Câu chuyện tôi muốn kể là về kỹ sư Nguyễn Thị Thu Phượng công tác tại Ban Quản lý chất lượng, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Quảng Ngãi, một lao động tiêu biểu của công ty. Ở người con gái nhỏ bé này có một nghị lực và sức sáng tạo trong lao động thật phi thường. Chị đang đảm nhận một công việc “có một không hai” mà đến ngay cả nam kỹ sư nếu đảm nhiệm cũng không hề đơn giản: Giám sát thiết bị phân tích phòng thí nghiệm.
Người “bắt bệnh” mát tay
Hiện tại, Phòng Thí nghiệm (Lab) Công ty BSR có 176 thiết bị chính và 162 thiết bị phụ, do 74 kỹ sư và kỹ thuật viên vận hành, quản lý. Chị Phượng quản lý công tác vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng, sửa chữa toàn bộ thiết bị nhóm phân tích dầu thô và sản phẩm với hơn 100 thiết bị và đa dạng về cơ sở lý thuyết cũng như nguyên lý vận hành. Số lượng thiết bị này chiếm 85% số lượng thiết bị đăng ký ISO/EIC 17025 của phòng Lab cũng như phục vụ công tác xuất Chứng thư chất lượng của các sản phẩm xăng, dầu DO, xăng JET-A1, nên đòi hỏi ở người phụ trách những yêu cầu rất cao. Theo đó, chị Phượng luôn chuẩn bị sẵn sàng việc vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng cùng các hồ sơ giấy tờ liên quan; đồng thời xây dựng đầu bài, đánh giá kỹ thuật của các thiết bị được mua sắm mới, như: Máy chưng cất khí quyển tự động, máy đo dầu nhờn... Chị còn “ôm” gần 90% dụng cụ hiệu chuẩn của phòng thí nghiệm, như: Nhiệt kế, phù kế, áp kế, ẩm kế, đầu dò nhiệt độ… và luôn theo dõi tình trạng kỹ thuật, hiệu chuẩn, đánh giá kết quả hiệu chuẩn, hư hỏng và mua sắm bổ sung.
Chị Phượng tâm sự: “Nghề chọn tôi nên tôi vô cùng đam mê công việc. Hiện tôi đảm nhiệm việc nghiên cứu về thiết bị, máy móc với công nghệ phân tích mới, hiện đại đang sử dụng ở các phòng thí nghiệm lọc-hóa dầu trên thế giới”. Là phụ nữ nên trong thực hiện nhiệm vụ không tránh khỏi những chi phối từ công việc gia đình, nhưng tôi luôn xác định phải nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Phượng trong một ca làm việc. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN
Với người kỹ sư giám sát thiết bị, nhiệm vụ quan trọng nhất là “bắt bệnh” để biết được “sức khỏe” của thiết bị đó có đạt độ chính xác theo yêu cầu công việc đặt ra hay không? Sự cố kỹ thuật thì nhiều và lần nào chị cũng “khuất phục” được những cỗ máy tinh xảo. Khi chưa tìm ra lỗi của sự cố thì những nghi vấn luôn luẩn quẩn trong đầu, khiến chị trăn trở đến mất ăn mất ngủ.
Với hệ thống thiết bị đã vận hành hơn 10 năm nên các sự cố thiết bị thường xuyên xảy ra. Chị vẫn thường nhận những cuộc gọi từ nhà máy lúc 1-2 giờ sáng để xử lý hư hỏng đột xuất của thiết bị, nhằm đáp ứng kịp thời quá trình xuất hàng. Trong thời gian qua, chị là người đưa ra ý tưởng cũng như xử lý nhiều sự cố xảy ra trên thiết bị phân tích, như: Lỗi hệ thống cánh tay đòn của máy phân tích điểm chớp cháy theo phương pháp ASTM D56; lỗi hệ thống rửa dung môi (PPU) trên máy đo tỷ trọng ở nhiệt độ cao DM45; nghiên cứu sửa chữa các bộ làm lạnh Peltier, bơm trên các thiết bị đo tỷ trọng hiện số theo phương pháp ASTM D4052; tìm nguyên nhân và giải pháp khắc lỗi bộ sinh hơi trong hệ thống đo hàm lượng nhựa thực tế…
Một trong những thiết bị làm chị mất ăn, mất ngủ là hệ thống chưng cất khí quyển tự động theo ASTM D86. Do hệ thống 4 máy chưng cất khí quyển đã lỗi thời và ngưng sản xuất từ năm 2009 nên nhiều sự cố liên tục xảy ra trên thiết bị: Từ lỗi cơ cấu hệ thống van Solenoid, bơm đến lỗi của các bộ cảm ứng nhiệt độ, bộ đĩa chỉnh quá nhiệt (Triac) trong hệ gia nhiệt và làm lạnh. Thiết bị tiếp tục lỗi hệ thống Board mạch vận hành khiến chị luôn quay cuồng trong việc kiểm tra rồi sửa chữa để có thể kéo dài thời gian hoạt động của thiết bị đến năm 2017.
“Người của sáng kiến…”
Không chỉ là người cần mẫn với công việc, chị Phượng còn là nữ kỹ sư có nhiều sáng kiến, nổi bật là đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị Quang phổ cận hồng ngoại (NIR) trong việc phân tích các sản phẩm dầu mỏ ở phòng thí nghiệm”. Với số lượng hơn 3.974 mẫu sản phẩm dầu mỏ phòng thí nghiệm nhận từ bộ phận vận hành trung bình trong tháng, bài toán tối ưu việc sử dụng hóa chất, thời gian phân tích, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị phân tích thí nghiệm, nhân lực… luôn được đặt ra.
