Mùa hè sắp đến gần, những người thợ điện lại có thêm nỗi lo “thả diều” ở nhiều địa phương trên cả nước, có thể gây sự cố, ảnh hưởng đến cung cấp điện.

 

Nguy cơ mất an toàn điện

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng người dân thả diều gần đường điện, trạm biến áp gây ra sự cố về lưới điện. Đơn cử như tại Thái Nguyên, báo cáo của Sở Công Thương địa phương này cho thấy, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 105 vụ sự cố và gián đoạn hệ thống điện nguyên nhân do diều, vật bay (01 vụ lưới 220kV, 01 vụ lưới 110kV và 103 vụ lưới 35,22kV). Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra trên 20 vụ sự cố hệ thống điện liên quan đến thả diều. Riêng ở TP. Phổ Yên, từ đầu năm tới nay đã xảy ra 11 sự cố mất điện do người dân thả diều (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tại Đồng Nai đã xảy ra 7 trường hợp diều vướng vào đường dây điện trung thế (TP. Biên Hòa 3 vụ, TP. Long Khánh 2 vụ, huyện Long Thành 2 vụ).

Hay như việc trong vòng hơn 1 tháng qua, lưới điện huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 6 sự cố gây mất điện diện rộng, nguyên nhân do người dân thả diều vướng vào đường dây điện.

Có thể thấy, hàng năm số vụ sự cố điện trên cả nước có nguyên nhân từ thả diều là khá lớn và xảy ra ở hầu hết các địa phương. Mặc dù thả diều pháp luật không cấm nhưng nó đang gây gây ra những hiểm hoạ khôn lường đến hệ thống lưới điện. Nhẹ thì ảnh hưởng đến chất lượng điện (đã có nhiều doanh nghiệp kiến nghị về chất lượng điện do sự cố thả diều), nặng có thể gây ra sự cố chập cháy, mất điện diện rộng, thậm chí hư hỏng thiết bị điện, ảnh hưởng tới an toàn sức khoẻ, tính mạng con người. 

Hiện không có số liệu thống kê về người chơi diều nhưng hầu như ở các tỉnh trung du, đồng bằng đều có người chơi diều, nhất là mùa hè khi mà cả chục triệu học sinh được nghỉ học, tiềm ẩn mối nguy hiểm lớn cho bản thân người thả diều và sự cố điện. Điều khó khăn là khi xảy ra sự cố lưới điện xuất phát từ hoạt động thả diều thì không tìm được đích danh chủ thể thả diều và những sự cố đó ngành điện phải mất nhiều thời gian, chi phí và nhân lực để khắc phục.

Nỗi lo an toàn lưới điện mùa nắng nóng 2024 do thả diều 
Công nhân điện lực gỡ diều vướng lưới điện

Cần sự chung tay của các cấp chính quyền

Trước đây, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý sự cố do thả diều đều do ngành điện thực hiện. Tuy nhiên những năm gần đây, các cấp chính quyền đã vào cuộc và có nhiều cách làm hay. Trong đó, đã chỉ đạo các cấp tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn điện cho người dân. Đơn cử như Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp, không thả diều gần khu vực đường dây và trạm biến áp; đồng thời chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Lãnh đạo Thái Nguyên cũng chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường kiểm tra, thực hiện quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn kịp thời đối với các trường hợp cố tình thả diều gần đường dây điện gây nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn của các đường dây tải điện và trạm biến áp trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm đối với các trường hợp cố tình thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ).

Nỗi lo an toàn lưới điện mùa nắng nóng 2024 do thả diều
Biển báo cấm thả diều tại Thái Nguyên

Thực hiện các chỉ đạo trên, đến nay, Điện lực TP. Phổ Yên (Thái Nguyên) đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện do diều gây ra, như: Cắm 93 biến cấm thả diều tại khu vực gần đường dây trung áp; treo 159 áp phích tuyên truyền về ngăn ngừa sự cố lưới điện và tai nạn điện tại các nhà văn hóa và trường học; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và Công an TP. Phổ Yên tăng cường tuyên truyền, tuần tra và xử lý các trường hợp vi phạm...

Được biết, nhiều địa phương cũng đang quyết liệt triển khai công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Sự chung tay này sẽ giúp giảm thiểu sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy cấp điện cho sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Phạt tiền và bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Việc thả diều trong khu vực hành lang lưới điện là hành vi bị cấm, theo Khoản 18, Điều 2 của Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các tập thể, cá nhân thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện; đồng thời, bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo đúng quy định của Nhà nước. Riêng các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng, gây hoả hoạn, sự cố mất điện trên diện rộng, tai nạn điện,… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nguyên Vũ / VTC News