Ông Yongping (Trung Quốc) vô tình bị cắt cụt chân khi đang rình rập để chặt trộm cây, từ đó ông luôn cảm thấy có lỗi với thiên nhiên. 

Để khôi phục thảm thực vật từng bị mình phá hủy, trong 32 năm, ông Tian Yongping (70 tuổi, tỉnh Cam Túc) đã trồng lại 100 ha rừng tại địa phương.

6h sáng, ông Yongping cho chân giả vào ống quần rồi cắm chiếc đùi vào chân giả, đeo túi thức ăn và cầm gậy chống đi. Ông đã quá quen với con đường từ nhà đến rừng với 3 km núi. Dù không quá xa, nhưng đối với ông đó không phải là điều dễ dàng.

Với chiếc chân giả, ông Yongping leo lên đến đỉnh núi cao 300 mét ít nhất một tiếng rưỡi. Ảnh: China News.

"Tôi từng coi mình là lâm tặc và luôn cố gắng chuộc lại mọi lỗi lầm với cây cỏ nơi đây. Con cháu tôi xứng đáng nhận những điều tốt đẹp nhất từ những cánh rừng này", ông Yongping nói.

Trời mưa, đường núi trơn trượt, ông trượt chân vài lần, có lúc đầu gối đập lên nền đất, có lúc ngã ngửa. Những ngày mưa dai dẳng, bùn đất nhão nhoẹt, ông phải mất đến 2 giờ để lên đến đỉnh núi.

Chính quyền địa phương thấy ông nỗ lực nên đã hỗ trợ cây con. Còn nước do vợ chồng ông tự bỏ tiền ra để kéo đường ống nước từ những gia đình xung quanh núi trong vòng 11 năm. May mắn, vào năm 2000, nhờ những cơn mưa, trên đỉnh núi đã có một cái hồ nhỏ tự nhiên nên ông bà đã đỡ nhiều chi phí.

Hầu hết thời gian, ông phải ngồi bệt trên đất để trồng cây vì không thể đứng được lâu. Để thuận tiện, ông dựng một ngôi nhà gỗ trên đỉnh núi và nghỉ ngơi mỗi trưa. Ông thường nhìn vào cái chân giả của mình và nhớ về bài học lớn nhất của cuộc đời.

Chiếc chân giả từ năm 1990 vẫn được ông Yongping sửa chữa dùng lại. Ảnh: China News.

Năm 19 tuổi, ông bỏ học đi đốn củi phụ giúp gia đình. Mười năm sau, trong lần đốn củi, một thân cây đè lên chân ông, khiến xương đùi dưới bị gãy. Những ngày sau khi cưa chân, ông đã rất xấu hổ, chẳng nói chẳng rằng, chỉ nằm một chỗ nhìn lên trần nhà vô thức. Ông nhận ra, làm đau thiên nhiên, thiên nhiên cũng có thể làm đau mình lại.

Với sự động viên của vợ Chengxiu, ông đã đi làm chân giả sau một năm nhốt mình. Sau đó ông đi học nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, những năm tháng ở phố thị, trong đầu ông luôn đau đáu về những gì xảy ra trong quá khứ. Năm 1988, sau 2 năm ở Bắc Kinh, ông quyết định quay về quê nhà.

"Ông ấy làm điều mà hiếm người khỏe mạnh làm được. Lão nông này làm hết sức mình để kết nối người dân địa phương lại với nhau, cũng là người tuần tra cho ngọn núi này", một người dân địa phương nói về ông Yongping.

Tất cả những cây xanh này là do ông Yongping trồng trong 32 năm qua, hơn 20 loại cây có giá trị kinh tế cao và thuộc loài quý hiếm. Ảnh: China News.

Việc trồng cây đã tiêu tốn nhiều tiền của ông Yongping. Ông nghĩ đến việc phát triển các loại thuốc thảo dược và nuôi heo rừng. Từ những thành công của mình, ông truyền lại kiến thức cho người dân địa phương, bỏ những con giống tốt nhất cho người cần. Nhiều người đã thoát nghèo nhờ sự chỉ dạy nhiệt tình của ông.

"Tôi muốn có nhiều cây xanh để duy trì sự sống cho con người. Điều đó khiến cho những giấc ngủ của tôi nhẹ nhõm hơn. Điều duy nhất tôi mong mỏi là trong tương lai sẽ không có ai còn chặt trộm cây", ông Yongping bày tỏ.

Trọng Nghĩa (Theo China News)

3 kẻ hạ sát gỗ nghiến rừng phòng hộ bị bắt
Bắt thêm một đối tượng vụ đầu độc hơn 10ha rừng thông ở Lâm Đồng
Bị tố chặt phá rừng cây của dân, chủ tịch xã ở Huế phân trần 'không cái ngu nào giống cái ngu như vậy'
Phó Chủ tịch xã tham gia phá 2,5 ha rừng, công an vào cuộc
Kỷ luật 6 cán bộ để xảy ra phá rừng phòng hộ Tả Trạch

/ vnexpress.net