Chỉ có làm nghiêm, làm tới nơi, tới chốn, làm cho ra nhẽ mới giúp xóa bỏ nghi ngờ, minh oan được cho lãnh đạo...
Những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc trước hàng loạt trẻ em mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) bị phát hiện nhiễm sán lợn do thức ăn nhà bếp không bảo đảm.
Ngay lập tức, có thông tin lan truyền lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho nhà bếp có quan hệ họ hàng với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh. Và rằng, có lợi ích nhóm trong việc để doanh nghiệp cung cấp thức ăn không bảo đảm vào bếp ăn của trường học.
Phụ huynh trường mầm non Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Người đưa tin
Chỉ cách đó một vài ngày, vụ việc một thanh niên "cưỡng hôn" một cô gái trong thang máy tòa chung cư cao cấp tại Hà Nội cũng gây ồn ào dư luận.
Người đàn ông đã bị xử phạt hành chính với mức phạt là 200.000 đồng nhưng vụ việc cũng lập tức được lan truyền với nhiều thông tin đồn đại cho rằng đối tượng trên là con, cháu của một lãnh đạo công an cấp cao đã nghỉ hưu của Hải Phòng.
Dù những người liên quan ở cả hai vụ việc đều lên tiếng phủ nhận tin đồn "họ hàng" và khẳng định đó là "tin vịt" nhưng nhiều người cho rằng, đây là một hiện tượng đáng suy ngẫm.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thừa nhận, đó là thực tế và nó xuất phát từ một vài vụ việc đã được xử lý nhưng có dấu hiệu được bao che, nể nang, nương tay khiến dư luận hoài nghi.
Tuy nhiên, nếu chỉ vì một vài vụ việc mà "vơ đũa cả nắm" là thiếu công bằng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự của những người lãnh đạo địa phương đang cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Điểm lại hàng loạt những vụ đại án đang được xử lý, vị đại biểu khẳng định thái độ, quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong xử lý sai phạm, ngăn chặn tham nhũng là rất rõ ràng, quyết liệt và đã có những kết quả phải ghi nhận. Hiện tượng quen biết, nể nang trong quá trình xử lý cũng đều được quan tâm, giám sát chặt chẽ, với quan điểm không bỏ lọt, bỏ sót người sai phạm.
Mặc dù vậy, ông Hòa cũng thừa nhận, vẫn có những trường hợp sai phạm ở địa phương có hiện tượng lợi dụng các mối quan hệ họ hàng, quen biết để điều khiển kết quả xử phạt đối với một số vụ việc khiến dư luận nghi ngờ tính nghiêm minh, nghiêm khắc trong thực thi pháp luật. Vì thế, có những tin đồn "họ hàng", "người thân" lãnh đạo sau mỗi vụ việc xảy ra mà không được xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc cũng là dễ hiểu.
"Đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng rõ ràng những tin đồn như vậy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự chung của các vị công chức, lãnh đạo.
Do đó, tôi cho rằng cần phải có biện pháp chỉ đạo làm rõ tính xác thực của những tin đồn, nếu thật sự là có quan hệ họ hàng và có dấu hiệu sử dụng mối quan hệ đó để điều khiển kết quả xử lý sai phạm thì phải xử lý cho nghiêm, trả lại công bằng cho người dân.
Ngược lại, đó chỉ là tin đồn với dụng ý xấu thì các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc làm rõ, trả lại sự trong sạch, minh bạch cho các vị lãnh đạo địa phương", ông Hòa nói.
Đi vào vụ việc nhiễm sán lợn cụ thể ở Bắc Ninh, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, khi đã có dư luận về "lợi ích nhóm", nhờ quan hệ họ hàng với lãnh đạo cao cấp của tình để đưa thức ăn không bảo đảm vào trường học thì phải Bắc Ninh phải có chỉ đạo làm cho rõ, trả lời trước dư luận về những băn khoăn, bức xúc đó.
"Để giải quyết vấn đề không phải chỉ bằng lời nói mà cần phải thực hiện bằng hành động. Muốn chứng minh trong sạch thì phải chỉ đạo điều tra vụ việc tới cùng, thái độ quyết liệt, nghiêm khắc trong điều tra, xử lý chính là câu trả lời rõ ràng, là cách minh oan tốt nhất trước dư luận, phụ huynh và người dân.
Cụ thể ở đây là phải làm cho rõ có yếu tố lợi ích nhóm hay không? Nếu không có lợi ích nhóm thì ai cho phép doanh nghiệp đưa thực phẩm bẩn, độc, không bảo đảm vào nhà bếp? Khâu kiểm duyệt, giám sát ở đâu? Cơ quan nào làm việc này?...
Nên nhớ, không chỉ người dân Bắc Ninh mà người dân cả nước đang rất quan tâm và bức xúc về vụ việc.
Vụ việc không những gây những dư luận xấu mà còn xâm hại nghiêm trọng tới sức khỏe, sự phát triển của những đứa trẻ mới đang độ tuổi mầm non, những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển, còn chưa hoàn thiện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần là không thể chấp nhận được.
Rõ ràng, đây là hành vi phi đạo đức. Doanh nghiệp làm việc này là vì họ xem nhẹ vấn đề đạo đức, quá coi trọng lợi ích, do đó, dư luận nghi ngờ doanh nghiệp có quen thân, có lợi ích nhóm là hoàn toàn dễ hiểu. Cơ quan công an phải có trách nhiệm làm rõ việc này và có câu trả lời thỏa đáng", ông Hòa nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu phát hiện sai phạm ở mức độ nghiêm trọng thì có thể phải đề nghị khởi tố hình sự, buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, chứ không thể xuê xoa, xử cho xong.
"Xử lý cương quyết, tới nơi, tới chốn là cách duy nhất giúp xóa bỏ những nghi ngờ, dư luận không tốt cho những người lãnh đạo địa phương", ông Hòa nói.
Xe biển xanh đón người nhà lãnh đạo tại cầu thang máy bay: \'Nếu sai phải lên tiếng, xin lỗi dư luận\' Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng trước lùm xùm việc đưa xe biển xanh đón người nhà lãnh đạo ở ... |
Tự xưng người nhà lãnh đạo, chiếm đoạt tài sản 36 người Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các hộ dân, người đàn ông 30 tuổi tự xưng là người nhà của lãnh đạo Đảng để ... |