“Có lỗi là con người, biết sửa lỗi là thánh nhân”, nhưng trong cuộc sống hiện đại, nhiều người cảm thấy khó khăn khi nói lời xin lỗi, dù họ nhận ra sai lầm.
Học sinh rơi nước mắt khi nghe bài giảng của thầy Nguyễn Thành Nhân về văn hóa "nói lời xin lỗi". |
Trong buổi nói chuyện, thầy Nhân nhiều lần hỏi học sinh, tại sao lại không xin lỗi khi làm điều gì đó sai, kể cả làm bố mẹ hay thầy cô buồn lòng? Đặc biệt là việc nhiều bạn trẻ vì cá tính, nổi loạn, ích kỷ nên dần dần không có thói quen nói lời xin lỗi.
Thầy đặt ra vấn đề: Lời xin lỗi dễ như vậy, tại sao lại khó nói thế?
Trước khi xuất hiện clip dạy văn hóa ứng xử “nói lời xin lỗi” của thầy giáo Nguyễn Thành Nhân, một người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam từng “phàn nàn” trên một tờ báo rằng: Người Việt Nam ít nói xin lỗi. Ngay sau đó đã nổ ra cuộc tranh luận với chủ đề: Việt Nam có hay không “văn hóa xin lỗi”?
Va chạm giao thông, thay vì nói lời xin lỗi thì nhiều người giải quyết với nhau bằng nắm đấm. Nét văn hóa, ứng xử tối thiểu như lời xin lỗi, tiếng cảm ơn vẫn là một thứ xa xỉ với không ít người Việt. |
Dư luận từng ầm ĩ về sự việc của một vị hiệu trưởng, vì “ngại” nói lời xin lỗi, nên bà quanh co đổ lỗi cho giáo viên, nhân viên cấp dưới khi gây ra tai nạn cho một học sinh. Kết quả, bà bị dư luận phản ứng và lên án vì hành vi này.
Nhưng cũng có một câu chuyện khác liên quan đến “lời xin lỗi”, khiến nhiều người nể phục. Một cậu học sinh lớp 11, trên đường đi học, vì chẳng may làm vỡ gương chiếc ôtô đậu bên đường, đã viết một mảnh giấy để lại cho người lái xe với nội dung: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ôtô. Cháu xin lỗi ạ. Liên lạc với cháu theo số điện thoại … để cháu đền ạ”.
Hành động này của em học sinh khiến chủ xe không bắt đền mà lấy đó làm tấm gương răn dạy cho con mình, về việc sống có trách nhiệm, dám làm dám chịu.
Thầy Nguyễn Thành Nhân cho rằng, trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhiều người đã quên đi văn hóa ứng xử tối thiểu này. Một nguyên nhân nữa là tính sĩ diện, với các bạn trẻ là cá tính nổi loạn, nên cảm thấy xấu hổ khi phải nói lời xin lỗi, dù đã nhận ra sai lầm.
Để hình thành thói quen biết nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, ngoài việc tăng cường giáo dục, mỗi người cũng nên có suy nghĩ: Không có gì xấu khi nhận ra lầm lỗi và nói lời xin lỗi. Vì thành công đôi khi đến từ việc chúng ta biết cách đứng lên từ sai lầm của mình và của người khác.
Bài giảng đạo đức về “nói lời xin lỗi” khiến học sinh Hà Nội rơi nước mắt Clip bài giảng đạo đức nói về công ơn cha mẹ, cách ứng xử với thầy cô giáo và nói lời xin lỗi khi làm ... |