Sau 5 năm triển khai, công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ấy vậy nhưng để một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn được thực thi một cách xuyên suốt, đồng thuận, phát huy những giá trị văn hóa quý báu của Petrovietnam là cả một quá trình bền bỉ triển khai, liên tục thử nghiệm, đúc kết ra hàng loạt bài học quý báu.

Gian nan đi tìm cái "tôi" văn hóa

Trải qua hơn 6 thập niên hình thành và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam có bề dày lịch sử gắn liền với những đổi thay của đất nước. Chính trong quá trình xây dựng và phát triển, cốt cách và bản sắc riêng biệt của người lao động dầu khí dần được kết tinh cùng năm tháng đã tạo nên truyền thống văn hóa của những người đi tìm lửa và hình thành nên bản sắc của văn hóa dầu khí. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ khi thành lập đến trước năm 2008, việc định hình giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí vẫn chưa được rõ nét, chưa xác lập một cách hệ thống những giá trị cốt lõi của người lao động dầu khí và ban hành các văn bản triển khai có tính hệ thống tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Các giàn khoan của PV Drilling không chỉ thực hiện các chiến dịch khoan trong nước mà làm dịch vụ cho nhiều khách hàng ở khu vực và thế giới

Petrovietnam khẳng định vị thế vững vàng trong khu vực và thế giới.

Bước vào năm 2009, xác định tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN), với sự chỉ đạo, định hướng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng và sử dụng khái niệm VHDN trong toàn Tập đoàn. Tại thời điểm đó, Ban xây dựng VHDN được thành lập gồm các thành viên thuộc Ban Tuyên giáo Đảng ủy, một số ban/văn phòng Tập đoàn, đại diện các tổ chức đoàn thể Tập đoàn, tiến hành thuê đơn vị tư vấn và hầu như lệ thuộc vào tư vấn trong triển khai, hỗ trợ xây dựng VHDN. Nhưng kết quả và sản phẩm mà đơn vị tư vấn có được là những khái niệm rất chung chung về VHDN. Trong đó, những quy tắc ứng xử có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, cùng với đó các diễn đàn, tọa đàm được tổ chức để tuyên truyền, quảng bá, phổ biến, áp dụng VHDN nhưng bị sa đà về phân tính khái niệm, lấy dẫn chứng những mô hình, cách thức triển khai tại các tập đoàn lớn trên thế giới và đề ra các giải pháp áp dụng tại Tập đoàn... Việc xây dựng văn hóa Petrovietnam trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014 chỉ dừng lại ở đó.

Đến đầu năm 2015, nhận thấy cách thức triển khai, thực hiện chưa hiệu quả, Ban xây dựng VHDN Petrovietnam đã tham mưu lãnh đạo Tập đoàn tiến hành tổ chức khảo sát, đánh giá, nghiên cứu, cập nhật việc xây dựng VHDN trong toàn Tập đoàn, nhằm tìm ra bản sắc văn hóa Petrovietnam. Câu hỏi “Văn hóa dầu khí là gì?” được đặt ra tại thời điểm đó từng bước được làm sáng tỏ thì hàng loạt các biến cố xảy ra với Tập đoàn, với các vụ án, khởi tố, điều tra, xét xử đến tận cuối năm 2017. Trong Tập đoàn lúc này, công tác ổn định tư tưởng của người lao động được Đảng ủy Tập đoàn đặt lên hàng đầu, nhưng công tác xây dựng VHDN cũng vẫn luôn là vấn đề trăn trở, băn khoăn của các đồng chí lãnh đạo như những người muốn tìm được cái "tôi" văn hóa, những giá trị thực mà không có gì có thể phủ định.

