NSƯT Bùi Cường cho biết, ông mất rất nhiều công sức để khiến Chí Phèo có giọng cười như chó hóc xương, đôi mắt lúc nào cũng trợn ngược và đặc biệt là biết hát - điều hoàn toàn không có trong tác phẩm của Nam Cao hay trong kịch bản phim Làng Vũ Đại ngày ấy.
Sáng 3/8, NSƯT Bùi Cường qua đời vì tai biến mạch máu não. NSƯT Đức Lưu - người vào vai Thị Nở, đóng cùng ông trong Làng Vũ Đại ngày ấy bàng hoàng như "sét đánh ngang tai", NSND Bùi Bài Bình rưng rưng nước mắt, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thì sốc còn NSƯT Trung Anh nghẹn ngào chia sẻ: "Quá bất ngờ anh ơi. Nửa tháng trước, em còn nhận kịch bản phim điện ảnh Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc từ anh, những tưởng lần đầu tiên anh em mình được cộng tác làm việc cùng nhau. Vậy mà..Mong anh được siêu thoát, thảnh thản nơi chín suối. Chàng Chí Phèo của dân Việt".
Những nghệ sĩ trên có lẽ chỉ là ít trong số rất nhiều đồng nghiệp và công chúng khác thương tiếc trước sự ra đi của NSND Bùi Cường.
NSƯT Bùi Cường qua đời sáng 3/8.
Trong suốt 30 năm gắn bó với môn nghệ thuật thứ 7, NSƯT Bùi Cường nhận được rất nhiều thành công. Không chỉ nổi tiếng với vai trò diễn viên, ông còn là đạo diễn, nhà sản xuất phim có tên tuổi. Qua tuổi 70, ông vẫn miệt mài với những dự án điện ảnh.
Vai diễn ấn tượng nhất của NSƯT Bùi Cường có lẽ là Chí Phèo trong phim Làng Vũ đại ngày ấy. Chỉ cần với vai diễn này, hình ảnh và tên tuổi của ông in dấu ấn sâu đậm trong trái tim hàng triệu người dân Việt.
Khi còn sống, trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, NSƯT Bùi Cường từng chia sẻ, ông gặp phải áp lực rất lớn khi được đạo diễn Phạm Văn Khoa mời vào vai diễn Chí Phèo. "Chí Phèo không chỉ nổi tiếng trong văn học mà đi vào cả cuộc sống thường ngày của người dân. Gần như, ai cũng có một hình dung về Chí Phèo cho riêng mình, nhưng chưa bao giờ, họ nhìn thấy nhân vật này bằng xương bằng thịt" - NSƯT Bùi Cường chia sẻ.
Áp lực không nhỏ nhưng NSƯT Bùi Cường cũng rất hạnh phúc khi được mời vào nhân vật thuộc hàng "độc" nhất trong nền văn học nghệ thuật của Việt Nam. Ông nghiên cứu rất kỹ kịch bản. Là một người không thích uống rượu nhưng để có thể lột tả được nhân vật Chí Phèo, cũng thử tìm cách biến mình trở nên say mềm. Tuy vậy ông thú nhận: "Có lẽ lúc đó còn trẻ, còn khỏe nên tôi uống mãi không thấy say (cười)".
NSƯT Bùi Cường nổi tiếng với vai diễn Chí Phèo.
NSƯT Bùi Cường tâm niệm, ông sẽ biến Chí Phèo thành một nhân vật thực sự khác lạ trên màn ảnh Việt: "Tôi xác định, vì Chí không lúc nào tỉnh, nên hắn phải có cách đi hoàn toàn khác những người bình thường. Lúc ấy, tôi thấy các diễn viên đóng vai say thường có dáng đi liêu xiêu, nghiêng ngả. Tôi thấy cái đó phù hợp với sân khấu hơn.
Tôi chọn cách đưa hai mũi chân nghiêng ra hai bên mỗi khi bước đi. Nếu các diễn viên khác khi đóng cảnh say, thường để mắt lim dim, tôi lại chọn cách mở mắt to nhưng ánh nhìn đờ đẫn.
Đặc biệt, trong suốt một tháng trời, tôi chỉ nghĩ làm sao để ra được tiếng cười của Chí Phèo. Nhân vật này có một số phận đầy bi kịch, bị dồn tới đường cùng và bị coi thường. Tôi chợt nghĩ, thử so sánh tiếng cười của Chí với tiếng một con vật. Và cuối cùng, tôi tìm ra tiếng cười giống như con chó bị hóc xương, cứ ằng ặc, nghẹn nghẹn ở cổ, nuốt không được, nhả không ra".
Một sáng tạo nữa của Bùi Cường khiến nhiều đồng phục ngưỡng mộ là để nhân vật Chí Phèo hát. Trong tác phẩm văn học của Nam Cao và trong kịch bản phim Làng Vũ Đại ngày ấy, Chí Phèo chỉ biết chửi, suốt ngày chửi, lúc nào cũng chửi. Tuy nhiên, khi được giao vai diễn này, NSƯT Bùi Cường lại có cái nhìn rất khác.
