Tờ Telegraph hôm 27/7 cho hay, các chính trị gia đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đang ủng hộ ông Boris Johnson trở thành Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh Tổng Thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg sẽ rời ghế vào cuối tháng 9/2023.
- Thủ tướng Anh Boris Johnson 'thoát hiểm' trong bỏ phiếu bất tín nhiệm
- Hạ viện Anh thông qua kế hoạch điều tra Thủ tướng Boris Johnson
- Thủ tướng Anh Boris Johnson cách ly vì tiếp xúc người mắc COVID-19
- Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố vượt qua đỉnh dịch
Tổng Thư ký đương nhiệm của NATO Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 9/2023, để trống vị trí lãnh đạo khối quân sự do Mỹ đứng đầu. Hiện nhiều thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đang ủng hộ ý tưởng về việc Boris Johnson có thể trở thành người kế nhiệm ông Jens Stoltenberg.
Thông tin của Telegraph được đưa ra trong bối cảnh ông Boris Johnson hồi đầu tháng 7 đã từ chức Thủ tướng Anh vì các bê bối liên quan đến việc mở tiệc trong thời gian nước này thực hiện giãn cách xã hội và bổ nhiệm một nghị sỹ làm quan chức phụ trách kỷ luật của đảng dù đã được thông báo về việc người này đang vướng vào một vụ bê bối tình dục.
Đặc biệt, truyền thông Anh mới đây dẫn lời những nghị sĩ thân cận với ông Boris Johnson khẳng định, ông sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp chính trị bằng một vai trò "quan trọng không kém".
Telegraph cũng nhấn mạnh, từ lâu, một đại diện của Anh luôn được đề xuất cho vị trí Tổng Thư ký NATO do Mỹ không tin tưởng vào các chính trị gia châu Âu khác, những người đã nhiều lần công khai kế hoạch thành lập một liên minh quân đội riêng của Liên minh châu Âu (EU). Và từ bây giờ đến tháng 9/2023, ông Johnson đã “có thời gian để sạc lại năng lượng” sau nhiều năm đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Anh.
Vị trí Tổng Thư ký NATO cần phải được tất cả các nước thành viên nhất trí bổ nhiệm. Ông Boris Johnson được đánh giá là có lợi thế cho chức vụ này bởi ông từng giành được sự tín nhiệm sau khi giúp xây dựng liên minh quốc tế nhằm giải quyết chiến sự Nga - Ukraine.
Mark Francois, thành viên của Ủy ban Lựa chọn Quốc phòng thuộc Quốc hội Anh nêu rõ: "Mọi người có thể sẽ tranh cãi về di sản của ông Boris Johnson, nhưng có một điều rõ ràng không thể chối cãi là sự ủng hộ tuyệt đối của ông đối với Ukraine”.
Anh là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, cung cấp vũ khí cho Kiev, huấn luyện quân đội và ủng hộ một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng, trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga. Chính ông Boris Johnson là người đã đến Thụy Điển và Phần Lan, thúc giục các lãnh đạo của cả hai nước nộp đơn xin gia nhập NATO, và họ đã làm điều này.
Nghị sĩ Ukraine Aleksey Goncharenko đánh giá, ông Boris Johnson là người phù hợp cho vai trò đứng đầu NATO vì ông hiểu rõ những thách thức mà khối và phương Tây phải đối mặt. Tuy nhiên, Ukraine sẽ không được bỏ phiếu vì không phải là thành viên của NATO.
Được biết, không phải tất cả các quan chức Anh đều ủng hộ ông Boris Johnson. Theo cựu lãnh đạo quân đội Anh Lord Dannatt, ông Boris Johnson khó có khả năng trở thành người đứng đầu NATO bởi "chưa nhận được sự tín nhiệm hoàn toàn" từ các đối tác EU. Và Pháp có thể sẽ phủ quyết bất kỳ người Anh nào nộp đơn xin ứng cử chức Tổng Thư ký NATO.
Hiện số 10 phố Downing (Dinh Thủ tướng Anh) chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/ong-boris-johnson-duoc-nham-vao-vi-tri-tong-thu-ky-nato-i662021/