Chuyến tàu kéo dài 10 tiếng đồng hồ đưa ông Biden từ biên giới Ba Lan sang Ukraine trở thành cuộc thăm viếng biểu tượng trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
- Nga chỉ trích Mỹ tìm cách thổi bùng khủng hoảng Ukraine
- Một năm xung đột Nga – Ukraine: Châu Âu như 'kẻ mộng du'?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện một chuyến đi bất ngờ tới thủ đô Ukraine hôm thứ Hai (20/2). Chuyến đi bí mật vào vùng chiến sự để chứng minh điều mà ông gọi là “sự ủng hộ vững chắc” của Hoa Kỳ đối với nỗ lực đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi Ukraine sau gần một năm xung đột xảy ra.
Chuyến đi không báo trước, được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đón tiếp nồng hậu. Hai nguyên thủ bước ra đường phố Kiev ngay cả khi còi báo động không kích vang lên. Tờ New York Times gọi đây là “khoảnh khắc ấn tượng”, nhấn mạnh niềm tin và sự tin tưởng của Mỹ đối với Ukraine.
Tổng thống Zelensky đón Tổng thống Biden ở Cung điện Mariinsky. (Ảnh: Getty)
“Sau một năm, Kiev vẫn đứng vững”, ông Biden tuyên bố khi đứng cạnh ông Zelensky ở Cung điện Mariinsky, toà nhà mạ vàng chuyên đón tiếp khách quý của Tổng thống Ukraine. “Và Ukraine đứng vững. Dân chủ đứng vững”.
Ông Zelensky đáp lời: “Cảm ơn ngài rất nhiều vì đã đến, thưa Tổng thống, vào một thời điểm quan trọng đối với Ukraine”.
Tổng thống Biden hứa sẽ cung cấp thêm 500 triệu USD viện trợ quân sự trong những ngày tới, đề cập đến đạn pháo, tên lửa Javelin và lựu pháo, nhưng ông không nói về các loại vũ khí tiên tiến mà Ukraine đang tìm kiếm. Zelensky nói với các phóng viên rằng ông và vị tổng thống Mỹ đã nói về “các loại vũ khí tầm xa và những loại vũ khí trước đây không được cung cấp cho Ukraine nhưng nay có thể”.
Hai nguyên thủ cũng đã tới thăm Tu viện Thánh Michael ở trung tâm thành phố Kiev, nơi mặt trời lấp lánh trên những mái vòm vàng khi chuông báo động không kích vang lên. Theo sau hai nhà lãnh đạo là những người lính mang vòng hoa. Hai tổng thống đi bộ dọc theo Bức tường Tưởng niệm, nơi trưng bày chân dung của hơn 4.500 binh sĩ đã hy sinh kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và xung đột ở miền Đông Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo trước Tu viện Mái vòm Vàng Thánh Michael. (Ảnh: AP)
Chuông báo động không kích ngừng hoạt động khi ông Biden quay trở lại đoàn xe hộ tống và rời khỏi tu viện. Chuông báo động kêu gần như hàng ngày ở Kiev, nhưng tiếng còi báo động inh ỏi làm tăng thêm sự căng thẳng ở thời điểm này. Các quan chức Ukraine cảnh báo Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc oanh tạc tên lửa quy mô lớn nhằm vào thời điểm kỷ niệm một năm cuộc xung đột.
Báo động không kích ở Kiev được kích hoạt khi một máy bay chiến đấu MIG của Nga cất cánh ở Belarus, quốc gia giáp Ukraine ở phía bắc. Một tên lửa bắn từ MIG ở Belarus có thể bắn trúng mục tiêu ở Kiev trong vòng chưa đầy 20 phút.
Ông Biden có kế hoạch đến Warsaw vào sáng thứ Ba (21/2) trong chuyến thăm hai ngày. Các quan chức Nhà Trắng nhiều lần phớt lờ các câu hỏi về việc liệu Tổng thống Biden có thể đến Ukraine khi ở châu Âu hay không. Tới tận tối Chủ nhật (19/2), Nhà Trắng vẫn công bố lịch trình công khai rằng ông chủ Toà Bạch ốc vẫn ở Washington và chỉ rời đi vào tối thứ Hai để tới Warsaw. Thực tế, thời điểm đó ông đã ở cách nhà nửa vòng Trái đất.
Vị Tổng thống 80 tuổi coi sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine là trọng tâm nghị sự của mình về một liên minh châu Âu tái sinh. Ông nói với các cố vấn rằng muốn đánh dấu một năm cuộc xung đột để trấn an đồng minh về những gì chính quyền của ông đã cam kết.
