“Nhà chùa đang làm dịch vụ tâm linh theo nhu cầu của người dân về cầu an, dâng sao giải hạn. Mà đã là dịch vụ rồi thì phải theo quy luật cung cầu, theo kinh tế thị trường, nên chắc chắn không tránh khỏi câu chuyện tốn kém”, đó là lời chia sẻ của PGS, TS Phạm Lan Oanh – Viện phó Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Thưa PGS, TS Phạm Lan Oanh, đầu năm hiện tượng làm lễ dâng sao giải hạn tại các chùa đang ngày một nhiều hơn, gây nên sự lộn xộn, thậm chí hàng nghìn người ngồi trên cả cầu vượt, chắn lối đi của người tham gia giao thông. Là nhà nghiên cứu văn hoá, bà nói gì về hiện tượng này?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lan Oanh - Viện phó Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
- Thực ra dâng sao giải hạn thuộc văn hoá truyền thống và có từ lâu đời. Tuy nhiên trường hợp ở chùa Phúc Khánh hàng năm có đến hàng nghìn người ngồi chờ dâng sao giải hạn, phải ngồi vạ vật cả trên cầu, mà báo chí đưa tin đối với tôi là rất phản cảm. Ở phương diện đời thường, lượng người quá lớn đổ về di tích, ở cửa ngõ thủ đô, trong thời điểm ngắn gây cản trở giao thông thì rất phản cảm.
Thứ hai là đối tượng cầu an, dâng sao giải hạn đầu năm rất đa dạng, vì đa dạng nên cũng phản ánh niềm tin tâm linh của người dân cũng rất lớn, nhưng là niềm tin đám đông mà họ không hiểu kỹ về việc cầu an, dâng sao giải hạn đầu năm. Họ làm theo phong trào nên gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội, đặc biệt gây khó khăn cho công tác quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhu cầu của người dân về tâm linh thì không thể nói rằng họ không được phép làm lễ dâng sao giải hạn. Chỉ có điều xã hội, ngành văn hoá, cơ quan quản lý nên định hướng để nhu cầu này trở nên đúng đắn. Còn hiện tại nhu cầu tâm linh của người dân bây giờ đang rất hỗn độn, không đúng bản chất của lễ cầu an, dâng sao giải hạn. Hay nói một cách khác là đang bị làm méo mó đi rất nhiều.
Có thể hiểu rằng, việc cầu an, dâng sao giải hạn đang bị lạm dụng, thưa bà?
- Nếu nói là mê tín dị đoan thì cũng không đúng, bởi các nhà nghiên cứu văn hoá sẽ không sử dụng từ mê tín dị đoan. Nghĩa của từ mê tín dị đoan khác với nghĩa mà mọi người đang hiểu. Tuy nhiên về phương diện quản lý xã hội, hiện tượng cầu an, dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh không chính thống, không theo quy định của tôn giáo, phật giáo. Mà đó là tín ngưỡng dân gian được tích hợp dịch vụ của phật giáo, nhà chùa.
Hay còn nói cách khác nhà chùa đang làm dịch vụ tâm linh theo nhu cầu của người dân về cầu an, dâng sao giải hạn. Mà đã là dịch vụ rồi thì phải theo quy luật cung cầu, theo kinh tế thị trường, thế nên chắc chắn không tránh khỏi câu chuyện tốn kém kinh tế. Khi đã là dịch vụ sẽ có phái sinh, bởi có nhiều người ít tiền và người nhiều tiền rất khác nhau, chắc chắn gây ra hệ luỵ không đáng có trong xã hội ở phương diện quản lý xã hội, cũng như an ninh kinh tế.
Một khoá lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh
Tuy nhiên cũng rất khó để đánh giá lợi ích kinh tế ở đây, bởi người dân có nhu cầu về tinh thần nên họ sẵn sàng chi một khoản tiền mang lại an tâm tinh thần. Nhưng họ lại không hiểu rõ về việc cầu an, dâng sao giải hạn đầu năm nên họ sẽ sẵng đi theo phong trào. Và khi đã đi theo phong trào thì bên cung cấp dịch vụ hoàn toàn được quyền đưa ra các điều kiện mà bên hưởng dịch vụ phải theo. Ví dụ nhà chùa bảo là bao tiền cho một người, một lễ cầu an dâng sao giải hạn thì người dân sẽ phải theo.
Thưa bà, ở góc nhìn là nhà nghiên cứu văn hoá, bà thấy việc dâng sao giải hạn liệu có tác dụng đến đâu, như thế nào sau khi làm xong khoá lễ dâng sao giải hạn, khiến cho nhà nhà, người người đến chùa làm lễ?