Ông nghĩ, đã là người, ai cũng sẽ có lúc nghêu ngao một vài câu hát. Nếu để từ đầu tới cuối phim, Chí Phèo lúc nào cũng chửi, cũng đập phá mạch phim bị căng quá. Nghĩ thế, nên ông liền tới nói chuyện với đạo diễn Phạm Văn Khoa, xin cho Chí Phèo được hát.
Được đạo diễn đồng ý, NSƯT Bùi Cường lại nhức đầu vì không biết cho Chí Phèo hát gì. Đúng lúc bí, trong đầu ông lại vang lên câu hát giống như câu đồng dao mà bà vú thường hát lúc ru con gái ông khi ngủ: "Tính tính tang tang/Anh đang đãi tép/Anh thấy cô nàng đẹp/Anh vứt tép đi/Anh thấy cô mình đi/Anh lại xúc tép lại". Và thế là, sau cuộc tình tại vườn chuối với Thị Nở, Chí Phèo lần đầu tiên và duy nhất trong đời ngân nga hát.
Với những sự sáng tạo trên, NSƯT Bùi Cường khiến cho nhân vật Chí Phèo trở thành hình tượng bất tử của nền điện ảnh Việt Nam.
NSƯT Bùi Cường biến Chí Phèo thành nhân vật bất tử của nền điện ảnh Việt Nam
Không chỉ thành công trong sự nghiệp, NSƯT Bùi Cường còn có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Ông và vợ có hai con gái nhỏ. Trong những năm tháng khó khăn, để chồng có thể thảnh thơi theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, vợ NSƯT Bùi Cường rời bỏ khỏi cơ quan nhà nước, mở cửa hàng áo dài để lo kinh tế cho gia đình.
Dù không làm nghệ thuật nhưng vợ NSƯT Bùi Cường rất hiểu và cảm thông với công việc của chồng. Ông từng tâm sự, gần 40 năm trước cảnh Chí Phèo bóp ngực Thị Nợ tại vườn chuối là rất kinh khủng. Thậm chí, bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy còn đứng trước nguy cơ bị cho vào kho chỉ vì cảnh quay này. May mắn nhờ có ý kiến của Tổng bí thư Trường Chinh, phim mới được ra mắt khán giả.
Khi phim chiếu buổi đầu tiên tại Hãng, NSƯT Bùi Cường háo hức dẫn vợ đi xem. Tới đoạn "vườn chuối", anh em bạn bè tôi rú lên, chỉ có vợ ông là im lặng, mặt lạnh tanh. "Tôi nhìn vợ và nghĩ, thôi chết, có chuyện rồi và y như rằng, trên đường về, bà ấy nói: Ông có năng khiếu quá nhỉ? (cười).
Tuy nhiên, sau đó, vợ tôi không nhắc lại chuyện này. Bà ấy thường vừa cười vừa nói: Ông có đi đâu gì thì làm nhưng đừng có để thiên hạ họ nói này nói kia, đến tai tôi" - NSƯT Bùi Cường vui vẻ kể.
Mỗi lần chia sẻ về người vợ hiền, NSƯT Bùi Cường không giấu được tự hào. Ông luôn khẳng định, nhờ có vợ, ông mới có được thành công trong sự nghiệp, mới trở thành diễn viên được hàng triệu khán giả yêu quý và nhiều đồng nghiệp tôn trọng. "Tôi may mắn có được người vợ biết vun vén cho gia đình, chăm lo con cái chu toan để tôi có thể thành thơi làm nghệ thuật. Ngược lại, có làm gì tôi cũng nghĩ tới vợ con, không làm gì ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình" - NSƯT Bùi Cường nói.
Trong những năm tháng cuối đời, NSƯT Bùi Cường vẫn ấp ủ làm một bộ phim về lão Hạc. Chỉ tiếc là ông không còn cơ hội để thực hiện. Sự ra đi của ông là một sự mất mát không nhỏ của nền điện ảnh Việt Nam. Nhiều đồng nghiệp và khán giả sẽ thấy hụt hẫng. Tuy nhiên, họ chắc chắn sẽ vẫn còn nhớ tới ông, nhớ một Chí Phèo có một không hai trên màn ảnh rộng.
Mộc Lan
Bộ Văn hóa công bố kết quả xét tặng NSND, có tên \'Chí Phèo\' Bùi Cường Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố kết quả xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp Bộ. Nghệ ... |
Ngày Tết, bàn về văn hóa "rượu uống người?" Từ nước Úc, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền – người từng gây “bão” dư luận với đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra ... |
Kẻ trộm trả lại tiền, viết tâm thư cho khổ chủ sau 3 năm: "Anh Núi" thời nay Sau 3 năm, kẻ trộm trả lại số tiền 8 triệu đồng cho khổ chủ và giải thích "lòng tham tức thời lấn át hết ... |