Hình nộm nhân viên tươi cười giơ tay "Xin chào, cảm ơn quý khách" ở một số trạm xăng của doanh nghiệp Việt gây sự chú ý.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) bắt đầu đặt những hình nộm là nhân viên cây xăng kèm dòng chữ "Xin chào, cảm ơn quý khách" ở một số trạm xăng từ dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Tuy nhiên, thời điểm ấy không nhiều khách hàng để tâm. Thay vào đó, sau khi hình ảnh "cây xăng cúi chào" của đại gia Nhật mới gia nhập thị trường với phong cách phục vụ thân thiện và độ chính xác 0,01 lít xuất hiện, những hình nộm này mới được người mua xăng chú ý hơn. Không ít người cho rằng đây là động thái cạnh tranh "đáp trả" của doanh nghiệp Việt.
Trao đổi với VnExpress, ông Cao Hoài Dương – Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) khẳng định ý tưởng này chỉ là một phần trong chiến lược tiếp cận gần hơn tới khách hàng của PV Oil".
Ý tưởng đặt các hình mẫu nhân viên ở các cây xăng của PV Oil nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, không liên quan đến việc khai trương cây xăng của doanh nghiệp ngoại vì chúng tôi đã triển khai từ trước đó khá lâu", ông nói.
Hình nộm nhân viên cây xăng tươi cười với dòng chữ "Xin chào quý khách" gây sự chú ý với khách hàng. Ảnh: Anh Tú
Theo PV Oil, hàng trăm hình mẫu như vậy đã được đặt ở các trạm xăng trên toàn quốc.
Vị này cho biết thêm, sự chuẩn bị đón sóng cạnh tranh của PV Oil không chỉ bắt đầu bằng cách tiếp cận gây ấn tượng với khách hàng bằng hình mẫu “xin chào, cảm ơn”, mà hơn một năm nay doanh nghiệp đã triển khai các đề án nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên; cam kết bán đúng, đủ số lượng theo tiêu chuẩn trên toàn hệ thống.
Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị này cũng thừa nhận sự xuất hiện của IQ8 sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có PV Oil. "Tôi rất hoan nghênh sự có mặt của đại gia ngoại này. “Càng nhiều nhà phân phối thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi nhiều”, ông nói.
Tương tự, một “ông lớn” khác là Petrolimex cũng ồ ạt đưa ra chiến dịch tiếp thị, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của các đối thủ. Ông Nguyễn Quang Dũng – Phó tổng giám đốc Petrolimex tự tin, với sự định vị chắc chắn của mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên khắp thị trường, Petrolimex sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Lâu nay bán lẻ xăng dầu vẫn được coi là "đất riêng" của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nội địa. Dù có tới 29 đơn vị đầu mối xăng dầu nhưng phần lớn thị phần lại nằm trong tay các đại gia lớn như Petrolimex, PVOil, Saigon Petro... Do đó, theo nhiều chuyên gia, khi chuỗi phân phối xăng dầu của Idemitsu Q8 (IQ8) hình thành, thị trường phân phối xăng dầu được phát tín hiệu cạnh tranh hơn.
"Việc có nhiều đại gia năng lượng ngoại “nhòm ngó” vào thị trường này là hoàn toàn bình thường. Các doanh nghiệp nội địa buộc phải chuyển mình”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.
Thực tế, việc một doanh nghiệp chiếm gần một phần tư thị phần trong nước đặt những hình mẫu nhân viên tươi cười giơ tay “xin chào, cảm ơn quý khách” có thể coi là ví dụ điển hình cho sự chuyển mình trong nhận thức “buộc phải thay đổi”, trước sóng cạnh tranh và sự xuất hiện đối thủ ngoại.
Sự xuất hiện của người Nhật có thể khiến không ít kỳ vọng đây là làn gió mới “vẽ lại bản đồ trên thị trường bán lẻ xăng dầu”.
Tuy nhiên, điều người tiêu dùng chờ đợi nhất không chỉ vậy mà còn là một cách phục vụ văn minh đi kèm cam kết về chất lượng, độ chính xác trong đo đếm và được hưởng giá rẻ hơn…
Sở hữu trên 35% vốn tại dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn và kinh nghiệm phát triển hệ thống bán lẻ, phân phối xăng dầu tại Nhật Bản, IQ8 đang có những lợi thế nhất định để thiết lập hệ thống bán lẻ xăng dầu quy mô ở Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói đến cuộc cạnh tranh về giá bán lẻ xăng dầu do giá cơ sở vẫn do Nhà nước quyết định chứ không phải thị trường.
Theo quy định tại Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu, mức giá cơ sở được quy định để yêu cầu doanh nghiệp khi điều chỉnh không được vượt quá trần nhằm kiểm soát giá bán trong nước. Doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán thấp hơn so với mức giá cơ sở cơ quan quản lý công bố. Song phần lớn doanh nghiệp đều công bố giá sát trần để tối đa hoá chi phí.
Muốn người tiêu dùng được hưởng giá rẻ hơn, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhìn nhận, chừng nào Nhà nước không can thiệp vào thị trường xăng dầu mà thả giá như Hàn Quốc, Lào… thì khi đó thị trường này mới có cạnh tranh thực sự và người tiêu dùng mới không bị thua thiệt. “Khi Nhà nước còn quyết giá cơ sở xăng dầu thì cho dù doanh nghiệp FDI có vào cũng không thể cạnh tranh ngang ngửa”, vị này chia sẻ.
Quan điểm để doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻ xăng dầu cũng được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đồng tình. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý, việc mở toang cửa thị trường xăng dầu cần thận trọng bởi đây là mặt hàng chiến lược và Nhà nước phải giữ thị trường.
Cây xăng Nhật Bản tại Việt Nam nhắc nhở 2 điều cốt lõi để cạnh tranh Việc một công ty dầu khí Nhật Bản tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam với hình thức rất được lòng ... |
Vì sao người Nhật cúi đầu chào khi qua Việt Nam bán xăng Tôi bắt taxi ở Nhật và rất ngạc nhiên vì tài xế cứ khom người chào nhưng lại không mở cửa cho tôi lên xe. |
Cây xăng treo băng rôn \'ủng hộ hàng Việt\' và văn hóa kinh doanh Dư âm vụ dán khẩu hiệu trên taxi truyền thống chưa tan thì việc treo băng rôn trạm xăng lúc này khác nào đụng vào ... |
https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/ong-lon-xang-dau-viet-dua-thay-doi-hinh-anh-voi-khach-hang-3657725.html?vn_source=box-KinhDoanh&vn_medium=ho&vn_campaign=vn