“Mưa lũ kinh hoàng đang tàn phá đất nước chúng tôi”, đây là phát biểu của Thủ tướng Pakistan Shehbaz Shariftrong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang phải hứng chịu những trận mưa và lũ lụt liên tiếp từ giữa tháng 6 tới nay khiến ít nhất 1.033 người thiệt mạng, trong đó có 348 trẻ em, 1.527 người bị thương và ảnh hướng tới khoảng 1/3 dân số.
- Nắng nóng dữ dội thiêu đốt Ấn Độ, Pakistan
- Rơi máy bay cứu trợ, tướng quân đội Pakistan cùng 5 người tử nạn
- Thủ tướng Pakistan bị lật đổ sau cuộc họp dài kỷ lục
Theo ông Shehbaz Sharif, những thiệt hại do lũ gây ra vào mùa này có thể so sánh với đợt thảm họa tồi tệ nhất từng được ghi nhận tại Pakistan vào năm 2010 - 2011.
The Guardian ngày 29/8 dẫn lời Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu của Pakistan Sherry Rehman chia sẻ nước này đang phải trải qua chu kỳ mưa thứ 8, trong khi thông thường chỉ có từ 3 – 4 chu kỳ. Bà Sherry Rehman gọi đây là thảm họa đại hồng thủy chưa từng có, đặc biệt gây tác động tới khu vực phía Nam Pakistan.
Theo Cục Khí tượng Pakistan (PMD), lượng mưa trung bình tại đây trong 3 tháng từ ngày 1/7 - 30/9 là 140,9mm. Năm 2021, con số này giảm 11,3% còn 125mm. Trong khi đó, năm nay, chỉ tính từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8, lượng mưa đã ghi nhận lên tới 354,3mm, cao hơn 211% so với mức bình thường. Đặc biệt, khu vực phía Nam của tỉnh Sindh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hứng lượng mưa 442,5mm trong tháng 8, nhiều hơn 784% so với mức 50mm bình thường trong cùng khoảng thời gian.
Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia (NDMA) của Pakistan cho hay, hơn một nửa diện tích Pakistan chìm trong nước và hàng triệu người bị mất nhà cửa, mạng di động và internet ở nhiều nơi ngừng hoạt động.
Reuters dẫn một báo cáo cho biết, dù phía Nam Sindh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, song hàng chục ngàn người phải sơ tán tại miền Bắc Pakistan cuối tuần qua do lũ quét đổ về khiến nước sông dâng cao. Nước tràn bờ nhiều con sông trong khu vực, cuốn trôi nhiều ngôi nhà ven sông, trong đó có một khách sạn 150 phòng bị dòng nước dữ nuốt chửng. Tại huyện Charsadda, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, hàng ngàn người phải qua đêm ngoài đường cùng với vật nuôi. Mưa lũ cũng khiến ít nhất 1.033 người thiệt mạng, trong đó có 348 trẻ em, 1.527 người bị thương và ảnh hướng tới khoảng 33 triệu dân.
Hiện chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với lũ lụt, điều động lực lượng quân đội hỗ trợ các hoạt động cứu hộ. Ngoài ra, các trung tâm cứu trợ cũng được thành lập ở nhiều vùng khác nhau để thu gom, vận chuyển và phân phối hàng hóa cho người dân bị ảnh hưởng.
Theo Financial Times, trận đại hồng thủy còn cuốn theo hàng ngàn gia súc và làm chết 1,7 triệu cây ăn quả, dấy lên lo ngại về sinh kế của người dân trong những tháng lạnh giá sắp tới giữa lúc đất nước phải đối phó với khủng hoảng kinh tế. Tính đến 29/8, Pakistan đã nhận được các đợt cứu viện nhân đạo từ Mỹ, Anh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một đội cứu hộ đến hỗ trợ, trong khi chính phủ Anh đã công bố khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 1,5 triệu bảng.
Hội đồng quản trị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã thông qua gói hỗ trợ1,2 tỷ USD để tăng cường dự trữ ngoại tệ của quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, do giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chính phủ Pakistan đang cố gắng thúc đẩy thêm viện trợ nhân đạo từ Liên hợp quốc dành cho các khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
“Pakistan đã phải vật lộn với các vấn đề kinh tế nhưng bây giờ, ngay khi chúng tôi chuẩn bị vượt qua chúng thì thảm họa mưa lũ lại ập đến. Nguồn vốn từ rất nhiều dự án phát triển đã được chúng tôi chuyển hướng để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng. Mức độ của thảm họa lớn hơn ước tính”, Thủ tướng Shehbaz Sharif bày tỏ trên Twitter. Cũng theo ông Shehbaz Sharif, các dữ liệu phân tích từ PMD cho thấy khả năng tái xuất hiện một đợt đại hồng thủy tiếp theo vào tháng 9 tới.
Giới chuyên gia nhận định, Pakistan đang phải hứng chịu tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan, là kết quả của biến đổi khí hậu dù nước này có lượng khí thải carbon tương đối thấp. Hồi đầu năm, phần lớn diện tích Pakistan hứng đợt hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt, trong đó thành phố Jacobabad thuộc tỉnh Sindh ghi nhận nhiệt độ tới 51°C. Trong khi đó, nước này hiện lại phải đối mặt với lũ lụt, còn châu Âu thì đang xảy ra các đợt cháy rừng do hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm. Trung Quốc và nhiều khu vực của Mỹ cũng đang trải qua tình trạng tương tự. Tuy nhiên, ngoài việc đổ lỗi cho biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Sherry Rehman đánh giá việc quy hoạch chưa hợp lý cũng được xem là nguyên nhân khiến lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng.
Bà Sherry Tehman viện dẫn: “Các thành phố của chúng tôi không được thiết kế để chống chịu những trận mưa trút nước liên tục. Pakistan ước tính đã mất 10.000 người và thiệt hại 4 tỷ USD do các thảm họa liên quan đến khí hậu giai đoạn 1998 - 2018. Theo chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, Pakistan liên tục thuộc top các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu nhưng nhiều khu nhà vẫn mọc lên ở những nơi có địa hình dễ ngập lụt và khó tiếp cận khi bị cô lập”. Được biết, ngoài việc kêu gọi hỗ trợ nhân đạo, Pakistan đang lên kế hoạch khởi động một quỹ trợ giúp quốc tế để tái thiết lại cơ sở hạ tầng nhằm ứng phó lâu dài với các thách thức từ thiên nhiên.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/pakistan-cau-cuu-the-gioi-vi-tham-hoa-lu-lut-lich-su-i665771/