Ông Biden rời Washington một cách lặng lẽ trong đêm, không báo trước. Không lực Một cất cánh lúc 4h15 phút sáng Chủ nhật, theo giờ bờ Đông (Ở Mỹ có 4 khung giờ khác nhau). Chỉ có một số phóng viên đi theo, buộc phải tuyên thệ giữ bí mật, bị giữ điện thoại. Đoàn còn có Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, Jen O'Malley Dillon - phó chánh văn phòng Nhà Trắng và Annie Tomasini - người điều hành Phòng Bầu dục.
Hai nhà lãnh đạo đi dạo trên đường phố Kiev. (Ảnh: Getty)
Các phóng viên đi cùng chỉ được phép gửi một phóng sự tổng hợp về toà soạn khi đến nơi, cũng như không được phép kể lại cách họ đến Kiev. Một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên xác nhận, sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương tới Ba Lan, ông Biden đã băng qua biên giới bằng tàu hỏa, di chuyển gần 10 tiếng đồng hồ tới Kiev như các quan chức Mỹ khác đã làm trong những tháng gần đây. Việc bay vào một khu vực có chiến sự là không an toàn. Ông Biden sẽ rời đi trên một chuyến tàu như lúc đến để tới thẳng Warsaw - thủ đô của Ba Lan.
Đó là hành trình gian khổ đối với một vị tổng thống 80 tuổi. Ông vẫn tỏ ra tràn đầy năng lượng khi đích thân đến Kiev. Trong bộ vest xanh với cà vạt sọc xanh vàng, màu cờ Ukraine, ông Biden đến Kiev lúc 8 giờ sáng, giờ địa phương. “Thật tốt khi được trở lại Kiev”, ông nói với đại sứ Mỹ ở Ukraine Bridget A. Brink, người đang đợi ông.
Ông cùng đoàn xe đi qua những con phố thông thoáng ở Kiev để đến Cung điện Mariinsky, nơi ông Zelensky, mặc chiếc áo nỉ đen, chiếc quần màu xanh lá cây đậm và đôi ủng màu be đặc trưng, đang chờ.
“Cảm ơn ngài vì đã đến”, ông Zelensky nói và bắt tay ông Biden.
Ông Biden hỏi thăm các con của ông Zelensky. Khi được một phóng viên hỏi về mục tiêu của chuyến đi, vị Tổng thống nói chuyến đi là để chứng tỏ rằng Mỹ “sẽ còn ở lại đây”, và nói thêm, “chúng tôi sẽ không bỏ đi”.
Tại cuộc gặp bên trong dinh tổng thống, ông Zelensky cảm ơn ông Biden một lần nữa. Ông nói mình “thực sự đánh giá cao việc Tổng thống Biden, xã hội Mỹ”, ngay từ đầu của cuộc chiến đã “ở đây cùng với chúng tôi”.
Ông Biden đáp: “Có thể tôi hơi tự phụ khi nói điều này, tôi nghĩ quan trọng là Tổng thống Mỹ phải có mặt ở đây vào ngày cuộc tấn công bắt đầu (ngày đánh dấu tròn 1 năm cuộc chiến diễn ra)”. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ quan trọng là không để có bất kỳ nghi ngờ nào, dù chỉ một hai điều, về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến này”.
Cả buổi sáng, mạng xã hội xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng ông Biden đến thăm Kiev khi cảnh sát phong tỏa các đường phố và các quan chức Ukraine ám chỉ rằng một chức sắc quan trọng đang đến. Đám đông tụ tập tại các chốt chặn bên ngoài nhà thờ Thánh Michael với hy vọng có thể nhìn thấy chuyện đang xảy ra.
Andriy Yermak, cố vấn hàng đầu của ông Zelensky, cho biết đây là "chuyến thăm lịch sử" nhấn mạnh mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ.
“Chuyến thăm của ông Joe Biden mang tính chiến lược. Chuyến thăm sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề và đẩy nhanh tiến độ giải quyết những gì còn vướng mắc”, ông Yermak nói. Ông cho biết thêm mục tiêu chung của họ là chiến thắng của Ukraine, của binh lính Ukraine và vũ khí phương Tây.
