Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) là mảnh đất của chiến trường xưa, còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau ngày đất nước thống nhất, đã có nhiều thanh niên, trí thức, y bác sĩ, giáo viên tình nguyện đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, chịu đựng gian khổ, hy sinh, đem sức trẻ và trí tuệ, nhiệt huyết để giúp người dân học hành, chữa bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.

nu bac si ben duyen voi thon ban

Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) là mảnh đất của chiến trường xưa, còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau ngày đất nước thống nhất, đã có nhiều thanh niên, trí thức, y bác sĩ, giáo viên tình nguyện đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, chịu đựng gian khổ, hy sinh, đem sức trẻ và trí tuệ, nhiệt huyết để giúp người dân học hành, chữa bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, sau nửa thế kỷ hòa bình, nhiều thế hệ con em của mảnh đất này học hành, đỗ đạt cao và trở thành bác sĩ, kĩ sư… rồi trở về làm việc, góp phần xây dựng quê hương.

Báo Lao Động trân trọng giới thiệu bút kí tự thuật của nữ bác sĩ Hàn Thị Lê Vân, người được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Khe Sanh, có hơn 10 năm gắn bó và cống hiến, chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã vùng khó khăn thuộc miền núi Hướng Hóa. Tên bài và các đề mục do tòa soạn đặt.

“Thần y Hơ Jun”

nu bac si ben duyen voi thon ban
Trạm y tế xã Hướng Sơn - nơi BS Hàn Lê Vân từng công tác giai đoạn khó khăn. Ảnh: PV

Tốt nghiệp nghề y, tôi được phân công về một xã vùng sâu vùng xa của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đó là xã Hướng Sơn, nơi lúc đó mọi người hay gọi là “hơn sướng”, nơi tôi chưa một lần đến. Trước đó, tôi có người bà con nói “cháu ở lại Đông Hà, o (cô) sẽ xin cho cháu một nơi làm tốt hơn”. Với bản năng tuổi trẻ thích khám phá, tôi dõng dạc: “Cho cháu lên Hướng Hóa, ở thành phố Đông Hà cháu cũng thích, nhưng cháu muốn lên đó”.

Tôi nhớ như in ngày đầu tiên cầm tờ quyết định, một mình chạy xe máy từ Khe Sanh đi Hướng Sơn. Sáng dậy, ba tôi nói để ba đưa vào, nhưng tôi quyết đi một mình. Tôi nghe nói, từ Khe Sanh vào Hướng Sơn chỉ chưa đến 40 cây số, vậy mà tôi đi mãi chưa tới.

nu bac si ben duyen voi thon ban
Bác sĩ Hàn Lê Vân đang thực hành kỹ thuật cao tại Bệnh viện T.Ư Huế (ngày 12.6.2018). Ảnh: PV

Sau đường đất là con dốc dựng đứng, bên vách núi cao, bên là vực thẳm, trải trên con đường độc đạo đất bùn và đá cục to bằng nắm tay. Không dám đi tiếp, dừng xe ở nửa con dốc và nước mắt bắt đầu rơi, tôi hối hận, muốn về Đông Hà. Nhưng rồi, tôi đi tiếp trên con đường mình đã chọn. Tôi thấy lạ và vui trước cảnh hai bên đường, cây trẩu nở bông trắng xóa, những ngôi nhà sàn, những bà cụ, ông cụ người Vân Kiều nhìn tôi lạ lẫm, những đứa trẻ không quen biết vô tư “chào cô”.

Dừng xe bên chân cầu, cầu nhỏ chỉ dành cho người đi bộ, xe máy qua được nhưng rất khó. Để xe lại đó, mang tất cả đồ dùng trên xe và qua cầu, đi tiếp đến nửa cầu thì xây xẩm mặt mày, cầu treo lắc lẻo, tôi không đi được và ôm tất cả ngồi tại chỗ, may lúc đó có mấy em học sinh, sau này là bạn tôi, đến đưa tôi qua cầu và vào Trạm y tế Hướng Sơn - nơi tôi bắt đầu công việc như bao đồng nghiệp của tôi lúc đó.

Trạm y tế lúc đó đơn sơ lắm, chưa có nhà công vụ. Tôi có người nhà làm giáo dục nên xin được suất ở với tập thể trường học, thấy vậy cũng đủ. Tôi bắt tay vào làm việc ngay chiều hôm đó. Công tác tại xã Hướng Sơn ba năm, dần dần người dân tin tưởng và họ gọi tôi là “Thần Y” hay “Hơ Jun”.

Được dân tin yêu, tôi càng thấy mình phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với các tên gọi mà bà con quý mến tặng cho. Phương tiện chẩn đoán thô sơ, bằng nhiều kỹ năng đã học được, tôi tận tâm với bệnh nhân, chỉ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, chẩn đoán và điều trị với phương pháp tốt nhất, nhanh nhất cho người dân.

