Cũng vì Hamas mà Mỹ, cùng các nước EU và Israel cắt viện trợ, phong tỏa tài chính khiến nền kinh tế Palestine càng thêm khốn khó. Israel kiểm soát tất cả, từ tiền thu thuế, đến việc buôn bán nông sản, nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh.
Lịch sử viết bằng máu của người Palestine
Buổi sáng ở thành phố Ramalah thật nên thơ.
Trời se lạnh hệt như Hà Nội vào cữ đầu đông. Gió lùa hun hút nhưng bầu trời lại chẳng có gợn mây nào. Thành phố rất có duyên và giống hệt Đà Lạt với những con đường quanh co đèo dốc, những cánh rừng thông được giữ gìn cẩn thận, những vườn cây ô liu có ở khắp nơi trong thành phố. Những cây ô liu cổ thụ có tuổi hàng trăm năm nom như một ông lão quắc thước, từng trải và vững chãi, có ở khắp nơi ở Ramalah. Lá cây ô liu nhọn nhỏ và có hai màu. Mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu xanh hơi bạc. Ở vùng sa mạc và đồi núi vô cùng cằn cỗi, có lẽ chỉ cây ôliu là sống được mà không cần có sự chăm sóc của con người. Nghe nói rễ cây ôliu có thể xuyên vào lòng núi hàng trăm mét để hít lấy hơi ẩm nuôi cây. Cây ôliu có nhiều loại và tất cả các quốc gia vùng ven biển Địa Trung Hải đều có. Nhưng ô liu chất lượng tốt nhất thì chỉ có ở Palestine. Quả ôliu được người dân sử dụng làm thực phẩm, ép lấy dầu để ăn, để thắp sáng từ hàng ngàn năm trước. Mùa này, ôliu đang ra hoa và phải bốn tháng nữa mới vào vụ thu hoạch.
Thành phố Ramalah đẹp là thế, nên thơ là thế, ấy vậy mà đi ở đây, tôi cứ luôn bị cảm giác như đang ăn cơm nhai phải sạn, như bị thằng nào ném cát vào mắt?
Ấy là vì những bức tường an ninh do Israel dựng lên và tất nhiên là chẳng theo một thứ quy hoạch kiến trúc nào cả. Chỗ nào có người Do Thái sinh sống thì họ quây luôn lại và bức tường an ninh được coi là tường thành để bảo vệ. Ai ra vào đó phải qua cổng và bị khám xét cực kỳ nghiêm ngặt, chỗ thì tường cao 4m, chỗ thì 6m và có chỗ tường cao 8m.
Quả thật, trên thế giới không đâu có cái chuyện quái quỷ và bất công đến như thế này.
3.500 năm trước Công nguyên, Palestine là đất của của người Canaen thuộc dòng Semite sinh sống. Nhưng khoảng từ 1.200 năm trước Công nguyên, người Philistines từ đảo Crete đến và đổi tên vùng này thành Palestine. 200 năm trước Công nguyên, người Do Thái cũng đến vùng đất này và từ đó, mâu thuẫn giữa Ramahai dân tộc không ngừng phát sinh. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Anh xâm chiếm Palestine và đặt ách thống trị lên vùng đất này. Nhiều cuộc kháng chiến chống quân Anh nổ ra và khi đã hoàn toàn dẹp bỏ được, cầm quyền Anh đã ra lệnh cấm tiệt dân Palestine không được sử dụng vũ khí, dù chỉ là vũ khí săn bắn. Năm 1917, thực dân Anh bắt đầu đưa người Do Thái về Palestine. Năm 1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 181/II chấm dứt sự bảo hộ của Anh đối với Palestine và chia quốc gia này ra làm 2, một phần cho Palestine, một phần cho người Do Thái, nhưng duy trì liên minh kinh tế giữa hai bên.
Ngày 15-5-1948, Nhà nước Israel được sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế của Anh, Mỹ đã tuyên bố thành lập. Một số nước Arập đã bác bỏ Nghị quyết 181/II và tuyên bố chiến tranh chống lại Israel. Chỉ hai ngày sau khi Nhà nước Israel được thành lập, các nước Arập đã đồng loạt tấn công từ nhiều phía. Nhưng Israel, với sự hỗ trợ tối đa của Mỹ, Anh, cộng với trí thông minh hiếm có và ước vọng cháy bỏng về việc phải có một Nhà nước của người Do Thái, đã kết lại thành một khối sức mạnh to lớn đánh thắng tất cả các quốc gia thuộc khối Arập trong 4 cuộc chiến tranh. Lần thứ nhất vào năm 1948-1949; lần thứ hai vào năm 1956; lần thứ ba vào năm 1967 và lần thứ tư vào năm 1973. Điều trớ trêu là Israel càng đánh càng mạnh, còn các nước Arập càng đánh càng thua… Và hậu quả là qua 4 cuộc chiến, Israel đã chiếm đóng toàn bộ phần đất mà Liên Hiệp Quốc chia cho Nhà nước Palestine theo Nghị quyết 181/II. Israel lùa toàn bộ người Palestine ở 32 khu vực trên toàn lãnh thổ về các trại tị nạn khổng lồ. Gần 8 triệu người Palestine phải bỏ chạy và lang bạt khắp thế giới.
