Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ chuyện thời trẻ của mình và nhắn nhủ sinh viên về sứ mệnh với tương lai đất nước.
Ngày 10/10, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức lễ khai khóa năm 2018 với diễn giả khách mời là Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Chia sẻ với hơn 1.000 học sinh, sinh viên, ông Bình kể, giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi mới tốt nghiệp đại học ông được tham gia đoàn công tác tại Nhật Bản. Ông là thành viên duy nhất được chủ tịch tập đoàn lớn ở Nhật mời đi ăn tại nhà hàng cổ.
Thấy thanh niên 25 tuổi tỏ ra căng thẳng, lãnh đạo tập đoàn này nói "nhìn anh tôi nhớ lại 60 năm trước của mình", rồi kể về nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
"Hồi 20 tuổi như anh, tôi chỉ mong có một chiếc xe hơi để đi. Giờ, bất cứ chiếc Ferrari, Lamborghini nào mới ra tôi đều mua để trưng bày nhưng lại không chạy được. Ở Nhật người ta nói tôi giàu nhất nước, xét về mặt vật chất thì có vẻ đúng, song tôi thấy mình rất nghèo", ông Bình kể lại lời chủ tịch tập đoàn ở Nhật. "60 năm trước thanh niên như anh mới là giàu có nhất. Lúc đó, dường như tất cả thế giới thu gọn trong tay tôi. Tôi có thể làm bất cứ điều gì".
Ông Nguyễn Văn Bình tại Đại học Quốc gia TP HCM hôm nay. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Nhắc lại chuyện cũ, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để thấy rằng tuổi trẻ thực sự có sứ mệnh và đây là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Thế hệ của ông thời trẻ cũng thường nghe nói đến sứ mệnh nhưng không hình dung được khái niệm đó là gì, có thật hay không.
"Bằng trải nghiệm 40 năm làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, tôi thấy rằng tương lai đất nước và tương lai thế giới nằm trong tay thế hệ trẻ. Các bạn là những người giàu có nhất vì có thể mơ những giấc mơ vĩ đại. Còn thế hệ chúng tôi bây giờ vẫn mơ, nhưng chỉ mơ giấc mơ nhỏ và cụ thể hơn", ông Bình nói và bày tỏ mong muốn sinh viên luôn nuôi dưỡng đam mê, hoài bão, nỗ lực phấn đấu để biến giấc mơ thành sự thật.
Sinh viên phải học tập liên tục
Ông Nguyễn Văn Bình cũng nói về chủ đề Sứ mệnh và vai trò của đại học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp này dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ cao, để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất và phục vụ mọi hoạt động của con người. Về hình thức, Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết nối và hợp nhất của hệ thống thực và ảo.
Giáo dục trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 được thiết lập để đáp ứng nhu cầu thị trường. Được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa, kích thích sự khai phá, đổi mới sáng tạo.
Cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi cách làm việc của các đại học, từ chỗ dạy những gì mà giới học thuật sẵn có sang dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần, hoặc thậm chí xa hơn là dạy những gì mà thị trường sẽ cần.
Các hình thức học tập đa dạng cũng xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Phương thức đào tạo thay đổi theo hướng lấy việc học, thay vì việc dạy, làm trọng tâm. Việc học không chỉ hạn chế trong không gian lớp học, tài liệu dạy học truyền thống.
"Nhiều điều được dạy trong trường hôm nay có thể nhanh chóng trở nên lạc hậu. Không trường nào có thể dạy mọi thứ và không người học nào có thể học được mọi thứ chỉ trong khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường", ông Bình nói và cho rằng, xu hướng giáo dục hiện đại phải khuyến khích sinh viên phát triển thái độ học suốt đời, học liên tục ngay cả sau khi họ đã ra trường.
Dẫn lời TS Marcus Storch (Chủ tịch Hội đồng Quỹ Nobel) tại lễ trao giải Nobel mới đây "nền tảng của sự phát triển con người là tri thức và những đóng góp quan trọng nhất đến từ các đại học", ông Bình cho rằng giáo dục chính là cách thức cơ bản để tích lũy vốn con người.
Qua nghiên cứu các chiến lược, chính sách cho thấy, một nội dung cốt lõi đều được đề cập là vấn đề đào tạo nhân lực 4.0, trong đó có việc định hình sứ mệnh và vai trò của các đại học trong phát triển kinh tế - xã hội.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM rộng hơn 643 hecta. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Đại học Quốc gia TP HCM chưa giải phóng mặt bằng xong
Làm việc tại trường thành viên Đại học Kinh tế - Luật, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt (Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại dự án của trường gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn.
Khu Đại học Quốc gia TP HCM rộng trên 643 hecta theo mô hình một đô thị khoa học hiện đại, nằm trên địa bàn quận Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Hiện, tổng diện tích đền bù đạt hơn 90% nhưng diện tích giải phóng mặt bằng chỉ đạt hơn 83%, gây khó khăn cho việc thực hiện dự án cũng như giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực này.
"Chúng tôi kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để Đại học Quốc gia sớm hoàn thành dự án, trong đó công tác giải phóng mặt bằng phải trước năm 2020", ông Đạt đề xuất.
Ông Đạt cũng mong muốn phối hợp Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế xã hội, cụ thể là các khu kinh tế đặc thù, đặc biệt.
"Hai bên tiếp tục có những nghiên cứu, tham gia các giải pháp khả thi về phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế của các địa phương, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên", ông Đạt cho hay.
Lễ trao giải và triển lãm ảnh TP.HCM 2018 tại Đường sách Sài Gòn Sau lễ trao giải là tiết mục khai mạc triển lãm 12 tác phẩm tiêu biểu nhất cuộc thi ảnh TP.HCM 2018 tại Đường sách ... |
TP.HCM sắp có đường sách thứ 2 ở quận 7 Đường sách thứ 2 tại TP.HCM nằm trên con đường mang tên nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Đổng Chi được đầu tư ... |