Thực hiện Quy định 69-QĐ/TW ngày 13/2/2017 của Ban Bí thư, việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức (tinh giảm đầu mối) gắn với tinh giản biên chế đã được Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo triển khai. Tập đoàn đã thực hiện sắp xếp giảm từ 32 đầu mối xuống còn 16 đầu mối Ban chuyên môn/Văn phòng. Trong bối cảnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về xây dựng VHDN đồng thời xuất phát từ nhu cầu nội tại của Tập đoàn, ngày 1/10/2018, Tập đoàn đã quyết định thành lập thêm 1 ban mới (Ban Truyền thông và VHDN - TT&VHDN) trên cơ sở hợp nhất một số bộ phận chuyên môn và Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn, phân công 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy trực tiếp làm Trưởng ban. Trên cơ sở nghiên cứu tham mưu của Ban TT&VHDN, ngày 15/5/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về “Công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp” (Nghị quyết).

Đây là nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn và được xây dựng công phu, chi tiết, chặt chẽ, có tính thực tiễn cao. Sau khi Nghị quyết được ban hành công tác triển khai, quán triệt thực hiện hết sức nghiêm túc, những giải pháp mà Nghị quyết chỉ ra đã khắc phục được hầu hết những tồn tại, hạn chế trong triển khai xây dựng VHDN thời gian trước đây.

Đưa văn hóa vào đời sống doanh nghiệp

Để nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn vào cuộc sống, ngày 3/7/2019, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn ban hành kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết, trực tiếp chủ trì Hội nghị công tác TT&VHDN toàn Tập đoàn lần thứ I (vào tháng 7/2019 tại Vũng Tàu). Tiếp đó, vào dịp kỷ niệm 58 năm ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/2019), thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, trên cơ sở đề xuất của Tổng Giám đốc, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã ban hành Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam (Đề án) và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV là Trưởng Ban chỉ đạo, Tổng Giám đốc là Phó ban Thường trực với các thành viên đại diện tập thể lãnh đạo, các đoàn thể trong Tập đoàn, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trước nhiệm vụ quan trọng này.

Lễ chào cờ mừng ngày Quốc khánh 2/9 trên tàu FPSO Ruby II

Thiêng liêng và tự hào lễ thượng cờ của người dầu khí Việt Nam trên biển

Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn và các đoàn thể thuộc Tập đoàn đã ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết tiêu biểu như: Quyết định ban hành cẩm nang VHDN, tổ chức ra mắt “Sổ tay văn hóa Petrovietnam”“Lược sử ngành Dầu khí”, ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống của ngành.

Việc thực hiện đồng bộ và nghiêm túc Nghị quyết còn được thể hiện trong việc đưa nội dung, nội hàm của Nghị quyết vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III và triển khai đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện trong toàn Đảng bộ cũng như thảo luận, thông qua tại Đại hội. Triển khai sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, đại hội tại các chi bộ, sinh hoạt các đoàn thể, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã đóng góp, trao đổi thẳng thắn, làm sâu sắc hơn các nội dung của phương châm hành động, nhất là trong công tác quản trị, điều hành, lao động sản xuất, học tập, tạo nên môi trường làm việc kết nối, minh bạch, chuyên nghiệp đề cao tính tuân thủ nhưng cũng đầy sáng tạo và nghĩa tình.

Với những nỗ lực đã thực hiện, trong lần xét công nhận đầu tiên, căn cứ bộ tiêu chí của Hiệp hội Phát triển văn hóa Việt Nam xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã được tôn vinh là 1 trong số 10 "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" năm 2021; tiếp nối kết quả đạt được đã có 6 đơn vị (BSR, PVCFC, PVTrans, Khí Cà Mau, Biển Đông POC, PVPower) được công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh năm 2022 (chiếm 25% tổng số doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh cả nước).

Từ tác động của đại dịch Covid-19, đến những biến động địa chính trị, kinh tế, thị trường chưa từng có, sự xuất hiện của các xu hướng mới... biến động nhanh, khó lường, để vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển, Tập đoàn đã xây dựng giải pháp ứng phó và xây dựng văn hóa “Quản trị biến động”. Đảng ủy Tập đoàn coi đây là phương thức mới trong quản trị, quản lý, đóng vai trò trọng yếu và từng bước trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam.

