Tây An cổ kính và hiện đại, với những con người nồng nhiệt đã khiến nữ sinh 25 tuổi người Việt coi đây là quê hương thứ hai.

nu sinh viet ke ve cuoc song o que huong tan thuy hoang
Phương Anh chụp hình lưu niệm ở Đại Đường Phù Dung Viên (lâm viên hoàng gia nhà Đường). Ảnh: NVCC.

Đỗ Phương Anh, 25 tuổi, nghiên cứu sinh thạc sỹ ở Đại học Giao thông Tây An, có sở thích giống như bao bạn bè đồng lứa như ăn ngon, chụp ảnh, và du lịch theo Tây An buổi tối.

"Ngày đầu tiên đến Tây An, tôi đã yêu thành phố này rồi", Phương Anh nói.

Phương Anh là người Hà Nội, từ nhỏ đã tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc. Cô rất thích nhạc Trung Quốc, xem phim Tây Du Ký, Hoàn Châu Cách Cách, và luyện thư pháp.

Năm 2014, cô xin được học bổng chính phủ Trung Quốc, một mình ngồi máy bay tới Tây An, thành phố cổ hàng nghìn năm lịch sử.

Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, là một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc và là thành phố phát triển nhất ở khu vực tây bắc nước này. Thành phố có hơn 3.100 năm lịch sử, dân số 8 triệu người, là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà, gắn liền với những nhân vật lịch sử Trung Quốc như: Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên… Tây An cũng là điểm kết thúc phía đông của Con đường tơ lụa.

"Tây An rất đẹp, vừa cổ kính vừa hiện đại. Mỗi nơi đều khiến tôi cảm giác như mình đang lạc trong mộng, xuyên không về thời cổ đại hàng nghìn năm trước", cô nói.

Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, thành Trường An, tháp Đại Nhạn..., mỗi di tích lịch sử đều khiến Phương Anh ngạc nhiên về sự tài hoa của người xưa và khâm phục khi chúng vẫn được bảo tồn tốt tới ngày nay.

Hơn ba năm học tập và sinh sống ở đây, Phương Anh cảm nhận thành phố này đang hiện đại hóa nhanh chóng. Cô thích mua hàng trên mạng bằng ví điện tử vì rất tiện lợi, thích dùng dịch vụ chia sẻ xe đạp để di chuyển ở Tây An.

"Mọi vấn đề nhỏ nhất trong cuộc sống đều có thể giải quyết bằng một cái điện thoại. Tôi rất thích sự tiện dụng này", Phương Anh tâm sự.

Lý do thực sự khiến nữ sinh người Việt Nam yêu thích Tây An là lòng tốt, sự nhiệt tình của người dân thành phố. Từ thầy cô giáo tới các bạn, bồi bàn ở nhà hàng tới cảnh sát giao thông, ai cũng nhiệt tình và thân thiện, khiến Phương Anh rất cảm động.

"Có một lần tôi lạc đường ở khu công nghệ cao mới. Một người qua đường đã nhiệt tình giúp đỡ, không những đưa tôi tới bến xe buýt, mà còn chu đáo giúp tôi quẹt thẻ mua vé nữa", cô nhớ lại.

Chia sẻ với VnExpress, Phương Anh cho biết tranh thủ thời gian học tập ở Trung Quốc, cô đã đi thăm các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh, Tô Châu, Hàng Châu , Lạc Dương, Trịnh Châu, và nhiều địa danh nổi tiếng khác.

nu sinh viet ke ve cuoc song o que huong tan thuy hoang
Phương Anh trong chuyến thăm đội quân đất nung ở Bảo tàng Binh Mã Dung, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km về phía đông. Ảnh: NVCC.

Học xong, Phương Anh sẽ tìm cơ hội ở lại làm việc và thực tập tại Trung Quốc một thời gian để lấy kinh nghiệm. Tương lai, cô muốn phát triển sự nghiệp ở Việt Nam.

"Tây An đã cho tôi quãng thời gian thanh xuân tuyệt đẹp, tôi sẽ lưu giữ mãi mãi những ký ức khó quên này trong tim, mãi mãi trân trọng mỗi ngày trưởng thành ở Tây An!".

nu sinh viet ke ve cuoc song o que huong tan thuy hoang Mùa đông tuyết trắng ở Tây Á

Những thị trấn nằm chênh trên triền núi ở Azerbaijan, Georgia phủ trắng tuyết như biến thành xứ sở cổ tích, khi nhiệt độ mùa ...

nu sinh viet ke ve cuoc song o que huong tan thuy hoang Vì sao Tần Thủy Hoàng đúc 12 tượng người bằng đồng khổng lồ?

Tần Thuỷ Hoàng là vị Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Tần – vương triều thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung ...

/ VnExpress