Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, dự thảo Luật đặc khu hành chính đặc biệt vẫn ôm đồm, tính ưu tiên chưa thể hiện rõ.
Quan điểm này được Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu tại Hội thảo chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tổ chức ngày 3/11.
Nói về những chính sách vượt trội, cạnh tranh tại dự Luật đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, ngoài quy định tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả, dự luật cũng đưa ra chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới.
Ngoài ra, quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư được tôn trọng triệt để hơn, thu hẹp còn 108 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thay vì 243 điều kiện; đồng thời mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở...
Góp ý, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, dự Luật hiện vẫn khá ôm đồm và chưa phân định rõ đặc khu sẽ là nơi thử nghiệm thể chế hay kiếm tiền thông qua phát triển du lịch, casino... Vì thế chính sách và những ưu tiên đưa ra tại dự luật chưa rõ, chưa hẳn vượt trội.
"Các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài", ông nói.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, dự Luật đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt vẫn ôm đồm, chưa xác định rõ là nơi thử nghiệm thể chế hay kiếm tiền. |
Lấy ví dụ phát triển đặc khu tại Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc), ông Thành cho biết, sau một thời gian phát triển Trung Quốc đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều "đặc khu trong đặc khu". Đây là nơi thể hiện mục tiêu thí điểm các cơ chế mới về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.
"Chúng ta không thể né được các cơ chế mở mà nên chấp nhận và coi đây là nơi thí điểm những \'trò chơi\' mới, cách chơi mới trong thanh toán, tiền tệ... tất nhiên ở trong phạm vi có thể kiểm soát được", ông Thành nói.
Còn theo ông Patrick Tay - Phó tổng giám đốc phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế PWC, dự luật đã đưa ra được những nền tảng quan trọng cần có, nhưng cần đặt cái nhìn cân bằng lợi ích của các bên, nhất là người dân.
"Phải đảm bảo rằng người dân tại các nơi như Vân Đồn, Phú Quốc... cảm nhận được hưởng lợi rõ rệt khi những nơi này trở thành đặc khu, chứ không chỉ riêng nhà đầu tư", ông Patrick Pay lưu ý.
Góp ý cụ thể vào chính sách đất đai, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường đề nghị, giá đất thu hồi của dân để phát triển đặc khu cần theo giá thị trường. Luật cũng cần nghiên cứu cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền trực tiếp giao dịch đấ đai với hộ gia đình giống nhà đầu tư trong nước. "Chỉ khi pháp luật công bằng thì nhà đầu tư và người nước ngoài mới bình đẳng trong đầu tư vốn vào phát triển đặc khu", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Võ cho biết Việt Nam đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế nhưng không phải tất cả giảm thì đã là tốt. Cụ thể cần quy định sử dụng đất phải trả tiền, nếu không sẽ làm mất tính cạnh tranh, sử dụng đất kém hiệu quả. "Chúng ta có thể giảm thuế, cho thuê đất nhưng không phải tất cả giảm là tốt. Trong các chính sách ưu đãi có những chính sách mở hết cỡ sẽ tốt, ngược lại", ông Võ nói.
Phản hồi từ ban soạn thảo, ông Trần Ngọc Đông lý giải, hiện dự luật đang đưa ra chính sách miễn, giảm thuế đất với một số ngành nghề ưu tiên và một số dự án cụ thể, chứ không phải miễn cho toàn bộ nhà đầu tư. Tuy vậy, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện dự luật trước khi trình Quốc hội vào ngày 10/11 tới.
Xây đặc khu: Xin cơ chế, không xin tiền Điều các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần là cơ chế, chứ không xin kinh phí. Có cơ chế thì sẽ tạo ... |
Chỉ cơi nới, không xây mới: Đột phá ở đâu? Đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong đang được đặt những nền móng đầu tiên. Nhưng nếu thiếu cơ chế đặc biệt cả ... |
Ông Nguyễn Văn Phúc: \'Đặc khu kinh tế phải khác biệt phần còn lại\' Bình quân thu nhập tại 3 đặc khu kinh tế sau khi hình thành có thể lên tới 13.000 USD một năm, khoảng 25 triệu ... |
(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/ong-vo-tri-thanh-lam-dac-khu-de-thu-nghiem-the-che-hay-kiem-tien-3665222.html)