Không ít lao động sau khi trở về từ Saudi Arabia thừa nhận việc được xuất cảnh với mức giá “0 đồng”, không phải đặt cọc, học hành, thi cử gắt gao trước khi đi khiến họ háo hức, dễ chấp nhận sang “thiên đường”. Vậy các yêu cầu về điều kiện tuyển dụng, đào tạo trước khi lao động xuất cảnh của cơ quan chức năng đã bị DN “qua mặt” thế nào? Những cảnh báo nào lao động cần lưu ý để không có thêm những người “khóc ở thiên đường”?
Công văn chấn chỉnh đi lao động làm giúp việc tại Saudi Arabia của Bộ LĐTBXH. Ảnh: P.V |
Yêu cầu thấp, lương cũng… thấp
Theo cơ quan chức năng, thời cao điểm, lao động Việt Nam làm việc tại Trung Đông khoảng 20.000 người. Các lao động này làm việc nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng và giúp việc gia đình. Sau khi giá dầu hạ thấp kỷ lục; nhiều dự án và các công trình xây dựng đình đốn, nhu cầu tuyển lao động ngành xây dựng sụt giảm mạnh. Đến nay, trong số khoảng 10.000 lao động Việt Nam tại Trung Đông, có tới 6.000 người làm giúp việc gia đình.
Về điều kiện tuyển chọn, người lao động là nam hoặc nữ từ đủ 21-47 tuổi, có trình độ học vấn từ tiểu học trở lên, có nhu cầu và khả năng làm việc phù hợp với đặc thù công việc giúp việc gia đình tại Saudi Arabia, có đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài theo quy định, không có tiền sử bệnh tim mạch, thần kinh, thấp khớp,...
Đối với công việc giúp việc nhà; trông trẻ; làm vườn; lái xe gia đình (nam), yêu cầu người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; có ý thức chấp hành pháp luật và tư cách đạo đức tốt; đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam; không thuộc trường hợp cấm nhập cảnh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận người lao động.
Sau khi nộp hồ sơ, người lao động được sơ tuyển và tổ chức khám sức khỏe tại các cơ sở y tế đáp ứng điều kiện khám sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước tiếp nhận. Căn cứ vào yêu cầu của hợp đồng, người lao động có thể được đào tạo về tay nghề và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề và ngoại ngữ của chủ sử dụng lao động trước khi thi tuyển. Bên cạnh đó, các ứng viên sẽ được đại diện chủ sử dụng lao động kiểm tra trình độ tay nghề và ngoại ngữ.
Thời gian vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được nhiều đơn thư của gia đình người lao động sinh sống tại khu vực Tây Ninh, Tuyên Quang, Nghệ An và Hà Tĩnh phản ánh người thân bị một số cá nhân, tổ chức không có chức năng xuất khẩu lao động môi giới và đưa sang làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia. Cá biệt một số trường hợp giả mạo hợp đồng của doanh nghiệp xuất khẩu lao động để đưa người lao động ký trước khi bay và thông tin đến người lao động Giám đốc Công ty đi vắng, sẽ ký hợp đồng sau.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm giúp việc gia đình ở Saudi Arabia cần tìm hiểu kỹ thông tin về các điều kiện làm việc, sinh hoạt, khí hậu, phong tục tập quán đạo Hồi của Saudi Arabia và phải có sức khỏe phù hợp trước khi quyết định đi làm việc.
Người lao động chỉ đi làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia thông qua DN có giấy phép xuất khẩu lao động và có hợp đồng cung ứng được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận. Hợp đồng dịch vụ đưa đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa người lao động và DN phải có chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp và được đóng dấu của doanh nghiệp đó.
Công văn chấn chỉnh đi lao động làm giúp việc tại Saudi Arabia của Bộ LĐTBXH. Ảnh: P.V |
Khuyến cáo người lao động
Ông Lê Thanh Hà - Trưởng phòng Hàn Quốc - Tây Á - Châu Phi (Cục Quản lý lao động ngoài nước) - thừa nhận người lao động phải chịu các rủi ro khi không được đào tạo kỹ lưỡng trước khi đi làm việc nước ngoài. Nguyên nhân bắt nguồn từ hai phía, do một số doanh nghiệp nóng vội, muốn đưa người lao động “đi nhanh” hoặc người lao động “lười học” mà muốn đi làm việc ngay. Khi đó, người lao động không được trang bị về ngôn ngữ, kỹ năng làm việc… khiến họ không đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động. Điều này, người lao động chịu những thiệt thòi.
Phía Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được nhiều phản ánh của người lao động đi làm việc ở nước Trung Đông từ cuối năm 2014. Phía Cục đã làm việc với các DN đưa người lao động đi Saudi Arabia để làm sao đảm bảo được việc đưa người lao động đi qua các doanh nghiệp có giấy phép.
So với việc xuất khẩu lao động tại các quốc gia khác, người lao động giúp việc gia định tại Saudi Arabia đang nhận được “tấm vé không đồng” và có “quà tặng” khi chấp nhận đi lao động ở nước ngoài.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Thanh Hà - Trưởng phòng Hàn Quốc - Tây Á - Châu Phi - thừa nhận, Saudi Arabia khá dễ tính, không sang tận nơi để sát hạch như các thị trường khác. Ở đây, họ ủy quyền cho phía Việt Nam, như vậy, tăng tính tự chủ DN Việt Nam. Cùng với khung pháp lý, DN và người lao động phải nâng cao ý thức, nhận thức trong việc này. Vì vậy, từ năm 2016, xử lý mạnh tay nhiều DN và thường xuyên khuyến cáo người lao động phải cảnh giác trước thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp không uy tín.
Theo đó, Bộ LĐTBXH yêu cầu các DN nghiêm túc chấp hành các nội dung đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Người lao động có thể gọi điện phản ánh để được cơ quan chức năng hướng dẫn cách thức để cung cấp thông tin đầy đủ bảo vệ quyền lợi của họ.
Nước mắt ở “thiên đường” xuất khẩu lao động Xứ sở của dầu mỏ, những tòa nhà chọc trời, siêu xe… cũng là nơi hàng nghìn người lao động Việt Nam tha hương đang ... |
Xuất khẩu lao động một thời Không phải ngẫu nhiên mà từ rất lâu, những người Việt có tay nghề cao đã dịch chuyển lao động ra rộng khắp thế giới. |
http://laodong.vn/xa-hoi/nuoc-mat-o-thien-duong-xuat-khau-lao-dong-ky-2-khong-ham-cua-re-575300.ldo