Liên Hiệp Quốc cũng đã ra những Nghị quyết 242, 338 quy định Israel phải rút quân ra khỏi các vùng đất đã chiếm đóng, chấm dứt chiến tranh ở Trung Đông, giải quyết các vấn đề về người tị nạn. Nhưng các nghị quyết này thực chất là chỉ nhằm bảo vệ Nhà nước Do Thái mà phớt lờ quyền tự quyết của nhân dân Palestine. Còn Israel, được Mỹ sử dụng như một tên lính xung kích nhằm kiềm chế sự phát triển của các nước Arập và trở thành tiền đồn chống lại Iran, Iraq đã không ngừng lớn mạnh. Cho tới nay, Israel đã có lực lượng quân sự trang bị cực kỳ hiện đại, thiện chiến, có trình độ tổ chức cao, có nền công nghiệp quốc phòng, an ninh vào bậc nhất thế giới. Trong xây dựng kinh tế, Israel cũng thu được nhiều thành tựu đáng khâm phục, đặc biệt là trong nông nghiệp.
Còn Palestine, không chịu nổi ách áp bức của Israel, nên từ năm 1958, tổ chức Al-Fatah là Tổ chức cách mạng đầu tiên được thành lập. Tháng 5-1964, Hội đồng Dân tộc Palestine (PNC) đã họp và tuyên bố thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Từ đó PLO là người đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine. Và cũng từ đó, cuộc đấu tranh của người Palestine với Israel được tiến hành bền bỉ. Đối chọi với xe tăng, máy bay, đại bác của Israel, người Palestine chủ yếu dùng vũ khí nhẹ và… gạch đá! Tất nhiên là Israel dễ dàng bóp chết tất cả những cuộc tấn công theo kiểu du kích của PLO. Mỹ và một số nước phương Tây đã từng có thời kỳ liệt PLO vào là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Theo những số liệu chưa chính xác thì từ năm 1964 cho tới 1988, đã có 750.000 lượt người Palestine bị Israel bắt cầm tù, còn số người bị giết có lẽ chỉ có Chúa Jesu và Thánh Ala mới biết! Hầu như nhà nào cũng có người từng bị bắt tù từ 3 năm trở lên; còn các quan chức của chính quyền các cấp Palestine, có lẽ cứ 10 người thì phải có tới 6 người từng… bị tù. Hôm chúng tôi tới ăn cơm tại nhà một người bạn của Đại sứ Saadi, thì 9 người bạn của đại sứ tại đây đều có thâm niên ít nhất là 6 năm tù, còn người nhiều là 15… năm. Họ kể cho chúng tôi nghe vô vàn chuyện về cuộc sống nhà tù và các cách thức tra tấn của lính Israel.
Năm 1988, Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập. Rồi sau khi Chủ tịch Y.Arafat qua đời và khi ông M. Abbas được bầu làm người thay thế thì đã mở ra thời kỳ mới cho cơ hội hòa bình giữa hai nhà nước. Năm 2005, Israel đơn phương rút khỏi 21 khu định cư của người Do Thái ở dải Gaza và 4 khu bờ Tây sông Jordan.