Hằng năm, trên cơ sở Nghị quyết giao nhiệm vụ từ đầu năm, cuối năm gợi ý kiểm điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn về nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết đối với các cấp ủy, đơn vị, đoàn thể, người đứng đầu các đơn vị/tổ chức, kết hợp với việc Đảng ủy, UBKT Đảng ủy, Ban Chỉ đạo Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam duy trì kiểm tra/giám sát việc thực hiện Nghị quyết tại các đơn vị trong Tập đoàn đã tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống, phát huy được tính sáng tạo, kinh nghiệm của cơ sở trong triển khai và khắc phục hạn chế trong thực hiện tái tạo văn hóa Petrovietnam.

Cùng với việc triển khai Nghị quyết, Đảng ủy Tập đoàn còn thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 35, Ban Chỉ đạo xử lý khủng hoảng truyền thông, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; trong đó bổ sung các nhiệm vụ xây dựng VHDN lồng ghép vào chương trình công tác của các Ban Chỉ đạo (như: tổ chức Hội nghị đại biểu người lao động (NLĐ) để tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức ký cam kết và bổ sung chương mới trong thỏa ước lao động tập thể, tổ chức ký mới hợp đồng lao động có nội dung quy định về VHDN cho cán bộ công nhân viên (CBCNV).

Các tổ chức chính trị - xã hội trong tập đoàn đã tích cực, chủ động phối hợp trong mọi hoạt động đưa văn hóa Petrovietnam thấm sâu trong nếp nghĩ, hành động của CBCNV, NLĐ tiểu biểu như các hoạt động: chương trình “Tết xum vầy, Xuân nghĩa tình dầu khí”, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa Dầu khí;“Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu”; phát động chương trình trồng mới 3 triệu cây xanh, chương trình hiến máu nhân đạo với chủ đề “Nhiệt huyết người Dầu khí”, các hoạt động an sinh xã hội với chủ đề “Nghĩa tình người Dầu khí”; thành lập CLB Dầu khí Trường Sa, tổ chức các hoạt động chăm lo hội viên, người lao động là thương binh, thân nhân liệt sĩ; các cuộc thi ảnh, clip, các hoạt động giáo dục truyền thống thể hiện niềm tự hào, tình cảm, sự gắn bó của thế hệ trẻ với đơn vị, với Tập đoàn.

Những thành tựu khi vượt lên gian khó

Ngày 18/8/2022, sau 3 năm thực hiện Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam và 4 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã chỉ đạo đánh giá kết quả bước đầu về thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở đó ban hành Kết luận khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết và bổ sung thêm một số nhiệm vụ mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay; cùng với đó là tổ chức Hội nghị về công tác truyền thông và VHDN lần thứ II năm 2022.

Giàn xử lý trung tâm Sao Vàng do PTSC làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử

Người dầu khí luôn nỗ lực hoàn thiện, nâng cao giá trị bản thân và khát vọng vươn tầm cao mới.

Sau hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ban hành thông báo Kết luận phân công nhiệm vụ chi tiết để các ban, đơn vị, đoàn thể trong Tập đoàn triển khai thực hiện. Cũng nói thêm rằng, từ khi ban hành Nghị quyết 281 đến nay, Tập đoàn đã tổ chức 2 hội nghị toàn ngành về VHDN, trong đó yêu cầu đồng chí Bí thư/Chủ tịch, Tổng Giám đốc phải tham dự đầy đủ, nghiêm túc, không cử thành phần khác dự thay, yêu cầu người đứng đầu đơn vị trực tiếp trình bày tham luận.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, công tác xây dựng văn hóa Petrovietnam đã thay đổi tích cực và có chuyển biến rõ nét; Petrovietnam đã định hình được hệ giá trị cốt lõi, hoàn thiện cẩm nang văn hóa Dầu khí, Bộ nhận diện thương hiệu; thống nhất nhận thức từ lãnh đạo đến người lao động về vai trò quyết định của VHDN đối với chiến lược phát triển Tập đoàn và đơn vị; đã hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn hóa trong cán bộ, nhân viên, người lao động. Trong đó, điểm nổi bật là “quản trị biến động” đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, tạo nên những thành tích ấn tượng, là động lực cho tăng trưởng, là bài học kinh nghiệm, là niềm tin lan toả để Petrovietnam phát triển bền vững.