Ông Biden đến thủ đô của Ukraine vào thời điểm then chốt của cuộc chiến. Một số đồng minh trung thành nhất của Mỹ đã thúc ép Ukraine bắt đầu đàm phán một thỏa thuận hòa bình có thể liên quan đến việc nhường lãnh thổ cho Nga. Và tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện mới được bổ nhiệm, Kevin McCarthy, cùng một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đồng nghiệp của ông đã yêu cầu chấm dứt cái mà họ gọi là “séc kí khống” cho cuộc chiến.
Ông Biden cũng tìm cách trấn an người Ukraine về điều đó. Ông nói: “Dù có những bất đồng trong Quốc hội chúng tôi về một số vấn đề, vẫn có một thỏa thuận quan trọng về việc hỗ trợ cho Ukraine”.
Chuyến thăm bất ngờ của ông Biden diễn ra chỉ hai ngày sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Munich, Đức và một ngày trước khi Tổng thống Vladimir V. Putin dự kiến phát biểu về cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Biden cũng dự kiến gặp Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan vào sáng cùng ngày, và có bài phát biểu cuối buổi chiều hôm đó - tạo ra một hình ảnh song song khi Tổng thống Nga – Mỹ cùng nói về Ukraine trong cùng một ngày.
Chiến dịch quân sự đã trở thành một cuộc chiến kéo dài. Các lực lượng Ukraine - được Mỹ và đồng minh phương Tây hỗ trợ - tiến hành một cuộc chiến khốc liệt, đặc biệt là ở phía đông. Còn lực lượng của Nga cũng bắt đầu một cuộc tấn công mới vào khu vực.
Chuyến thăm Kiev của ông Biden gợi lại những chuyến đi bí mật của các đời tổng thống Mỹ, như chuyến đi của Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald J. Trump tới Iraq và Afghanistan, trong thời kỳ cao điểm của các cuộc chiến ở các quốc gia này. Nhưng việc đưa một tổng thống vào Ukraine mà không có sự hiện diện của quân đội Mỹ như ở Iraq và Afghanistan, với ít quyền kiểm soát không phận hơn nhiều, đã đặt ra một thách thức an ninh ở mức độ rất khác.
Trong chuyến đi Kiev của ông Biden, các máy bay chiến đấu của Mỹ được phát hiện bay qua Ba Lan gần biên giới, nhưng các quan chức cho biết chúng không đi vào không phận Ukraine.
Chuyến thăm của ông Biden cũng diễn ra sau khi ông Zelensky thực hiện chuyến thăm cấp cao của riêng mình tới Washington ngay trước Ngày Giáng sinh năm ngoái, chuyến đi đầu tiên của ông bên ngoài Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, nhằm kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ phương Tây. Giống như chuyến đi Ukraine của ông Biden, chuyến thăm của ông Zelensky được giữ bí mật cho đến trước ngày ông đến vì lý do an ninh.
Hai ngày sau chuyến đi của ông Zelensky, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt gần 50 tỷ USD viện trợ khẩn cấp bổ sung cho Ukraine, phần lớn trong số đó là thiết bị quân sự, đẩy tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vượt quá 100 tỷ USD.
Ban đầu, ông Biden và các trợ lý hàng đầu của ông chần chừ sử dụng số tiền này để cung cấp cho Ukraine những hệ thống vũ khí tối tân nhất, có khả năng dùng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tổng thống cho biết ông cảnh giác vì điều này có thể tạo cớ leo thang xung đột.
Hiện ông Biden vẫn phản đối việc cung cấp máy bay chiến đấu của Mỹ cho Ukraine, nhưng sự phản đối với việc gửi các thiết bị khác đã dịu đi. Tổng thống Mỹ tuyên bố vào tháng trước rằng ông sẽ cung cấp xe tăng M1 Abrams cho Ukraine trong năm nay và chính quyền của ông đã cam kết cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho nước này và huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng nó.
Trong một năm dài chiến sự Nga – Ukraine, bên trong nước Mỹ, xích mích giữa những người phản đối việc chi quá nhiều tiền thuế cho một cuộc chiến xa xôi và những người khẳng định Mỹ cần để làm nhiều hơn nữa khi đối mặt với cuộc chiến của Nga.
Nhưng một số cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng ông Biden bị chỉ trích vì không đưa ra quan điểm trực tiếp nhất có thể về việc ủng hộ Ukraine.
John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và là giám đốc cấp cao của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, bình luận: “Thay vì nói một cách đơn giản là chúng tôi sẽ ở lại với Ukraine càng lâu càng tốt, hãy nói rằng, chúng tôi có lợi ích sống còn” trong việc Ukraine chiến thắng.