Trong 1-2 năm tới, Trung Quốc có thể vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng nợ tích lũy sẽ ngày càng nhanh và nhiều lên.
Hệ quả ham tăng trưởng
Các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế Trung Quốc thời gian qua liên tiếp đưa ra những cảnh báo về núi nợ ngày càng tăng của Trung Quốc, trong đó khoản lớn nhất là nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước hoạt động trong nhiều ngành từ thép, xây dựng đến bất động sản.
Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ Trung Quốc đạt hơn 304% GDP tính đến tháng 5 năm nay. Đặc biệt, cảnh báo nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đang đi vào trong quỹ đạo nguy hiểm và đến cuối năm, nợ xấu của Trung Quốc có thể đạt đến con số 7.600 tỷ USD.
Không ngạc nhiên trước thông tin trên, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, đối tượng chịu tác động lớn nhất bởi núi nợ này của Trung Quốc chính là hệ thống ngân hàng khi nợ xấu không được giải quyết, đặc biệt khi từ trước tới nay, nợ của Trung Quốc chỉ ở trong trạng thái đảo nợ.
Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc hoạt động trong các ngành thép, xây dựng, bất động sản là những con nợ lớn. Ảnh: Reuters
"Chính phủ cho phép đảo nợ, chính quyền địa phương được phép bán trái phiếu để rồi trả lại nợ trước... Quá trình ấy kéo dài vì Trung Quốc vẫn muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao để có báo cáo đẹp. Do đó, họ cho phép làm việc này và bơm tín dụng ra, kích thích tài khóa.", ông Bùi Ngọc Sơn nhận định.
Vị chuyên gia chỉ ra thực tế, trong khi tại Trung Quốc năng suất lao động đi xuống, tốc độ tăng trưởng chậm lại, các thừa ế về công suất, về sản phẩm, bất động sản quy mô rất lớn nhưng chính phủ nước này cứ kích thích mà không giải quyết nợ nên đương nhiên nợ đó sẽ tăng lên rất nhanh.
"Trong vòng một thời gian (1-2 năm tới), quốc gia này có thể vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhưng sự tăng trưởng đó sẽ phải trả giá bằng các tích lũy về nợ ngày càng nhanh và lớn lên. Hiện giờ nó đã đến mức nguy hiểm", ông Sơn nói.
Đáng lưu ý, núi nợ của Trung Quốc sẽ càng khó giải quyết khi nợ chủ yếu nằm ở DNNN. DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Trung Quốc nên tiền ném vào thì nhiều mà của cải sinh ra thì không có nên doanh nghiệp sẽ chết. Trong khi đó, quy luật cho thấy, quốc gia nào trông vào DNNN để làm ăn sớm muộn gì cũng thất bại.
Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố khắc phục tình trạng nợ nần của các DNNN là ưu tiên hàng đầu nhưng cho đến nay Trung Quốc chưa thực hiện được bao nhiêu.
"Nợ sẽ dồn lên ở hệ thống ngân hàng mà ngân hàng bị nợ xấu nhiều sẽ bị suy yếu, không thể có tiền ném vào nền kinh tế, khi ấy nền kinh tế càng xuống đốc nhanh. Chứng nào chính phủ Trung Quốc chấp nhận giải quyết được đống nợ đó đi thì mới thoát được", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Không thể gây tê liệt hệ thống tài chính toàn cầu
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho biết, đã có một số tính toán cho rằng, trong trường hợp xấu, nếu xảy ra khủng hoảng tài chính, rủi ro nợ của Trung Quốc sẽ không thể gây tê liệt hệ thống tài chính toàn cầu. Nguyên nhân là vì mối liên quan của Trung Quốc với bên ngoài và bên ngoài với Trung Quốc chưa phải là lớn.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Trung Quốc không nhiều. Các quỹ mua bán ở Trung Quốc biết rõ tình trạng của kinh tế nước này nên trước đây đã rút ra từ từ, tiền của họ ít nên dẫu Trung Quốc có xảy ra khủng hoảng tài chính thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng không liên quan mấy.
Tuy nhiên, nếu kinh tế Trung Quốc gặp chuyện nó sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì rất nhiều nước dựa vào Trung Quốc để bán hàng, nguyên liệu và để có thị trường.
Giờ nếu Trung Quốc gặp khó khăn thì việc kiếm lời của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc và các nền kinh tế muốn kiếm lời từ Trung Quốc cũng bị thiệt hại, đó là sẽ bị chậm lại về mặt tăng trưởng.
Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm của những đối tượng này liệu có gây ứ đọng nợ xấu trên hệ thống tài chính toàn cầu nhanh không và nguy hiểm không thì bây giờ vẫn chưa tính được", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn phân tích.
Nói về mối liên quan tài chính giữa Trung Quốc với bên ngoài và ngược lại chưa nhiều, ông Bùi Ngọc Sơn cho hay, điều này khác hoàn toàn với Mỹ. Tại Mỹ, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, chính phủ Mỹ đã phải giải cứu Bear Stearns, một ngân hàng đầu tư là nhà bảo đảm lớn của chứng khoán nợ dưới chuẩn hay tập đoàn bảo hiểm AIG. Đó là những đơn vị tài chính liên quan đến toàn thế giới, cả thế giới đổ tiền vào đó nên nếu bị vỡ ra sẽ lây lan rất rộng.
Việt Nam cũng kích thích tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng kinh tế như Trung Quốc, nhưng vị chuyên gia cảnh báo,Việt Nam càng phải cẩn trọng hơn bởi năng suất lao động của Việt Nam gần như không tăng, nền kinh tế làm ăn kém hiệu quả...
"Nếu cứ bơm tiền vào để kích thích tăng trưởng thì chỉ gây ra lạm phát. Tất nhiên ban đầu tăng trưởng kinh tế có thể nhích lên một chút nhưng sau đó lạm phát sẽ tăng, đến lúc lên cao Việt Nam lại phải siết chặt", ông Bùi Ngọc Sơn lưu ý.