Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tại hội nghị về phát triển nông nghiệp công nghệ cao diễn ra hôm qua (14.8).

nong nghiep cong nghe cao la tat yeu
Sản xuất lan hồ điệp theo công nghệ cao cho doanh thu 1,2 tỉ đồng/ha/năm

Hội nghị tổ chức tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), với chủ đề “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển NNƯDCNC toàn quốc”. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp VN đang trên đà suy giảm, từ 4,3%/năm (1994 - 2000) xuống còn 3,7%/năm (2001 - 2007) và 3,1%/năm (2008 - 2015) do sản xuất manh mún, dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản chưa cao… trong khi VN đang phải đối mặt với những thách thức lớn như quỹ đất nông nghiệp giảm, sự cạnh tranh gay gắt do hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm… “Vì vậy, phát triển NNƯDCNC là hướng đi cần thiết trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tất yếu trong xu thế hội nhập; là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân”, ông Doanh khẳng định.

Nhiều chính sách ưu đãi

Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển NNƯDCNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Ngoài 2 khu NNƯDCNC được Thủ tướng ký quyết định thành lập ở tỉnh Hậu Giang và Phú Yên, có nhiều vùng khác đã được xây dựng và phát triển khắp cả nước như vùng sản xuất lúa giống, gạo thương phẩm chất lượng cao, vùng sản xuất trái cây hàng hóa theo quy trình VietGAP tự động tưới tiêu, bón phân, vùng sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ trong nhà kính, vùng chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp áp dụng quy trình tự động hóa và tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Đặc biệt, từ khi Thủ tướng chỉ đạo huy động gói tín dụng thương mại 100.000 tỉ đồng khuyến khích phát triển NNƯDCNC, nông nghiệp sạch với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn, đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Điểm sáng Lâm Đồng

Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đánh giá Lâm Đồng là “điểm sáng” NNƯDCNC với trên 50.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao (chiếm 17% diện tích canh tác). Giá trị sản xuất bình quân đạt 155 triệu đồng/ha/năm và là “hình mẫu” của cả nước, với nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt doanh thu đến 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 - 9 tỉ đồng/ha/năm, hoa đạt 1,2 tỉ đồng/ha/năm, chè chất lượng cao đạt 240 triệu đồng/ha/năm và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. Địa phương xây dựng được các chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản quy mô hàng hóa gắn với thương hiệu, mang lại lợi ích kinh tế vượt trội, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hiện Lâm Đồng có 19 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu. Tư duy làm nông nghiệp kiểu mới đã lan tỏa đến vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Đơn cử, tại H.Lạc Dương (hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc) trở thành nơi hội tụ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất NNƯDCNC trong và ngoài nước, như: VinEco, Floram, Kbil Vina, SamGong, Anhdao Co-op, Ngọc Mai Trang… Ngoài ra, Lâm Đồng còn thu hút được 77 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư trên 250 triệu USD, 1.425 doanh nghiệp trong nước với số tiền hơn 6.000 tỉ đồng đầu tư phát triển NNƯDCNC.

Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản) xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp Lâm Đồng theo hướng tiếp cận đa ngành gắn với dự án tín dụng ngành xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã mang đến nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp. Ngoài ra, việc phối hợp với nhiều quốc gia như Bỉ (tỉnh Đông Flander), Tập đoàn CJ - Hàn Quốc, các doanh nghiệp nông nghiệp Hà Lan... cũng góp phần đưa Lâm Đồng trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển NNƯDCNC.

/ Lâm Viên/thanhnien.vn