Hơn ai hết tôi hiểu người dân ở đây còn vất vả rất nhiều, nếu tôi điều trị không đỡ đau thì họ phải ra trung tâm huyện, người lành đi đã khổ, người đau còn vất vả bội phần.

Có những đêm đang ngủ ngon giấc, tiếng gọi cửa của người dân í ới, một đoàn người trẻ có, già có, nam có, nữ có tập trung ở trạm y tế để võng người bệnh từ nhà lên trạm y tế. Họ phải thay nhau cáng võng theo đường rừng, một người ốm cả làng cùng đi.

Thay đổi nếp sống

Năm đó có phong trào buôn gỗ và khai thác gỗ tại Lào, hậu quả là từ một nơi không có bệnh nhân sốt rét thì đột nhiên tại xã số ca sốt rét tăng vọt. Tôi nhớ một ca sốt rét ác tính, người bệnh sốt ở nhà đã 5 ngày, không điều trị mà cúng Giàng.

nu bac si ben duyen voi thon ban
Trạm y tế xã nơi BS Hàn Lê Vân từng công tác thời khó khăn đến nay đều đã khang trang, hiện đại. Ảnh: PV

Ngày đó, nhận thông tin của một người dân, tôi nghĩ qua đó xem sao, vì bản năng một người thầy thuốc không để tôi bỏ qua. Tôi qua nhà và không quên mang theo túi cấp cứu đã chuẩn bị sẵn, người bệnh sốt cao 41 độ C, lơ mơ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, có tiền sử đi khai thác gỗ tại Lào, trong nước tiểu có huyết cầu tố.

Cấp cứu cho bệnh nhân bằng thuốc sốt rét và hạ sốt xong, tôi nhờ người chở bệnh nhân ra trung tâm huyện và về bệnh viện tỉnh điều trị 14 ngày với chẩn đoán là sốt rét ác tính. Bệnh nhân sau đó hồi phục, trở về khỏe mạnh. Bệnh nhân tên Hồ Pả Bông, ở thôn Ra Ly, xã Hướng Sơn. Anh vẫn thường liên lạc, coi tôi như ân nhân cứu mạng, hiện nay là lao động chính, trụ cột cho cả gia đình tám nhân khẩu. Bây giờ gặp lại anh, không ai nghĩ đó là bệnh nhân đối diện cửa tử trở về.

Một việc làm tuy nhỏ nhưng một phần đã thức tỉnh mọi người. Từ đó về sau người dân ở đây vẫn duy trì cúng Giàng theo phong tục nhưng việc đầu tiên họ làm là đưa người bệnh đến trạm y tế khám và điều trị. Tôi vui vì được chứng kiến sự chuyển biến đó, từ đó người dân hiểu và biết làm việc đúng hơn, quan tâm tới khuyến cáo của bác sĩ.

Những buổi tiêm chủng định kỳ hàng tháng, tôi cùng anh em trong trạm y tế đi đến tận từng nhà, vận động, tư vấn về tiêm chủng và phòng bệnh. Cứ thế, hiểu biết của người dân ngày một tiến bộ hơn. Dần dần, họ biết chúng tôi đến tiêm chủng là tốt cho con em và cùng phối hợp để thực hiện tiêm chủng cho trẻ.

Ca đỡ đẻ nhớ đời

Hướng Sơn là một địa bàn rộng, có hai thôn cách xa trạm y tế một ngày đi bộ, khó khăn gấp bội khi ở đó không có đường cho xe máy. Những buổi đi làm việc tại đó, chúng tôi đi bộ từ sáng sớm, qua mười hai con suối, bốn cây cầu treo bị lung lay, và đường đi toàn lau lách cỏ dại mọc um tùm, đi theo lối cỏ nghiêng chứ mặt đường không thấy, không biết mình bước đi trên đường đất hay đá, và không biết dưới mặt đường có con gì không.

Bước chông chênh, bước cao bước thấp và sẵn sàng nhảy thật nhanh khi nghi ngờ dưới chân mình là rắn hay chuột. Một bên là vách núi đá cao ngửa mặt không thấy ánh nắng, bên kia là vực thẳm. Có lẽ vất vả rất nhiều, khó khăn rất nhiều đã rèn giũa cho con người nơi đây biết cách vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Gặp lại bác trưởng trạm y tế thời chiến tranh, bác kể: “Nơi đây ngày xưa là bệnh xá của quân giải phóng của huyện Bắc Hướng Hóa, còn trạm y tế ngày xưa đóng ở nhà dân, cán bộ y tế xã nhận thuốc tại trung tâm huyện và về lần lượt đóng ở thôn này một vài ngày rồi qua thôn khác. Bây giờ có trạm y tế là ngon lắm rồi. Hồi đó các bác vất vả hơn nhiều”.

Đúng vậy, bây giờ cháu ở đây so với các bác hồi xưa, còn sướng gấp nhiều lần. Không thể so sánh với công xây dựng và vượt lên mọi khó khăn để chăm sóc sức khỏe của người dân lúc ban đầu.

