Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng những kẻ cơ hội chính trị rất thiếu trung thực, giỏi xun xoe, nịnh bợ để mình được để ý, cất nhắc đề bạt, đưa vào quy hoạch cán bộ.
Ngày 4/11, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Bình luận với VTC News về vấn đề này, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng nếu để lọt những kẻ cơ hội chính trị vào bộ máy lãnh đạo sẽ là khiếm khuyết của công tác cán bộ và điều này rất nguy hại.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
- Việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội XIII có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Thông thường mấy năm một lần người ta làm lại quy hoạch cán bộ, đấy là việc thông thường. Sắp tới chuẩn bị Đại hội XIII thì phải chuẩn bị nhân sự để chuẩn bị cho Đại hội.
Phải chuẩn bị tốt quy hoạch thì công tác cán bộ, công tác đề bạt cán bộ mới có cơ sở để thực hiện tốt được. Thường quy định những người được đưa vào diện đề bạt bổ nhiệm là phải có trong quy hoạch, trường hợp đặc biệt mới ở ngoài quy hoạch. Làm quy hoạch để những năm sắp tới người ta đề bạt bổ nhiệm cán bộ dựa vào cái quy hoạch đấy.
- Vì sao lần này việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là làm trực tiếp cho khóa sắp tới chứ không phải cho nhiều khoá, thưa ông?
Làm nhiều khóa thì nhiều khi không chính xác. Vì cán bộ có thể thay đổi thường xuyên, hôm nay người đó tốt, ngày mai có thể không tốt. Ngược lại, hôm nay chưa tốt thì ngày mai có thể lại tốt, đấy là chuyện lẽ thường ở đời.
Cho nên, tôi cho rằng nếu làm quy hoạch 2 - 3 nhiệm kỳ thì có khi không chính xác. Làm từng nhiệm kỳ một thì sẽ chính xác hơn.
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lêch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị. Kẻ cơ hội chính trị được hiểu thế nào, thưa ông?
Những kẻ cơ hội chính trị có thể được hiểu là những người không trung thực, những người này chỉ xun xoe, nịnh bợ, “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Xun xoe để mình được để ý, cất nhắc đề bạt, đưa vào quy hoạch. Kẻ cơ hội chính trị là những người không trong sáng, không trung thực.
Những kẻ này nếu đưa vào quy hoạch thì chỉ là những kẻ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, không phải là vì Đảng, vì tập thể, vì nhân dân mà chỉ vì cá nhân thôi. Đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội chính trị sẽ làm cho công tác cán bộ gặp khuyết điểm.
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói những kẻ cơ hội chính trị “như con lươn, con trạch, uốn éo rất khéo”. Vậy nhận diện những kẻ cơ hội chính trị có khó không, thưa ông?
Khó chứ. Bởi vì nó thuộc vấn đề tư tưởng, nhận thức, thuộc vấn đề quan hệ xã hội chứ nó không biểu hiện thẳng ra như việc hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ, tham nhũng hay không tham nhũng.
Ở đây kẻ cơ hội chính trị là cơ hội, là lươn lẹo, ẩn mình để mang lại lợi ích cá nhân nên nhân diện sẽ khó hơn.
Nhưng “ở lâu thì sẽ biết đêm dài”, người ta theo dõi nhiều năm thì người ta sẽ hiểu, ai là người trung thực hay là cơ hội, thì họ sẽ biết thôi.
Kẻ cơ hội chính trị là kẻ hôm nay nói thế này, mai lại nói thế khác, gặp người này nói thế này, gặp người khác lại nói thế khác. Đấy là biểu hiện rõ nhất.
- Những khoá trước, những kẻ cơ hội chính trị chắc hắn phải có, thậm chí là có không ít thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mới nhắc đến như vậy?
Lúc nào cũng có chuyện này chuyện khác, nhưng những kẻ cơ hội thì không bao giờ nhiều cả, nó là số ít thôi.
Những kẻ này không phải vì lợi ích của Đảng của nhân dân mà họ vì lợi ích của cá nhân họ, của dòng họ, gia đình họ nên phải cảnh giác với những người này.
Phải theo dõi để biết được họ cơ hội hay không cơ hội. Nó thể hiện ở việc làm được gì nói đến đấy thôi, họ không nịnh bợ ai, không đứng trước người này lại nói xấu người khác vì những chuyện đấy chính là biểu hiện của cơ hội.
Những kẻ cơ hội chính trị có thể được hiểu là những người không trung thực, những người này chỉ xun xoe, nịnh bợ, “thấy người sang bắt quàng làm họ”.
