Hơn 10 năm trước, giống như nhiều gia đình trẻ, vợ chồng tôi thuê một người giúp việc để trông con.
Đó là một phụ nữ lớn tuổi, nhanh nhẹn, tháo vát, sạch sẽ. Được chừng gần năm, một buổi chiều đột nhiên bà xin nghỉ: “Tình cờ tôi biết anh chị đều không phải Đảng viên, trong khi tôi có gần 40 năm tuổi Đảng, thế mà lại đi ở cho anh chị thế này. Đó là điều tôi nghĩ không thông. Nên mặc dù anh chị rất tử tế và tôi không có gì phàn nàn, nhưng tôi không thể tiếp tục được.”
Thú thực khi đó tôi đã rất bất ngờ, vì con còn nhỏ, hai vợ chồng đều bận rộn suốt ngày, và không thể hình dung được cái lý do nghỉ việc của bà lão. Những bình tĩnh lại thì tôi hiểu ra. Dù được định danh công việc là “giúp việc gia đình”, song về bản chất thì thân phận của những người như bà lão vẫn là kẻ ăn người ở trong nhà. Đó là thân phận mà thế hệ của bà, nhiều người đã phải hy sinh xương máu để thoát khỏi. Suy nghĩ đó khiến tôi không bao giờ còn có ý định tìm thuê người giúp việc.
Mặc dù Tổ chức Lao động Thế giới mấy năm nay ra sức tuyên truyền rằng giúp việc là “Một nghề như bao nghề”. Nhưng trong định kiến của phần đông xã hội, dù là người thuê hay chính kẻ làm, nó vẫn mang phần ý nghĩa thấp kém về thân phận – chưa thể vượt qua. Câu chuyện của tôi, là một biểu hiện cực đoan, nhưng của một tâm lý phổ biến.
Mấy hôm nay, những hình ảnh người phụ nữ giúp việc ở Hà Nam đánh đập một đứa trẻ được lan truyền trên mạng tạo nên sự phẫn nộ của cả xã hội. Rất nhiều câu hỏi về lương tri được đặt ra. Song, lương tri là gì? Tôi cho rằng đó là một thứ nhận thức được tạo nên bởi sự tương tác giữa con người với con người. Bởi thế, lương tri của mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh, mỗi mối quan hệ, vốn dĩ không giống nhau.Vì thế, khi đặt câu hỏi về lương tri trong câu chuyện đau lòng của người giúp việc đó, tôi nghĩ, cần phải nhìn sâu vào mối quan hệ của người phụ nữ ấy đối với gia đình người chủ, với hoàn cảnh sống, và thân phận của chính chị ta.
Người giúp việc nhà, cho dù chúng ta có thể định danh bằng những thứ tên gọi khác nhau. Song về bản chất là những người được trả tiền, được nuôi ăn để hầu hạ trong nhà. Để điều chỉnh mối quan hệ này một cách tốt đẹp, thông thường sẽ có các công cụ phổ biến, như: sự giám sát (có người quản gia, trông nom, giám sát), sự khích lệ (tiền công, tiền thưởng, các loại phúc lợi), tình cảm (thái độ giao tiếp, chia sẻ rủi ro). Nhưng trên thực tế thị trường lao động giúp việc nhà ở Việt Nam, các cơ chế kể trên đều không được vận hành một cách đầy đủ.
Về cơ chế giám sát, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ gia đình sử dụng người giúp việc nhà có người trông nom, giám sát. Hầu hết sử dụng người giúp việc nhà như một nhân sự duy nhất trông nom nhà cửa, con cái. Công cụ giám sát phổ biến là kiểm tra nhân thân (để truy cứu khi có rủi ro), hoặc camera (giám sát gián tiếp).
Về cơ chế khích lệ, theo kết quả nghiên cứu “Tổng quan tình hình giúp việc gia đình tại Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng thực hiện cách đây vài năm, chỉ có 3% người giúp việc gia đình có bảo hiểm xã hội, nhưng phần lớn là do có trước khi đi làm giúp việc gia đình. Ngay cả bảo hiểm y tế cũng chỉ có 19,5%. Nhưng đa số là tự mua, hoặc được chi trả theo diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có công. Điều đó có nghĩa là cơ chế khích lệ bằng phúc lợi giữa chủ và người giúp việc gần bằng không.
Sự “giật gấu vá vai” được thể hiện rõ nhất, khi chỉ có hơn 40% gia đình sẵn sàng trả lương cao hơn đối với người giúp việc có trình độ cao hơn. Phần còn lại, sẽ chấp nhận những giúp việc chưa được đào tạo, để đổi lấy mức lương thấp.
Thực trạng này đến ngay từ khâu định nghĩa: 40% người dân không đồng ý với nhận định nên coi giúp việc gia đình là một nghề chính thức vì suy nghĩ đây chỉ là những công việc vặt, mang tính thời vụ, tạm thời. Ý niệm đó khiến cho việc đầu tư cho sự gắn kết tình cảm sẽ chỉ ở mức thấp.
Với những đặc điểm trên, có thể thấy một thực tế là mặc dù việc sử dụng người giúp việc rất phổ biến ở đô thị, song các cơ chế điều chỉnh mối quan hệ giữa người giúp việc với người sử dụng thì hầu như không có. Mối quan hệ đó có tốt đẹp hay không chủ yếu dựa vào sự may rủi. Nếu như lương tri của con người là nhận thức được hình thành dựa trên sự tương tác giữa con người, với con người trong một mối quan hệ đầy tính may rủi, những câu chuyện như ở Hà Nam sẽ là một kết quả không khó hình dung.
Bà giúp việc của gia đình tôi năm xưa đã đúng khi quyết định dừng công việc tại thời điểm đó. Khi tự mang mặc cảm thân phận mà không thể chấp nhận được điều đó, diễn biến tâm lý của con người ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Đó là điều không ai mong muốn.
Nếu mối quan hệ lao động này vẫn cứ “giật gấu vá vai” từ tài chính cho đến các gắn kết tình cảm, thì liệu chúng ta có nên thuê người giúp việc, để rồi trông vào các may rủi của lương tri?
Chồng người giúp việc: \'Không hiểu sao vợ tôi đánh cháu như thế\' Ông Hoàng Đình Minh (chồng bà Hàn) cho biết, từ khi biết tin, bản thân ông đứng ngồi không yên. Ông không biết vì sao ... |
Bé 1,5 tháng tuổi ở Hà Nam bị giúp việc đánh, tát vào mặt Video ghi cảnh một trẻ sơ sinh bị người giúp việc dùng tay tát liên tiếp vào mặt rồi tung lên cao khiến nhiều người ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/osin-va-luong-tri-3675600.html