Bình quân thu nhập tại 3 đặc khu kinh tế sau khi hình thành có thể lên tới 13.000 USD một năm, khoảng 25 triệu đồng một tháng.

Chia sẻ với báo chí về dự Luật đặc khu kinh tế đặc biệt sắp được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho hay, trên thế giới có hàng nghìn đặc khu và rất nhiều trong số đó thành công. Ở quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng vừa lập mới thêm 10 đặc khu kinh tế.

"Quan trọng là cần có luật riêng cho đặc khu vượt trội, khác với phần còn lại cả về mô hình, cơ chế đột phá. Nếu làm được thì đây sẽ là phòng thí nghiệm về thể chế", ông nhận xét.

Sau quyết định của Bộ Chính trị, hiện Chính phủ đã chọn 3 đặc khu kinh tế để phát triển, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Tuy nhiên thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của 3 khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong hiện nay ra sao và dự luật đã thiết kế các điều khoản giúp các đặc khu trên cạnh tranh với quốc tế hay chưa?

Theo ông Phúc, dự Luật đặc khu hành chính đặc biệt sẽ có những quy định mới về chính sách, thể chế vượt trội.

Chia sẻ băn khoăn này, ông Phúc nói, thực tế việc thành công hay không mô hình đặc khu kinh tế với cải cách mạnh thể chế trong tương lai phụ thuộc nhiều yếu tố, như dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từng thời kỳ, và cả quá trình quản lý, vận hành các đặc khu sau này. Nhưng dự luật đưa ra những đột phá, cơ chế đặc biệt để phát triển mà trước đây "chưa hình dung được".

Nói cụ thể hơn, ông Trần Huy Đông - Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nêu 9 điểm ưu đãi vượt trội của thuế, cơ chế đặc khu cao hơn nhiều các nước, như cho thuê đất 99 năm với điều kiện ràng buộc chủ đầu tư, cho phép giải quyết xung đột tại toà án nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân được miễn trong 5 năm và giảm 50% các năm tiếp theo; một cửa tại chỗ do Trưởng đặc khu quyết định...

Riêng về ưu đãi thuế, phí, theo tính toán 3 đặc khu kinh tế trên khi được hình thành có thể đạt mức thu nhập bình quân lên đến 12.000 - 13.000 USD một năm, tương đương từ 23 - 25 triệu đồng một tháng.

Tại Vân Đồn, ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Còn tại Phú Quốc, con số này khoảng 3,3 tỷ USD.

Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết, cuối thập niên 60 thế kỷ trước đã xuất hiện làn sóng mở cửa khu kinh tế tại nhiều quốc gia. Trên thế giới hiện có khoảng 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia. Hầu hết các quốc gia đều có luật điều chỉnh riêng cho thể chế kinh tế đặc biệt này.

Còn tại Việt Nam, sau gần 30 năm phát triển các khu kinh tế, hiện Việt Nam đã có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp được thành lập trong cả nước... Các khu kinh tế này đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động... Những con số này được cho là khá khiêm tốn với tiềm năng phát triển kinh tế của lượng lớn các khu kinh tế, khu công nghiệp.

"Chúng ta đã đi quá chậm, từ năm 2003 ra đời các phương pháp nghiên cứu đặc khu hành chính, đề xuất nhưng vẫn chưa quyết được. Cơ chế mở của đặc khu là chúng ta sẵn sàng đàm phán để chiều lòng các nhà đầu tư chiến lược, nhưng nếu chưa được luật hoá thì khó thuyết phục được họ rót vốn. Nếu không làm thì quá chậm, không vỡ ra vấn đề", ông Đông đánh giá.

Dự Luật đặc khu hành chính đặc biệt gồm 70 điều sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào ngày 10/11 và thảo luận vào ngày 22/11 tới. Dự kiến, tại kỳ họp cuối năm này Quốc hội sẽ xem xét lần đầu dự án luật và dự kiến thông qua ở kỳ họp tiếp theo.

Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017 sẽ xem xét lần đầu dự án Luật này và dự kiến thông qua ở kỳ họp tiếp theo”

Những cú hích thần kỳ cho tương lai kinh tế Việt Nam

Giữa tháng 9, quyết định cắt gần 700 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương được đánh giá là “có tính lịch sử” nhằm ...

\'Xây dựng đặc khu kinh tế cho dài hạn, với mức độ tự do cao hơn\'

Về dài hạn, việc xây dựng các đặc khu kinh tế là cần thiết. Thậm chí trong tương lai, mức độ tự do của các ...

Đừng để đặc khu kinh tế thành \'miếng mồi\' của lợi ích nhóm

Ngày 20.9, Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo \'Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh ...

(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/ong-nguyen-van-phuc-dac-khu-kinh-te-phai-khac-biet-phan-con-lai-3661600.html)

/ Theo Anh Minh/VnExpress.net