Ý thức xây dựng VHDN được nâng lên một bước, nhất là sau Hội nghị về công tác truyền thông và VHDN lần thứ II năm 2022 đã giúp các đơn vị thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai, bám sát chỉ đạo của Tập đoàn để thực hiện và đang trở thành một trong những giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn và các đơn vị. Việc thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, thông qua đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “tự soi, tự sửa”, kết hợp với Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), cùng với văn hóa phối hợp, chia sẻ trong công việc; văn hóa làm việc trên nền tảng công nghệ; văn hóa đào tạo, tự cập nhật kiến thức và công tác truyền thông kịp thời đã khẳng định chủ trương đúng đắn, xuyên suốt trong công tác xây dựng VHDN của Đảng bộ Tập đoàn, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Trần Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban TT&VHDN Tập đoàn cho biết, từ những kết quả, thành công của công tác xây dựng văn hóa Petrovietnam trong những năm qua đã khẳng định nền tảng giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” giúp phục hồi thương hiệu Petrovietnam - Tập đoàn kinh tế, năng lượng chủ lực của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển. Giá trị thương hiệu của Petrovietnam hiện tại đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng gần gấp rưỡi năm 2021, duy trì vị trí trong top thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Hình ảnh của Petrovietnam đã để lại ấn tượng tốt đẹp với dư luận xã hội và thực sự trở thành niềm tự hào của các thế hệ người lao động dầu khí.

Có thể thấy rằng, xây dựng VHDN là cả một quá trình đầy gian nan, thực hiện một công tác không hề có tiền lệ, xây dựng một giá trị vô hình và độc nhất vô nhị. Văn hóa Petrovietnam là sự tiếp nối, kế thừa qua nhiều thế hệ. Trong đó có ý chí tự cường của dân tộc, có niềm tự hào của mỗi một cán bộ công nhân viên về những giá trị cao đẹp của người Việt. Để từ đó, mỗi người tự soi, tự sửa mỗi ngày như cách mà chúng ta “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nâng cao giá trị bản thân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp và cao hơn hết là quốc gia dân tộc.

Bài học kinh nghiệm xây dựng VHDN tại Petrovietnam:

Luôn coi trọng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và người đứng đầu trong việc triển khai xây dựng VHDN; Việc triển khai xây dựng văn hóa Petrovietnam được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng ủy Tập đoàn, Hội đồng thành viên đến ban lãnh đạo và các đoàn thể chính trị xã hội; Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từ củng cố văn hóa nền tảng, hiệu quả với 7 thói quen của Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam một cách hệ thống, nghiêm túc với sự đồng thuận, quyết tâm cao từ cấp ủy, lãnh đạo đến từng CBCNV, NLĐ; Định kỳ tổ chức, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt cấp ủy, chi bộ về các chủ đề liên quan đến công tác xây dựng VHDN; Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về việc xây dựng VHDN thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, con số cụ thể, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện; Tuyên dương, khen thưởng kịp thời; Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội phát huy tốt vai trò trong việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tập thể để phổ biến các văn bản của cấp ủy, lãnh đạo về xây dựng văn hóa Petrovietnam đến toàn thể CBCNV; Quan tâm, chỉ đạo, dành nguồn lực thích đáng.

https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/c006a784-7c1c-4db2-bcd7-adacf9000af2

PV / Cổng thông tin điện tử PVN