Ông Lê Quang Thưởng Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
- Nếu những kẻ cơ hội có thể lọt được vào Trung ương gây nguy hại thế nào cho đất nước?
Nếu kẻ cơ hội chính trị vào Trung ương mà không vì Đảng vì nước, vì nhân dân, làm không đúng những công việc được giao, làm ít kể thành tích nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp chung.
Những những kẻ, giấu giếm khuyết điểm, sai sót sẽ làm cho những người làm việc cùng họ sẽ không tin cậy nữa.
Những kẻ này dứt khoát cũng không được tín nhiệm.
-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, trong quy hoạch, bên cạnh nhấn mạnh đến tiêu chuẩn cũng cần tính đến cơ cấu. Đặc biệt, không quá nặng nề về quy trình hay số phiếu cao thấp, bởi trên thực tế có những người chạy phiếu. Thực tế việc chạy phiếu này như thế nào, thưa ông?
Lúc nào cũng có người chạy phiếu. Những người không có năng lực thực tế, nhưng lại “chạy” người này người khác để mà gây cảm tình và giới thiệu họ vào các cương vị lãnh đạo.
Cái “chạy” này rất nguy hiểm. Việc chạy chức, chạy quyền, chạy tiền là những biểu hiện. Họ không thực chất, không có năng lực và trình độ nhưng lại muốn “chạy” để người ta lưu ý đến họ.
- Yêu cầu đặt ra đối với công tác chuẩn bị nhân sự cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016-2021 là gì, thưa ông?
Như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh “yêu cầu đặt ra là làm thận trọng, chặt chẽ, tập trung nhưng dân chủ, dân chủ nhưng tập trung, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được có lợi ích gì ở đây cả, tuyệt đối tránh. Vì nó dính đến công tác chuẩn bị nhân sự, mà nhân là nhân sự cấp cao nên phải giữ gìn, làm phải có bước đi chặt chẽ, chu đáo, cẩn thận”
Do vậy, trong quy hoạch, cấp ủy phải đưa ra để mà đả thông chức năng nhiệm vụ tổ chức, bộ máy rồi yêu cầu tiêu chuẩn của cán bộ.
Yêu cầu những người có liên quan lấy phiếu tín nhiệm, cấp ủy tập hợp những phiếu ấy để trao đổi xem những phiếu đó có đúng, có chính xác không, nếu cảm thấy nó không chính xác thì phải lấy ý kiến lại, phải báo cáo lên cấp quản lý cấp trên và cuối cùng thống nhất đưa vào danh sách quy hoạch.
Phải thực sự dân chủ. Không có lợi ích cá nhân, không thiên vị.
Quan trọng đối với con người là người đó có hoàn thành tốt nhiệm vụ không, đạo đức của họ thế nào, họ ăn ở với gia đình, người quen, xã hội ra sao.
- Các cán bộ cấp chiến lược 2016-2021 phải đảm bảo những tiêu chuẩn gì, thưa ông?
Trong tiêu chuẩn cán bộ có nhiều điểm, nhưng tập trung nhất là những vấn đề về chính trị về tài năng và đức độ, đó là những vấn đề quan trọng nhất.
Về mặt chính trị, phải tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc và nhân dân, phải kiên định lý tưởng XHCN.
Về năng lực phải có kiến thức và kinh nghiệm để làm những việc tổ chức giao, nếu kiến thức không đủ thì không thể làm việc được. Kiến thức ở đây không có nghĩa là bằng cấp, bằng cấp là quan trọng nhưng không phải là quyết định, quan trọng là sự hiểu biết của người đó như thế nào, họ có nhanh nhạy trong công việc không, họ có nắm bắt được tình hình không..
Về mặt đạo đức, họ có trong sáng không, họ có cá nhân chủ nghĩa không, gia đình họ có vấn đề gì không.
- Ông vừa nói đến kiến thức của những cán bộ được quy hoạch, trong đó có kiến thức về lý luận?
Đúng vậy. Tôi phải nhắc lại cái tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ là về chính trị. Tiêu chuẩn quan trọng thứ hai chính là kiến thức, năng lực.
Những người không nói năng gì, không bộc lộ cái nhận thức của mình, giấu bản thân mình thì đó là những người không trung thực. Đó cũng chính là biểu hiện của những kẻ cơ hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Những kẻ "cơ hội chính trị" chui sâu, leo cao sẽ "phá hủy cả trật tự quản lý" ĐBQH Lê Thanh Vân Cà Mau làm rõ thêm ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định kiên quyết ... |
Không đưa vào quy hoạch khóa 13 người cơ hội chính trị như "con lươn, con trạch" Dứt khoát không đưa vào quy hoạch nhân sự khóa 13 những người có biểu hiện suy thoái, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính ... |