Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 12/5 đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu cho năm 2022, với lý do các hạn chế do COVID-19 gây ra và các yếu tố căng thẳng về địa chính trị.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng, OPEC cho biết nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2022, giảm so với mức dự báo 3,9% vào tháng trước. Theo tổ chức này, những thách thức đáng chú ý mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt bao gồm "căng thẳng địa chính trị, đại dịch tiếp tục, lạm phát gia tăng, các vấn đề chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng, mức nợ chính phủ cao ở nhiều khu vực và dự kiến thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Anh, Nhật Bản và khu vực đồng Euro”.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng ước tính rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm nay khoảng 3,4 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, song ít hơn 300.000 thùng/ngày so với ước tính của tháng trước. OPEC cho biết nhu cầu dầu trong năm 2022 sẽ "bị ảnh hưởng bởi các diễn biến địa chính trị ở Đông Âu, cũng như các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19".
Tuy nhiên, OPEC dự kiến mức tiêu thụ thế giới sẽ vượt qua mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 và mức trung bình hàng năm vào năm 2022 sẽ chỉ vượt quá mức trước đại dịch 2019.
Báo cáo cho thấy sản lượng của OPEC trong tháng 4 đã tăng 153.000 thùng/ngày lên 28,65 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức tăng 254.000 thùng/ngày mà OPEC được phép theo thỏa thuận OPEC+.
Dự báo tăng trưởng đối với nguồn cung ngoài OPEC vào năm 2022 giảm 300.000 thùng/ngày xuống 2,4 triệu thùng/ngày. OPEC cắt giảm dự báo sản lượng của Nga xuống 360.000 thùng/ngày và giữ nguyên ước tính tăng trưởng sản lượng của Mỹ.
OPEC dự kiến nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng 880.000 thùng/ngày vào năm 2022, không thay đổi so với tháng trước, mặc dù họ cho biết có khả năng mở rộng thêm vào cuối năm nay.
Cũng trong ngày 12/5, trong báo cáo hàng tháng mới nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết việc Nga ngày càng bị cô lập sẽ không gây ra đứt gãy "nghiêm trọng" nguồn cung dầu mỏ toàn cầu do sản lượng từ các nước khác đang tăng và nhu cầu từ Trung Quốc đang giảm.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) có kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ "thúc đẩy sự tái định hướng các dòng thương mại" và buộc Nga phải giảm sản lượng. Nhưng "ngay cả như vậy, việc tăng sản lượng bền vững ở những nước khác, cộng thêm nhu cầu dầu mỏ tăng chậm lại, nhất là ở Trung Quốc, sẽ bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong tương lai gần".
IEA cho biết sau khi nguồn cung giảm gần 1 triệu thùng/ngày hồi tháng 4, dự báo cung có thể thiếu 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối của năm nay. Mỹ và các nước giàu khác đã quyết định mở kho dự trữ dầu mỏ khẩn cấp của mình nhằm giảm đà tăng của giá./.