũ bỏ vào bao rồi, bà cũng không chịu vứt đi. Mình đem bỏ thì lại bảo “Không mặc thì để đấy tao làm giẻ lau. Vứt hết đi đến lúc rửa nhà lại không còn cái nào”. Khổ tâm lắm. Ấy thế mà mình có lén vứt thì mẹ cũng chả biết. Nhiều đồ thừa quá mà”, Thảo chia sẻ.
Còn rất nhiều nỗi sợ khác của các bạn trẻ khi dọn nhà. Người thì sợ lau con tiện cầu thang, người thì sợ lau bàn ghế, sập gỗ… những thứ được chạm trổ cầu kỳ. Thế nhưng, dù sợ đến mấy họ cũng chăm chỉ dọn bởi ai nấy đều quan niệm rằng, nhà sạch đón Tết sẽ đem đến nhiều may mắn trong năm mới.
Tết thực sự là "quốc tế dọn nhà"; hay dịp giải quyết nợ nần? Trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, Tết không chỉ là dịp sum vầy bên gia đình, mà còn là cơ hội giải quyết hết ... |
Lưu ý dọn nhà cuối năm sao cho hút tài lộc chuẩn phong thủy Việc dọn dẹp nhà cửa thường tiến hành từ ngày 24 - 30 âm lịch. Dưới đây là tư vấn của chuyên gia phong thủy ... |
Bản án cho gã chồng đánh chết vợ vì không chịu dọn nhà Tàn cuộc nhậu, Thương yêu cầu vợ dọn dẹp “chiến trường” nhưng chị này không đồng ý. Tức giận, đối tượng dùng gậy đánh nạn ... |
Chạy "sô" dọn nhà thuê dịp Tết kiếm tiền triệu mỗi ngày Giá một giờ làm ngày 28, 29 Tết tăng gấp đôi ngày thường mà vẫn không hết việc nên nhiều người tranh thủ chạy "sô" ... |