Ukraine ngày 14/8 tiếp tục tăng cường tấn công, khiến một bang biên giới của Nga phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nước đi táo bạo này của Kiev đặt ra nhiều thách thức đối với Moscow, vốn trước nay luôn nắm thế chủ động trên chiến trường kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Ngày 14/8, Thống đốc bang Belgorod của Nga, Vyacheslav Gladkov, ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bang biên giới này, trong bối cảnh "Ukraine tiến hành các đợt pháo kích mỗi ngày, khiến nhà cửa bị phá hủy và gây thương vong cho dân thường", RiaNovosti đưa tin. "Tình hình ở bang Belgorod của chúng ta cực kỳ khó khăn và căng thẳng. Chúng tôi ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bang để tăng cường biện pháp bảo vệ người dân, đồng thời đề nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp ở cấp độ liên bang", ông Gladkov nói.

Trước đó, trong bài phát biểu vào tối 13/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, lực lượng Ukraine tiếp tục tiến vào khu vực Kursk và bắt giữ tù nhân Nga. "Có 74 khu định cư nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine", ông Zelensky nói. Nhà lãnh đạo Ukraine mô tả chiến dịch táo bạo này là bằng chứng cho thấy Kiev vẫn có khả năng "nắm đằng chuôi" các động thái chiến sự. Tư lệnh quân đội hàng đầu của nước này là Tướng Oleksandr Syrskii tuyên bố rằng lực lượng Ukraine hiện đang kiểm soát khoảng 1.000 km2 lãnh thổ Nga. Hồi đầu tuần, Thống đốc khu vực Kursk, Alexei Smirnov, đưa ra con số 28 khu định cư của Nga đã rơi vào tầm kiểm soát của Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, Heorhii Tykhyi, nhấn mạnh rằng hoạt động xuyên biên giới này nhằm mục đích bảo vệ đất nước Ukraine khỏi các cuộc tấn công tầm xa được phát động từ Kursk. "Ukraine không quan tâm đến việc chiếm lãnh thổ của khu vực Kursk, nhưng chúng tôi muốn bảo vệ mạng sống của người dân mình", các phương tiện truyền thông Ukraine dẫn lời ông Tykhyi. Quan chức này nói thêm, Nga đã tiến hành hơn 2.000 cuộc tấn công từ khu vực Kursk trong những tháng gần đây bằng tên lửa phòng không, pháo binh, súng cối, máy bay không người lái, 255 quả bom lượn và hơn 100 tên lửa.

putin-anh.jpg -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Kiev sẽ bị đáp trả thích đáng. Ảnh: RIA Novosti.

Nhận định về chiến dịch của Ukraine, các đối tác phương Tây cho biết nước này có quyền tự vệ, bao gồm cả việc tấn công qua biên giới. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ngày 13/8 khẳng định rằng ông ủng hộ hoạt động của Ukraine, mặc dù các quan chức Kiev đã không tham khảo ý kiến của ông về vấn đề này trước đó. Cuộc đột kích quân sự của Ukraine vào Nga đã "tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự" cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định ngày 13/8.

Hồi tháng 5/2024, ông Biden đã cho phép sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp để nhắm vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga đang hỗ trợ cho cuộc tấn công vào thành phố Kharkov ở Đông Bắc Ukraine. Chiến dịch đầy tham vọng của Ukraine lần này là cuộc tấn công lớn nhất vào Nga kể từ Thế chiến II, đã khiến Điện Kremlin không thể khoanh tay đứng nhìn, buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải triệu tập một cuộc họp khẩn hôm 12/8 với các quan chức quốc phòng hàng đầu của mình.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, nước cờ của Ukraine khi đột kích vào lãnh thổ Nga đã cho phép Kiev giành thêm sự chủ động trên chiến trường vốn từ lâu do lực lượng Nga nắm giữ. Với thế chủ động lâu nay, lực lượng Nga có thể quyết định thời gian và địa điểm giao tranh, buộc quân đội Ukraine phải dàn trải lực lượng và trang thiết bị cho các hoạt động phòng thủ. Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Seth Jones, cho rằng cuộc tấn công vào tỉnh Kursk là "một thành công lớn về mặt tâm lý và tinh thần đối với Ukraine, khiến quân đội Nga bất ngờ và lộ điểm yếu trong việc bảo vệ biên giới của mình.

Còn Dara Massicot, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Carnegie Endowment của Mỹ, cho biết bước đột phá của Ukraine là một động thái thông minh vì nó khai thác được khoảng cách giữa các đơn vị chỉ huy khác nhau của Nga tại Kursk: lực lượng biên phòng, lực lượng Bộ Quốc phòng và các đơn vị Chechnya đã chiến đấu bên phía Nga trong cuộc chiến.

Các nhà phân tích cho rằng đợt tấn công này cũng có thể là "chất xúc tác" mà Ukraine tạo ra nhằm giảm bớt áp lực lên tuyến đầu của mình thông qua việc cố gắng lôi kéo lực lượng của Nga vào việc bảo vệ Kursk và các khu vực biên giới khác. Cuộc tấn công vào Kursk có thể buộc Nga phải đưa ra quyết định coi biên giới là một mặt trận thay vì một khu vực không có chiến sự, kéo theo đó là những tác động đến việc triển khai nhân sự và vật lực của Moscow ở Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây tỏ ra hoài nghi với chiến dịch của Ukraine. Dù triển khai thiết giáp tiến sâu vào lãnh thổ Nga, khả năng Ukraine duy trì kiểm soát các khu định cư của Nga là rất thấp, khi Moscow sở hữu lực lượng cùng hỏa lực áp đảo từ cả trên không lẫn trên bộ. Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/8 cho biết, Ukraine đã mất hơn 2.000 quân nhân, 35 xe tăng và 31 thiết giáp chở quân kể từ đầu chiến dịch ở bang Kursk. Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc lực lượng Ukraine "tấn công bừa bãi vào dân thường", khẳng định Kiev sẽ bị đáp trả thích đáng.

 https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nuoc-co-mao-hiem-cua-ukraine-khi-tan-cong-nga-i740541/

Duy Tiến / CAND