Ngày 23.3, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn (THPT Long Thới, Nhà Bè) đã bật khóc khi kể về mối quan hệ xa cách giữa học sinh và giáo viên.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, vì bất cứ lý do gì, giáo viên cũng không thể im lặng với học sinh khi còn đứng trên bục giảng.
Em kể, lớp em có một cô giáo dạy Toán, khi lên bục giảng "không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài lên bảng và cả lớp chép, làm bài tập". Tình trạng này đã diễn ra hơn một học kỳ rồi, không học sinh nào dám phản ánh cả.
Cô giáo chủ nhiệm cũng cố gắng giải quyết nhưng không thành công, vì cô giáo đó “khá quyền lực”.
“Con mong muốn được dạy dỗ bình thường như các bạn thôi cũng được, như vậy cũng đã quá đủ với tụi con rồi" – nữ sinh nói trong nước mắt.
Câu chuyện này ngay lập tức gây chú ý, vì được học sinh nói ra giữa lúc có nhiều vụ việc liên quan đến giáo viên, nhưng theo chiều hướng ngược lại: Giáo viên bị mất vị thế, bị phụ huynh ép quỳ, hay bị đánh đến sẩy thai. Nay lại xuất hiện “giáo viên quyền lực”, lên lớp không giảng bài, không nói gì với học sinh, vậy mà vẫn đứng trên bục giảng, ở trong môi trường sư phạm, thì đúng là chuyện lạ.
Trước sự việc này, một giáo viên chia sẻ sự thấu hiểu với đồng nghiệp: Sau bao nhiêu bài học, từ việc đồng nghiệp bị đánh, bị đuổi việc, bị kỷ luật vì cho học sinh quỳ gối... bây giờ giáo viên đành chọn cách im lặng, “làm ngơ” trước hành vi sai trái của học sinh. Nhiều giáo viên chọn cách lên lớp làm hết nghĩa vụ, giảng cho hết bài rồi về, mà không sát sao học sinh như trước.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS- Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng, dù vì lý do gì, trách nhiệm và nghĩa vụ của giáo viên là phải truyền tải kiến thức đến học sinh, chứ không thể “im lặng” khi lên lớp như vậy.
Giáo viên cũng là một nghề, phải thực hiện đúng tiêu chuẩn nghề nghiệp, chủ động giúp đỡ học sinh khắc phục khó khăn trong học tập, chứ không phải bỏ mặc học sinh. Làm như vậy là giáo viên đã quá thiếu trách nhiệm.
“Nếu những điều học sinh ở TPHCM phản ánh là sự thực, thì không lý gì học sinh muốn nghe giảng mà cô giáo lại không làm điều đó. Tôi nghĩ nhà trường, cơ quan chức năng nên xem xét lại năng lực chuyên môn của giáo viên này. Quyền lực mà học sinh phản ánh là gì, khiến giáo viên lại có thể làm trái với đạo đức nghề nghiệp như vậy” – GS Nguyễn Lân Dũng nói thêm.
Ông cũng cho rằng, giáo viên cũng như người cha, người mẹ, vừa là thầy nhưng phải vừa là bạn, luôn gần gũi, thân thiết, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh. Có như vậy mới nhận lại sự kính trọng của các em và những điều mình giảng dạy mới khiến chúng tâm phục khẩu phục.
Còn việc dùng hình phạt hay quyền lực để đe nẹt, tỏ thái độ với học sinh thì chỉ khiến chúng oán trách. Mà khi học sinh đã không phục, thì những lời khuyên nhủ của thầy cô sẽ vô tác dụng và không nhận lại sự tôn trọng của học sinh.
Vụ 500 giáo viên mất việc ở Đăk Lăk: Cần khối tố vụ án, điều tra hành vi nhận hối lộ Liên quan đến việc 2 đời Chủ tịch huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) ký tuyển dụng “bừa” với hàng trăm giáo viên, Luật sư ... |
Thầy giáo bị đuổi khỏi ngành vì lộ video hôn nữ sinh Một giáo viên trung học ở Trung Quốc đã bị sa thải sau khi đoạn video quay cảnh ông hôn nữ sinh trong buổi dạy ... |
Báo cáo Bộ GD-ĐT vụ giáo viên tố phụ huynh đánh, làm nhục tại trường Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông thì hành động của phụ huynh là không thể chấp nhận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ... |