Có những hôm trực tại trạm y tế một mình, tôi rất sợ. Có đêm, vào hai giờ sáng có tiếng đàn ông gọi cửa nhờ về nhà đỡ đẻ. Tôi sợ không dám mở cửa, mà hỏi vọng ra để biết có thật là cấp cứu người đau không. Giọng đàn ông ngoài cửa hổn hển: “Vợ tao đẻ, nhưng giờ thai không ra được, máu chảy rất nhiều, cán bộ vào xem giúp cho nó đẻ cái”.

Lương tâm và trách nhiệm một người thầy thuốc không cho phép tôi từ chối nhiệm vụ này. Mở cửa, dắt xe ra, bất chợt xuất hiện một người đàn ông nhanh chân đứng sau lưng, lúc đó tóc gáy tôi dựng đứng. Tôi thảng thốt: “Xe em đó, trong trạm cũng không có gì đáng giá, hai anh lấy xe em cũng được, còn cho em được sống”.

Nhưng người đó đáp: “Không, miềng đến dắt xe cho bác sĩ”. Chao ôi, vậy là tôi sống rồi!. Tôi về nhà dân và làm cô đỡ. Ca đỡ đẻ thành công, một sinh linh chào đời, cất tiếng khóc lớn. Nước mắt người mẹ và bác sĩ cùng rơi. Sản phụ trong ca đẻ nhớ đời ấy là vợ thôn trưởng thôn Uply II, xã Thuận, giờ em bé ngày đó sắp vào lớp 1.

nu bac si ben duyen voi thon ban
Hồ Thị Vắc (xã Thuận-Hướng Hóa), em bé được BS Hàn Lê Vân cứu sống trong ca đỡ đẻ nhớ đời (chụp ngày 13.6.2018). Ảnh: PV

Thấm thoắt đã mười hai năm gắn bó với mảnh đất này, tôi có cơ hội được học thêm chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu hóa. Hàng tuần, trên những chuyến xe Lao Bảo - Huế, nhìn thấy người đi xe đông nườm nượp. Trên xe không ít người phải đi xa, chịu cảnh xe chật kín, say xe để vào Huế khám bệnh, tôi chạnh lòng với câu hỏi tại sao và bao giờ thì hết cảnh này. Nhưng rồi tôi tin và hy vọng, vài năm nữa thôi, những người bệnh ở đây sẽ được chăm sóc tại chỗ với chất lượng dịch vụ y tế hiện đại, nhân văn…

Những trạm y tế ở đây ngày càng được các cấp các ngành quan tâm, cơ bản nhất là các dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình được đưa về tận nơi, giảm chi phí đi lại cho người dân, dịch vụ tiêm chủng được nâng cao, quy trình khám và phân loại trẻ luôn được quan tâm, tạo niềm tin trong nhân dân. Từ chỗ xã không có trạm y tế, nay tất cả các trạm y tế xã được xây dựng khang trang, vệ sinh sạch đẹp và nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh tại chỗ.

Giờ đây, ai đã đi xa, trở lại có thể sẽ khó nhận ra sự thay đổi mới lạ. Nhà cấp bốn được thay bằng nhà hai tầng khang trang, thiết bị cấp cứu và khám chữa bệnh hiện đại, máy siêu âm được phủ kín 22 xã. Hy vọng một ngày không xa, khoảng cách về chăm sóc y tế giữa người dân miền núi Hướng Hóa và vùng thuận lợi sẽ ngày càng được rút ngắn, chất lượng sống của cộng đồng được cải thiện. Tim tôi rộn ràng hơn vì niềm hy vọng mãnh liệt ấy.

Bác sĩ Hàn Thị Lê Vân, đã từng công tác tại trạm y tế các xã Hướng Sơn, Thuận, Tân Long, Tân Lập thuộc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa; hiện là học viên sau đại học Chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y dược Huế..

Từ năm 2006 đến nay, luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, ba năm là chiến sĩ thi đua, ba năm liền có đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở, hai năm liền có đề tài nghiên cứu cấp cơ sở và được hội đồng đánh giá cao. Một số đề tài về cộng đồng, về dinh dưỡng và thiếu máu thai kỳ, dinh dưỡng trẻ em và có thai vị thành niên được đánh giá có tính thực tiễn, tính ứng dụng tốt.

nu bac si ben duyen voi thon ban Lớp học miễn phí trên cao nguyên của cô giáo khuyết tật

Thương những đứa trẻ J\'rai không có điều kiện học tập, cô Rmah H’Blao (Gia Lai) miệt mài đứng lớp trên đôi chân tật nguyền, ...

nu bac si ben duyen voi thon ban Xót xa lớp học rách nát sau mưa lũ của trẻ em Thanh Hóa, hết năm học vẫn tả tơi

Nhiều phòng học tại xã miền núi Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) bị hư hại đến nay vẫn chưa được dựng lại.

/ https://laodong.vn