NIR là kỹ thuật phân tích dựa trên chương trình nhận dạng mẫu bằng phương pháp hình học to-pô. Đây là phương pháp xác định vị trí mẫu trong một không gian vectơ. So với các phương pháp phân tích ASTM thông thường cũng như các phương pháp phân tích trực tuyến, thời gian phân tích NIR rất ngắn, khoảng 1 phút/mẫu và đo được nhiều thành phần với nhiều đặc tính khác nhau. Theo chị Phượng: “Việc ứng dụng kỹ thuật phân tích NIR trong phòng thí nghiệm không những rút ngắn thời gian phân tích mẫu (RON, chưng cất, FIA,…), chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và nâng cao tuổi thọ của thiết bị mà còn giảm lượng hóa chất tiêu hao, đặc biệt là silica gel sử dụng cho phân tích FIA có giá thành rất cao và rất độc hại cho nhân viên phân tích khi tiến hành bằng phương pháp đo thủ công thông thường”.
Ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, việc ứng dụng kỹ thuật phân tích NIR hiện áp dụng cho nhiều dòng sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối. Chỉ tiêu phân tích sản phẩm bao gồm: FIA, RON, chưng cất khí quyển, áp suất hơi, tỷ trọng, hàm lượng benzen, điểm chớp cháy, điểm chảy, chỉ số cetan. Chị cũng là một trong số ít nữ kỹ sư được quy hoạch vào vị trí chuyên gia phân tích NIR của công ty.
Đồng nghiệp thường nhận xét chị quá “tham việc”, cái gì cũng muốn học, cái gì cũng muốn biết và muốn tự thử làm. Chị cười và đáp, mình muốn học nhiều, biết nhiều để luôn chủ động trong mọi tình huống công việc và sẵn sàng kiến thức cho những cơ hội sẽ đến. Với nữ kỹ sư này, ngừng sáng tạo là… thấy mệt. Bởi theo chị, sáng tạo để giúp công việc nhẹ nhàng hơn, giảm rủi ro... Chẳng thế mà chị quyết tâm thực hiện bằng được sáng kiến sử dụng kính hiển vi có gắn camera kỹ thuật số kết nối với máy tính của thiết bị đo dầu nhờn thay cho kính hiển vi thông thường của thiết bị đo độ bôi trơn để xử lý và lưu trữ kết quả phân tích theo phương pháp thử nghiệm độ bôi trơn của nhiên liệu disel ASTM D6079-11(2016). Sáng kiến này đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác xuất Chứng thư Chất lượng cho sản phẩm diesel của nhà máy.
Chị Phượng đã trải qua hơn 10 năm công tác ở một trong những môi trường làm việc rất năng động là dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Từ những năm 2009 và 2010, khi nhà máy bắt đầu hoạt động thương mại và nghiệm thu, chị đã được tham gia xây dựng hệ thống ISO/EIC 17025 của phòng thí nghiệm, trực tiếp soạn thảo và ban hành lần đầu hơn 40 hướng dẫn phân tích mẫu, vận hành thiết bị, xây dựng worksheet, cài đặt và đưa thiết bị vào vận hành. Sau đó, chị cũng tham gia xây dựng hệ thống JET A1, trực tiếp soạn thảo và kiểm tra các hướng dẫn phân tích, vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn và bảo dưỡng thiết bị của nhóm dầu thô và sản phẩm.
Chuyển sang làm việc ở bộ phận phân tích Online Analyzer với vai trò là kỹ sư ứng dụng NIR và Online, chị Phượng chia sẻ: “Đây là mảng thiết bị hoàn toàn khác so với thiết bị LAB, đồng thời thiết bị chủ yếu được lắp đặt ở các hệ thống công nghệ trong nhà máy nên đòi hỏi tôi phải nghiên cứu nhiều nguyên lý vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn và bảo dưỡng thiết bị mới và phải làm việc ngoài công trường trong điều kiện khó khăn hơn so với làm việc trong phòng thí nghiệm”. Với nữ kỹ sư luôn tràn đầy năng lượng này, lao động không phải là làm việc cho hết giờ, cho xong việc, cũng không phải vì thành tích cá nhân. Với chị, sáng tạo trong lao động mới là lao động thực thụ. Và ở Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn-đơn vị đầu ngành của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, văn hóa đó đã và đang hình thành phát triển, trở thành bản sắc của người thợ lọc dầu. Chúng tôi muốn khép lại câu chuyện về người con gái… “vàng ròng” này với lời nhắn nhủ của chị: “Chúng ta hãy làm việc bằng cả khối óc và trái tim. Bởi sự bền vững đi lên của công ty chính là giá trị mà mỗi chúng ta mang lại”.
Kỷ niệm 21 năm Lễ động thổ xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 - Dung Quất Ngày 8/1/1998, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 514/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 phê duyệt dự án Nhà máy lọc dầu số 1 - ... |
Thao diễn PCCC tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất Ngày 26/12/2018, Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn Cứu hộ (CNCH) - Bộ Công an chủ trì phối hợp với ... |
HỘI NGHỊ HẠ NGUỒN CHÂU Á LẦN THỨ 11 – CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VỚI CÁC NHÀ MÁY LỌC HÓA DẦU Được tổ chức thường niên, Hội nghị Thượng đỉnh Hạ nguồn Châu Á (Asian Downstream Summit - ADS) là cơ hội để các Nhà máy ... |
Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chờ đến bao giờ? Không phải nhiều người đã hiểu được rằng việc nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một đòi hỏi bức thiết… |