Sau màn tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa 2 ứng viên Tổng thống Donald Trump và Kamala Harris, cử tri Mỹ đã bắt đầu bày tỏ quan điểm của mình.

Khi cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 đang đến gần, bà Kamala Harris và ông Donald Trump đã có phần tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình vào hôm 10/9.

Tại cuộc tranh luận, ngoài những công kích về cá nhân đối thủ như vẫn thường thấy, 2 ứng viên đã thể hiện lập trường, quan điểm đối chọi nhau về gần như là tất cả những vấn đề chính sách chủ yếu được người Mỹ quan tâm, trong đó bao gồm: Phát triển kinh tế và lạm phát; chủ đề phá thai, nhập cư và an ninh biên giới; chính sách đối ngoại và với Ukraine; xung đột Israel - Hamas; y tế - bảo hiểm sức khỏe; biến đổi khí hậu; và việc chuyển giao quyền lực hòa bình và sự kiện tòa nhà Quốc hội bị người biểu tình tấn công ngày 6/1/2021.

Ông Trump và bà Harris đã có phần tranh luận trực tiếp đầu tiên hôm 10/9. (Ảnh: CNBC)

Ông Trump và bà Harris đã có phần tranh luận trực tiếp đầu tiên hôm 10/9. (Ảnh: CNBC)

Với bà Harris, cuộc tranh luận này cũng là một bước đệm giúp bà thể hiện bản thân rõ hơn với các cử tri Mỹ, những người vẫn chưa hiểu rõ và biết về bà. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để nữ phó tổng thống vượt qua “cái bóng” của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm Joe Biden và gây ân tượng hơn với người dân.

Bà Harris vươn lên

Theo Khảo sát của CNBC Fed được công bố hôm 17/9, lần đầu tiên trong chu kỳ bầu cử năm 2024, Phó Tổng thống Kamala Harris đã vươn lên dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, 48% người tham gia khảo sát tin rằng bà Harris có khả năng giành chiến thẳng. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với ông Trump là khoảng 415.

Trước đó, một  Khảo sát sát của CNBC Fed được công bố vào cuối tháng 7 ghi nhận 50% người được hỏi  dự đoán ông Trump sẽ chiến thắng và chỉ 37% ủng hộ bà Harris.

Những tháng trước đó, khi đương kim Tổng thống Joe Biden vẫn còn tham gia cuộc bầu cử, khoảng 48% người tin rằng ông Trump là người có khả năng chiến thắng cao nhất, 35% dự đoán ông Biden sẽ tái đắc cử và 17% còn lại không chắc chắn hoặc không biết.

Kể từ khi bà Harris tham gia cuộc đua, chiến dịch tranh cử của bà phần lớn tập trung vào nền tảng kinh tế và các đề xuất chính sách. Cụ thể, đối với vấn đề kinh tế, bà Harris coi trọng việc phát triển tầng lớp trung lưu và giảm chi phí cho người tiêu dùng, cung cấp trợ cấp nhà ở, mở rộng tín dụng thuế và khấu trừ, cùng với việc kiểm soát hoạt động "thổi giá" của các công ty.

Bà Harris đã nhận được thêm sự ủng hộ sau phần tranh luận đầu tiên với ông Trump. (Ảnh: CNN)

Bà Harris đã nhận được thêm sự ủng hộ sau phần tranh luận đầu tiên với ông Trump. (Ảnh: CNN)

Trong khi đó, ông Trump đã ủng hộ việc kéo dài và tăng cường cắt giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, áp dụng chính sách thuế quan cứng rắn đối với tất cả hàng nhập khẩu và xóa bỏ một số khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính quyền ông Biden.

Nhìn chung, về vấn đề kinh tế, các cử tri Mỹ tin rằng ông Trump sẽ làm tốt hơn bà Harris. Dù vậy, về tổng thể các vấn đề, 52% số người được hỏi tin rằng bà Harris sẽ dẫn dắt nước Mỹ tốt hơn so với ông Trump.

Trong đó, ông Joel Naroff, chủ tịch của Naroff Economics LLC, nhận xét: "Ngay cả khi ông Trump thực hiện các đề xuất của mình, thì việc áp đặt một mức thuế quan rộng rãi và trục xuất hàng loạt, hoặc thậm chí là trục xuất một lượng nhỏ người nhập cư, sẽ làm tăng lạm phát và làm chậm nền kinh tế đến mức có khả năng xảy ra suy thoái".

Những người trả lời cũng dự đoán rằng đề xuất kinh tế của bà Harris sẽ tốt hơn đối với việc giải quyết thâm hụt ngân sách và chính sách thương mại.

 

Ngoài ra, về Cục Dự trữ Liên bang (Fed), 100% người được hỏi tin rằng bà Harris sẽ không can thiệp vào hoạt động của cơ quan này. Trong khi đó, chỉ 42% có niềm tin như vậy với ông Trump.

“Sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ trở thành một vấn đề thực sự dưới thời ông Trump, nhưng chúng ta phải hiểu rằng chỉ có ba nhánh chính phủ được nêu trong Hiến pháp: nhánh Lập pháp, nhánh Tư pháp và nhánh Hành pháp. Không có nhánh thứ tư nào được gọi là Fed, vì vậy Fed chỉ có thể hoạt động độc lập nếu ba nhánh đã thành lập mong muốn”, Richard Bernstein, Tổng giám đốc điều hành của Bernstein Advisors lưu ý.

Với các vấn đề này, bà Harris hiện đang tạm thời chiếm lợi thế và được đánh giá cao hơn ông Trump.

Bước đi tiếp theo

Sau khi cuộc tranh luận đầu tiên kết thúc, cựu Tổng thống Donald Trump đã bác kế hoạch tiếp tục phiên đối đầu thứ hai với đối thủ đảng Dân chủ. Theo ông Trump, ông đã giành phần thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên. Mặt khác, bà Harris cũng tin rằng bà đã có phần thể hiện vượt trội hơn so với ứng viên đảng Cộng hoà.

Dù ai giành phần thắng trong màn tranh luận trên, điều quan trọng mà 2 ứng viên hướng tới vẫn là những lá phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Cả hai ứng cử viên đều cần phải giành được sự ủng hộ của những cử tri trung dung, ngoại ô, dao động ở các tiểu bang chiến trường. Và họ đang có những cách tiếp cận rất khác nhau để thực hiện điều đó.

Với Phó tổng thống đương nhiệm, bà tuyên bố sẽ đoàn kết đất nước và "tán tỉnh" những người Cộng hòa truyền thống không hài lòng với ông Trump. Bà ca ngợi sự ủng hộ của cựu Phó Tổng thống đảng Cộng hoà Dick Cheney và con gái ông, cựu Hạ nghị sĩ bang Wyoming, Liz Cheney. Đồng thời, bà Harris khẳng định: "Những người theo đảng Dân chủ, Cộng hòa và độc lập đang ủng hộ chiến dịch của chúng tôi".

Trong khi đó, về phía ông Trump, ông cũng đang tiếp tục đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ liên quan đến tội phạm và cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời cam kêt triển khai các chương trình thuế quan giúp giải quyết thách thức kinh tế hiện nay của Mỹ.

Đây đều là những vấn đề được cử tri quan tâm, đặc biệt là nhóm cử tri ở vùng ngoại ô. Nhờ vậy, ông Trump đang nhận được nhiều niềm tin hơn của các cử tri trung lập đối với cách xử lý khủng hoảng kinh tế và nhập cư.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng việc ông Trump từ chối tái đấu với bà Harris trong thời gian tới cũng là một quyết định mang tính chiến thuật.

Cụ thể, ông Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử của ông Trump, lưu ý: "Chúng ta có nhiều cơ hội hơn thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp - thông qua các cuộc vận động, thông qua việc đến các tiểu bang này và tạo ra tác động trực tiếp tới các cử tri - hơn là tham gia một cuộc tranh luận vốn sẽ phản tác dụng với chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống”.

Ông Trump đã từ chối tiếp tục tranh luận với bà Harris. (Ảnh: CNN)

Ông Trump đã từ chối tiếp tục tranh luận với bà Harris. (Ảnh: CNN) 

CNN nhận định, việc không tiếp tục tranh luận ngay cũng sẽ có lợi cho bà Harris. Dù Phó tổng thống Mỹ đã thành công thu hút thêm người ủng hộ nhưng chưa chắc bà có thể tiếp tục giữ vừng phong độ này ở phần tranh luận tiếp theo, CNN lưu ý.

Hãng tin trích dẫn ví dụ vào năm 2016, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton được đánh giá là người chiến thắng trong các cuộc tranh luận nhưng cuối cùng ông Trump lại là người tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017.

Do đó, cũng có những ý kiến cho rằng, trong vài tuần tới, có thể ông Trump sẽ thay đổi quyết định và “thách đấu” bà Harris trong một màn tranh luận khác. “Tôi tin rằng ông ấy đang cân nhắc, nếu khoảng cách giữa ông và đối thủ tiếp tục sát nút nhau trong những tuần cuối, ông ấy sẽ cần một đòn bẩy để duy trì lợi thế của mình trước bà Harris”, bà Alyssa Farah Griffin, một nhà bình luận của CNN và cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng của ông Trump, dự đoán.

https://vtcnews.vn/ong-trump-ba-harris-tung-chieu-gi-cho-cuoc-dua-vao-nha-trang-ar896814.html

KÔNG ANH / VTC News