Sau sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà, Hà Nội lên kế hoạch điều chỉnh giá nước sạch đã tạo ra nhiều luồng ý kiến từ cộng đồng cư dân.

Nhà máy chưa xây xong, giá nước đã được chốt

Mới đây, TP Hà Nội giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thủ đô.

Xung quanh vấn đề tăng giá nước sạch, nhiều câu hỏi đặt ra tại sao Hà Nội lại lên phương án tăng giá nước vào thời này? Liệu có phải vì lý do mua giá nước mua của sông Đuống quá đắt nên phải tăng giá nước sạch bán cho dân?

Theo tìm hiểu, dự án nhà máy nước sạch sông Đuống được khởi công năm 2016, đến năm 2017 có tổng giá trị đầu tư 5.000 tỷ, vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng. Thế nhưng, giá nước kinh doanh của nhà máy này đã được Hà Nội chấp thuận ngay từ thời điểm nhà máy chưa xây dựng xong, chưa đi vào sản xuất.

Hạ thủy đường ống dẫn nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống qua sông Hồng. Ảnh: Hà Nội Mới

Cụ thể, tại văn bản số 3310/UBND-KT gửi các Sở Tài chính, Xây dựng và công ty CP nước mặt sông Đuống, UBND TP Hà Nội cho biết chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế GTGT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

“Sau khi nhà máy đi vào hoạt động cấp nước, giá nước sạch, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện; giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với công ty cổ phần nước mặt sông Đuống thực hiện” - văn bản do Phó chủ tịch TP Nguyễn Doãn Toản ký nêu rõ.

Trước đó, ngày 30/6/2017, liên Sở Tài chính - Xây dựng đã có tờ trình số 4158/TTLS: TC-XD lên UBND TP Hà Nội đề xuất mức giá bán nước sạch với giá cao hơn 10.000 đồng/m3 này.

Trong khi đó, tại QĐ phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty CP nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.

Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3.

Tại QĐ này, Hà Nội cũng phê duyệt bù giá cho nhà máy nước sạch sông Đà: giá thành sản xuất (4.269 đồng/m3); giá bán buôn (3.600 đồng/m3) là 669 đồng/m3 nước.

So sánh mức giá bán được phê duyệt, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đà chưa bằng 1/3 so với giá bán của nước sạch sông Đuống.

Theo báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP Hà Nội, công ty cổ phần nước sạch sông Đà cho biết, hiện công ty đang cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3.

Nếu thực hiện mua nước đầu vào của nhà máy nước sạch sông Đuống cao gần gấp 2 lần giá bán của nhà máy nước sông Đà, người chịu thiệt không chỉ là người dân mà Hà Nội cũng thêm gánh nặng giải quyết vấn đề kinh phí bù giá.

Đắt do chi phí vận chuyển lên tới 9.000 đồng/m3

Căn cứ duy nhất để Hà Nội chấp thuận phương án giá bán nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là tờ trình số 4158/TTLS: TC-XD ngày 30/6/2017 của liên Sở Tài chính - Xây dựng.

Trong khi đó, QĐ phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù lỗ của nước sạch sông Đà được UBND TP Hà Nội chấp thuận căn cứ trên hàng loạt các luật và văn bản dưới luật, cuối cùng mới là căn cứ trên tờ trình của liên Sở: Tài chính, Xây dựng, LĐ-TB-XH, Cục Thuế…

Cùng một chủ thể quyết định một vấn đề có cùng bản chất, tuy nhiên, giá nước kinh doanh của nước sạch sông Đuống chỉ căn cứ trên tờ trình của 2 Sở Xây dựng và Tài chính.

Thông tin với báo chí về việc vì sao Hà Nội phải mua nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác, ông Tạ Đức Hoàng - TGĐ công ty CP nước mặt sông Đuống cho biết, đó là do đầu tư lớn, bản thân dự án này ra đời còn đảm bảo an ninh nước trong vùng. Cũng như đây chỉ là giá tạm tính để vay vốn ngân hàng.

“Tính đến nay, nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua 2 con sông là sông Đuống và sông Hồng, rồi sử dụng ống dẫn nước của rất nhiều nước để dẫn nước từ sông Đuống xuống tận Thường Tín, lên tới Hà Đông... Do đó, giá nước buộc phải cao, không thể làm được nếu như giá nước thấp hơn giá tạm tính", vị đại diện này cho biết.

Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng cho rằng, việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.

Cũng theo vị đại diện này, để sản xuất ra mỗi mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ có hơn 1.000 đồng. Nhưng để đưa nước cung cấp cho nhân dân sử dụng, xây dựng tuyến đường ống tốn kém hơn nhiều.

Chia sẻ về việc tăng giá nước sạch ở Hà Nội bên hành lang QH, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên UB Tài chính - Ngân sách, Phó đoàn ĐB tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc tăng giá nước sinh hoạt được Hà Nội lý giải nằm trong lộ trình - từng bước tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu thì đó là bình thường. Song, theo ông, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có cơ chế minh bạch.

Cận cảnh quá trình xử lý bùn nhiễm dầu thải trên kênh dẫn nước Sông Đà
Lời xin lỗi của ‘sông Đà’
Hà Nội công bố nước sạch sông Đà an toàn dựa trên cơ sở nào?

/ vietnamnet.vn