Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc để các đại biểu bầu làm Chủ tịch nước.

Chiều 2/4, sau khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, được giới thiệu kế nhiệm.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu Chính phủ được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Theo chương trình dự kiến, các đại biểu bầu Chủ tịch nước bằng phiếu kín vào sáng 5/4.

Nhiệm kỳ 2016-2021 từng có sự thay đổi nhân sự Chủ tịch nước. Giữa năm 2018 Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9 đến ngày 23/10/2018. Ngày 23/10/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử làm Chủ tịch nước
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, được giới thiệu làm Chủ tịch nước. Ảnh: Giang Huy

Việc miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn nhân sự tại kỳ họp lần này thực hiện theo yêu cầu bố trí, sắp xếp nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội XIII, với khoảng 25 chức danh được kiện toàn hoặc thay đổi vị trí công tác.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh không tham gia Trung ương khóa XIII, do vậy, chức danh này sẽ được kiện toàn vào ngày 6/4.

Theo danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, khối cơ quan Chủ tịch nước có 3 đại biểu là ông Nguyễn Xuân Phúc; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; ông Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử làm Chủ tịch nước
Ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, và bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 67 tuổi, cử nhân Kinh tế, quê ở Quảng Nam. Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, XI, XII, XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội 3 khoá XI, XIII và XIV.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông trở về làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, từng bước trưởng thành với nhiều vị trí công tác ở quê nhà. Từ chuyên viên, phó văn phòng, chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, ông làm Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.

Tại Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hai "trường hợp đặc biệt" tái cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị.

/ vnexpress.net