Nhưng lịch sử thật trớ trêu, năm 2006, Phong trào Hồi giáo Hamas giành thắng lợi bất ngờ tại cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp và thay đổi chính sách với Israel. Giữa Hamas và Fatal mâu thuẫn cực kỳ căng thẳng về quan điểm giành độc lập. Fatal muốn dùng biện pháp hòa bình, Hamas muốn đánh nhau vũ trang… Thật đúng là nước với lửa, chẳng thể dung nhau. Hamas tiến hành chiến tranh, không công nhận Nhà nước Do Thái… Và một trong những phương thức đấu tranh chủ yếu của phong trào này là bắt cóc, đánh bom tự sát theo kiểu khủng bố. Vậy là cuộc chiến tranh mới lại nổ ra và tất nhiên là Israel đã đập tan tất cả. Nhiều thủ lĩnh Hamas bị trực thăng Israel phóng tên lửa bắn chết ngay trên ôtô khi đang chạy giữa phố phường đông đúc… Và từ đó Israel đã tăng cường bảo vệ an ninh đến mức tối đa cho công dân của mình. Còn Hamas ngày càng bị cô lập bởi họ đã tự biến mình thành tổ chức có kiểu đấu tranh vũ trang “chẳng giống ai” và “bá đạo”. Lính Israel thì thích bắt người Palestine lúc nào thì bắt. Họ có mạng lưới cơ sở đặc tình nằm trong cộng đồng người Palestine rất dày đặc (bởi có gần 125 ngàn người Palestine đang làm việc cho Israel, kể cả công việc Osin), chính vì vậy, mà lính Israel có thể dễ dàng nắm được “lý lịch trích ngang” của những người chống đối và hay biểu tình, ném đá, ném bom xăng… Cũng vì Hamas mà Mỹ, cùng các nước EU và Israel cắt viện trợ, phong tỏa tài chính khiến nền kinh tế Palestine càng thêm khốn khó. Israel kiểm soát tất cả, từ tiền thu thuế, đến việc buôn bán nông sản, nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh. Bất cứ ai, dù là quan chức cấp cao của Palestine, nếu không được phép của Israel thì đừng hòng ra khỏi lãnh thổ. Ôi, nước mất không có chủ quyền nhục thế đấy.
Chúng tôi đi đến một số khu tị nạn của người Palestine và được chứng kiến cảnh sống khốn khổ của người dân. Tất cả cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ của Liên Hiệp Quốc và lòng hảo tâm của các nhà từ thiện cùng sự trợ giúp của chính quyền Palestine. Nạn thất học và thất nghiệp đang ngự trị ở những nơi này. Nền kinh tế của Palestine chủ yếu dựa vào viện trợ, thu thuế hàng hóa của Israel xuất khẩu, nông nghiệp và dịch vụ, quan trọng hơn nữa là nguồn tiền người Palestine từ nước ngoài gửi về. Tôi cũng thực sự ngạc nhiên khi được ông Đại sứ Saadi cho biết là bình quân đầu người của Palestine khoảng 1.400USD. Chả thế mà suốt một tuần ở Palestine, tôi chỉ nhìn thấy có… 2 chiếc xe máy, trong đó 1 chiếc của cảnh sát. Hầu hết nhà nào cũng có ít nhất một ôtô và các siêu thị đầy ắp các loại hàng hóa. Nhưng giá cả ở đây cũng rất… trên giời. 2USD cho một lít xăng, 1,5USD cho một chai nước trắng nửa lít; 30 đôla một kg thịt bò; 25USD cho 1kg thịt gà… Thuốc lá và rượu lại còn đắt khủng khiếp: 5USD cho một bao thuốc Manbro; 20USD cho một chai rượu vang loại “không có tên tuổi” 150ml…
Khi tôi hỏi một người quản lý khách sạn nơi chúng tôi ở rằng sao đắt thế, thì anh ta trả lời nhẹ như không: “Đó là những thứ độc hại. Việc gì phải bán rẻ. Ai thừa tiền, thích chết thì cứ mua!”.
Ô, cái lý này xem ra cũng hay đấy chứ? Cứ dùng chính sách thuế mà trị, việc quái gì mà phải như Việt Nam, suốt ngày tuyên truyền hút thuốc là độc hại, uống rượu bia có hại cho sức khỏe, trong khi các nhà máy bia rượu, thuốc lá luôn khoe sản lượng và tìm cách vận động, khuyến khích người dân hút, uống!
Từ hôm 15-5 là Ngày Quốc khánh của Israel và cũng là “Ngày Thảm họa” của Palestine, các cuộc biểu tình nổ ra liên miên. Được biết vào ngày thứ Sáu, sẽ có cuộc biểu tình phản đối Israel xây tường rào tại một làng ngoại thành Ramalah, chúng tôi bèn kéo nhau đi.
Tới nơi, mới biết cuộc biểu tình này do chính người… Israel tổ chức. Họ là những sinh viên, những người của các đảng phái đối lập với chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Những người này đóng vai trò thủ lĩnh, còn những người Palestine là theo hỗ trợ.
Trong số hàng trăm người này thì nhiều người Israel và cả những người ở các nước khác mà chưa tham gia biểu tình lần nào, chưa “hít” hơi cay, chưa dính đạn cao su của Israel thì được dự một “khóa học… siêu tốc” về cách phòng chống đạn cay, nước thối… do một anh chàng người Israel giảng dạy. Quỳnh và Duy biết tiếng Anh thì dự với vẻ chăm chú, còn tôi… mặc kệ! Sau một tiếng đồng hồ lên lớp, đoàn biểu tình lên đường đi ra biên giới. Phóng viên một số hãng thông tấn và của Palestine do có quá nhiều kinh nghiệm đối phó với đạn cay của Israel nên họ mang theo mặt nạ phòng độc, hoặc chí ít cũng có khăn mặt thấm nước.
Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hò reo của đoàn người biểu tình thật khí thế náo động cả một vùng quê yên tĩnh. Một nhóm thanh niên vớ được chiếc lốp xe tải vứt ven đường, thế là họ hăng hái vần đi. Tôi thắc mắc, họ sẽ làm gì với chiếc lốp xe này? Chả lẽ biến nó thành vũ khí?
Tới hàng rào ngăn cách, đã nhìn thấy một chiếc xe vòi rồng đỗ sẵn, còn lính Israel trang bị tận răng đứng chờ sẵn. Tôi đồ rằng “chiến sự” sẽ xảy ra khi người biểu tình xông lên giật đổ hàng rào hoặc ném đá thì lúc đó lính Israel mới ra tay, vì thế tôi lên phía trước và đứng trên một mô đất cao và “thản nhiên” chĩa ống kính máy ảnh về phía Israel. Ngoảnh lại thì chẳng thấy có tay nhà báo nào phía sau mình mà họ đang núp hết dưới những gốc cây ô liu cổ thụ cách đó đến… ba trăm mét. Thấy vậy, tôi cũng giật mình vì thấy mình trơ trọi quá.
Một tốp người biểu tình tiến đến gần sát hàng rào và hô khẩu hiệu. Bỗng thấy chiếc xe vòi rồng rú ga và nhanh như chớp, mấy người biểu tình ù té chạy và họ đã kịp thoát khỏi tầm của vòi nước phóng thẳng tới.
Chỉ thoáng chốc, không gian ngập ngụa một mùi thối không thể tả được, hệt như đang đứng giữa ruộng rau mà vừa được tưới phân tươi. Lúc này thì tôi thấy hãi vì sợ cái mùi thối khủng khiếp. Chưa kịp lùi thì lại một nhóm nữa xông lên ném đá và chiếc xe lại gầm lên… Nước lại phóng tới. Lần này, luồng nước quét qua chỗ tôi vừa đứng và tôi cảm thấy hơi “man mát” ở cánh tay. Rồi tiếp đó là tiếng súng nổ dữ dội. Từng quả đạn cay bay cầu vồng vẽ những đường khói trắng lao bổ xuống đám người, kèm theo đó là loại đạn nổ gây âm thanh chấn động khiến ù cả tai.
Một quả đạn cay bùng khói ngay trước mặt, đang đà chạy, tôi lao qua màn khói. Thế là ngay lập tức, mắt tôi rát bỏng, ngực như bị đè cả chiếc cối đá lên, tức không thở được và cả người rát như bị xát lông sâu róm… Mắt nhắm tịt, tôi lảo đảo chạy thoát ra khỏi tầm đạn cay và Duy đang ở dưới gốc ô liu vội lôi tôi vào, nhưng vẫn kịp bấm mấy kiểu ảnh. Sau khi được ông bác sĩ cho hít một thứ nước gì đó, tôi thấy nhẹ nhõm hơn và mắt đỡ rát. Đạn cay phóng đến tới tấp. Người biểu tình chạy dạt vào rừng ô liu và khi thấy hết khói đạn cay, họ lại tập hợp, xông lên… Nhưng cứ cách hàng rào khoảng trăm mét là lại bị tấn công bằng đạn cay và họ lại chạy…
Chúng tôi lên ôtô trở về khách sạn. Lúc này, tôi mới thấy “phảng phất” mùi… phân. Đúng là có bị dính nước thối, nhưng may là chỉ vài bụi nước. Nếu bị dội thẳng vào người thì không biết sự thể sẽ ra sao?
Chẳng hiểu loại nước thối này chế bằng hóa chất gì, không những thối khủng khiếp mà còn lưu mùi cực lâu, không có loại nước hoa, xà phòng nào tẩy được. Đã có cô nhà báo nước ngoài bị dính nước thối ướt cả áo. Hậu quả là không khách sạn nào dám cho cô ta ở, máy bay cũng từ chối không chở; nhà hàng không cho cô bén mảng… Cuối cùng, cô đành thuê một căn nhà, sống lặng lẽ ở đó gần một tháng cho đến khi hơi thối trên người bay hết… Người Palestine đi biểu tình, sợ bị nước thối hơn hơi cay và đạn cao su.
Trang tin Năng lượng Mới điện tử | Trang tin Năng lượng Mới điện tử (petrotimes.vn)