5 năm sau khi Mỹ tuyên bố đã phá tan thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm khủng bố này đang trỗi dậy mạnh mẽ tại châu Phi. Số lượng những cuộc tấn công ngày càng gia tăng tại Mali, Niger, Mozambique, Somalia đang làm dấy lên lo ngại rằng, châu lục này sẽ sớm trở thành địa bàn để IS thành lập “vương quốc” trong tương lai.
Mới đây, Martin Ewi, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu an ninh Nam Phi đã gửi báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cảnh báo nguy cơ ngày càng gia tăng khi IS đã xuất hiện và có nhiều hoạt động ở hơn 20 quốc gia châu Phi. Theo thống kê của thời báo Washington Post, gần 2.700 người Mali đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công xảy ra trong những tháng đầu năm 2022, nhiều hơn gần 40% so với năm 2021. Ở Niger, số nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với khủng bố có thể sẽ vượt quá 1.000 người trong năm 2022. Ở Burkina Faso, trong nửa đầu năm nay, khoảng 2.100 người đã thiệt mạng. Trong khi đó, tại Uganda, Lực lượng Dân chủ Ðồng minh (ADF), đại diện cho IS nhánh Trung Phi, vẫn là mối đe dọa lớn. Ngoài ra, nhánh này cũng đã biến một số vùng ở Congo và Mozambique thành “các lò tàn sát”. Ở vùng Sừng châu Phi, Somalia tiếp tục là “điểm nóng”.
Đáng nói là, quy mô hoạt động của các phần tử IS được dự đoán sẽ mở rộng mạnh mẽ sau khi Pháp rút khỏi Mali ngày 15-8 vừa qua, kết thúc chiến dịch Barkhane kéo dài 10 năm nhằm đẩy lùi những lực lượng nổi dậy Hồi giáo cực đoan tại quốc gia Tây Phi này và vùng Sahel. Theo các nhà phân tích, suốt 1 thập kỷ qua, dù Pháp cùng sự hỗ trợ của nhiều quốc gia châu Âu đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ổn định an ninh, song vẫn chưa thể trấn áp được các nhóm vũ trang ở khu vực. Trong khi đó, quân đội các nước Tây Phi chưa đạt được sự vững mạnh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Việc các lực lượng của Pháp và châu Âu rút đi sẽ tạo ra khoảng trống về an ninh, gia tăng bất ổn trong khu vực.
IS từng đánh chiếm nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria năm 2014, tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo trước khi bị đánh đuổi vào cuối năm 2017. Cuộc chiến đẫm máu kéo dài 3 năm đã khiến hàng chục ngàn người chết và phá hủy nhiều thành phố. Tàn dư của nhóm này đã di chuyển xuống phía Nam, xâm nhập châu Phi. Trong 5 năm qua, lợi dụng sự nghèo đói, bất ổn chính trị và khả năng kiểm soát an ninh yếu kém ở nhiều quốc gia tại lục địa Đen, các phần tử khủng bố chạy thoát từ Iraq, Syria bắt đầu thiết lập căn cứ, mở rộng mạng lưới hoạt động. Các chuyên gia an ninh cho rằng, một nguyên nhân khác giúp IS có thể “hồi sinh” tại châu Phi là vì các quốc gia thuộc khu vực này thiếu những sáng kiến mới để chống chủ nghĩa khủng bố và thường coi nhẹ những cảnh báo sớm về mối đe dọa khủng bố. Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này, ông M.Ewi cũng nhận định: “Mối đe dọa đã bị chẩn đoán sai và cách phản ứng lại không phù hợp”. Vì vậy, châu Phi nhiều khả năng sẽ thay thế Trung Ðông trở thành chiến địa của các phần tử Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là IS, trong 20 năm tới.
Để việc chống lại chủ nghĩa khủng bố có hiệu quả, Liên hợp quốc cho rằng, các quốc gia tại châu Phi cần hết sức cảnh giác, không được phép lơ là trước những nguy cơ đe dọa an ninh. Bên cạnh đó, các nhà chức trách trong khu vực cần chú trọng giải quyết những vấn đề như thể chế yếu kém, bất bình đẳng, nghèo đói và bất công. Cùng với đó, nhiều quốc gia trên thế giới nên hỗ trợ và tăng cường nhiều chiến dịch truy quét các nhóm cực đoan tại châu Phi. Nếu không, thành quả của cuộc chiến chống IS và khủng bố toàn cầu suốt 5 năm qua sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.