Dù có là thủ khoa đi chăng nữa nhưng cũng cần phải biết tạo cơ hội cho bản thân mình, đừng chờ ai ban phát công việc nữ thủ khoa Sư phạm ạ!
Thủ khoa ở nhà chăn lợn: sợ nhất ngại khó ngại khổ |
Nữ thủ khoa đi chăn lợn từng rơi nước mắt gửi thư tới Bí thư Triệu Tài Vinh |
Ngay sau khi câu chuyện của nữ thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ra trường với tấm bằng xuất sắc nhưng đi chăn lợn được đăng đàn. Chỉ một thời gian ngắn hàng loạt những thủ khoa khác đang phải ở nhà trồng rau, đi làm thuê, bán hàng cũng “được tố”. Càng đọc, tôi càng thấy có nhiều điều cần ngẫm về vấn đề thất nghiệp hiện nay.
Có lẽ, cha mẹ của những thủ khoa kia luôn mang một tư duy và muốn con mình thực hiện: “Nếu thương mẹ thì phải học thật giỏi, không có con đường nào giúp nhà mình thoát nghèo bằng con đường học”. Chắc chắn đó là một tư duy sai lầm.
Lẽ ra họ cần khuyên con mình: “Nếu thương mẹ thì phải học đến nơi đến chốn” chứ không phải là học thật giỏi. Vì học thật giỏi - trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì đôi lúc chỉ tạo ra một con mọt sách, chẳng có kinh nghiệm thực tế gì. Khi ấy, thả ra thị trường lao động sẽ bị rớt ngay từ vòng gửi xe.
Học đến nơi đến chốn là cách học nẵm vững lý thuyết, vận dụng vào thực tế một cách linh hoạt, có thể không được điểm cao, nhưng tốt nghiệp ra trường thả vào công ty nào người ta cũng nhận ngay và làm được việc không cần đào tạo lại.
Hãy tạo cơ hội cho chính mình chứ đừng thụ động dù có là thủ khoa.
Tôi nhớ bạn thủ khoa kia nói: “Nhưng, em không biết đợi đến bao giờ” – đó là cái tư duy đợi người khác trao công việc cho mình thật là ấu trĩ và lạc hậu. Nếu có thực lực hãy về các thành phố lớn, đăng ký vào dạy ở các trường tư, ở đó vừa có lương tốt, vừa tự đứng trên đôi chân của mình, lại có tiền gửi về phụ giúp mẹ. Cuộc sống mà cứ chờ vào biên chế nhà nước, khi không được lại ngồi than thở "chờ đến bao giờ", nếu như vậy thì thất nghiệp là đúng rồi. Cuộc sống ngày hôm nay đòi hỏi người ta năng động nhạy bén chứ không phải cứ ngồi há miệng đợi sung rơi được.
Thực tế cho thấy, chưa hẳn những sinh viên thủ khoa (giỏi lý thuyết) ra làm việc đã là những giáo viên giỏi. Rất nhiều bạn thủ khoa ra trường dạy mãi dạy hoài mà học sinh vẫn không muốn học. Trong khi đó nhiều bạn học chỉ khá thôi nhưng dạy học sinh theo học ào ào. Vậy nên mới có nhận định “dạy học còn là một nghệ thuật”.
Theo tôi, thủ khoa cũng giống như một cầu thủ bóng đá hay nhất một trận bóng đá nào đó thôi. Còn việc trở thành “ngôi sao”, việc “bán được mình” với giá cao, trở thành thủ lĩnh của đội bóng .... sẽ cần rất nhiều yếu tố khác tác động. Đã từng có rất nhiều “cầu thủ trẻ tài năng” nhưng sau đó chìm nghỉm giữa xoáy khắc nghiệt của nghề nghiệp.
Vì thế, chúng ta đừng nên quá ảo tưởng chuyện thủ khoa sẽ được trải thảm đỏ đón chào. Vấn đề quan trọng, hãy tự tạo ra cơ hội cho bản thân và tự tìm lấy công việc cho mình, đừng chờ ai ban phát. Đó mới thực sự là con đường thoát nghèo của người học đến nơi đến chốn.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
http://www.nguoiduatin.vn/nu-thu-khoa-su-pham-di-chan-lon-dung-chi-ha-mieng-cho-sung--a341938.html