- Vì thuộc về văn hoá tinh thần nên rất khó nói. Nếu người dân tin việc dâng sao giải hạn là mang lại cho họ an tâm tinh thần thì họ sẵn sàng tham gia. Chỉ có điều tác dụng đến đâu thì người dân tự kiểm nghiệm.
Còn cá nhân tôi thì việc dâng sao giải hạn này thuộc về tín ngưỡng dân gian thì nên trả về cho dân gian. Trong dân gian có hệ thống thầy cúng, họ sẽ là người làm việc đó phù hợp hơn là nhà chùa. Bởi trong phật giáo chính thống không có nghi lễ dâng sao giải hạn. Cầu an thì có trong chùa, và cầu an ở nhà chùa là cầu cả năm.
Dâng sao giải hạn nên làm tại gia đình và cũng không nhất thiết là làm lễ ở tháng giêng, mà còn có thể làm vào Tết thanh minh.
Và theo tôi thì thay vì làm dịch vụ tâm linh tại chùa, các gia đình nên làm tại nhà, trước bàn thờ tổ tiên. Tổ tiên sẽ hỗ trợ con cháu, mang lại bình yên, hạnh phúc cho con cháu mình. Đó là tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc thì mình hãy đưa về đúng bản chất của nghi lễ cầu an này. Còn dâng sao giải hạn là nhuốm màu Đạo giáo, đó là việc của các thầy cúng. Theo kinh nghiệm dân gian, có người nói là năm nay sao nặng sao Kế Đô, Thái Bạch, thì họ mời thầy cúng về nhà làm lễ.
Việc làm tại nhà ngoài việc là tín ngưỡng truyền thống còn mang ý nghĩa tạo sự đoàn kết, tin cậy trong gia đình tốt hơn là sử dụng dịch vụ tâm linh tại chùa. Bởi với cách làm như hiện nay tại chùa, một lễ cầu an, dâng sao giải hạn có tới hàng nghìn người như vậy, hàng nghìn lá sớ chắc chắn sẽ không tuyên hết được và sẽ bị nhầm lẫn.
Theo bà, lý do nào để các chùa vẫn làm những dịch vụ cầu an, dâng sao giải hạn trong khi đó không phải là chức năng của nhà chùa?
- Như tôi đã nói ở trên, trong Phật giáo có việc cầu an. Cầu cho quốc thái dân an, gia đình bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên làm lễ dâng sao giải hạn thuộc về tín ngưỡng dân gian. Nhưng vì sao nhà chùa vẫn có dịch vụ này, bởi đó là nhu cầu người dân. Một phần cũng phải nhìn thẳng sự thật đó cũng là vì lợi ích kinh tế. Bạn thử tưởng tượng, 1 người/100.000 đồng cho 1 lễ cầu an. 1 người/100.000 đồng cho một lễ dâng sao giải hạn. Trong một gia đình có ít nhất 4 người, thậm chí nhiều gia đình có tới 3 thế hệ, con số riêng một gia đình sẽ khoảng 15 người. Đó mới chỉ là một gia đình. Nhìn như vậy để thấy số tiền cho một lễ cầu an, dâng sao giải hạn là mức nào.
Xin cám ơn PGS, TS Phạm Lan Oanh!
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Quán Sứ- Phó Chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong Phật giáo chỉ có lễ cầu bình an, cầu cho quốc thái dân an, cầu gia đình hạnh phúc…. là điều tốt và đúng trong đạo Phật bởi qua lễ cầu đó mục đích là để người đến lễ để nhớ lại những điều Phật dạy.
Còn việc lễ dâng sao giải hạn là do các tục lệ thời xưa từ Trung Quốc, khi họ tính tuổi ra các sao hạn sao nhẹ để rồi mới có những lễ này. Nhiều người theo các cách tính sao đó đến chùa nhờ các thầy trong chùa làm sớ để giải hạn.
Việc cúng dâng sao giải hạn vào mỗi tháng chỉ nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo Nhân – Quả cho mình mà buổi lễ mỗi tháng như một dịp nhắc nhở mà thôi. Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may.
Theo Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, nhiều nơi, người dân đến dâng sao giải hạn còn dùng cả hình nhân thế mạng, khi hóa gây ô nhiễm và lãng phí. Nếu làm như vậy mà tránh được thì ai cứ có tiền để mua những thứ đó mà đốt sẽ tránh được hết mà không cần phải tích đức hay sao?
Sợ sao xấu, biển người tràn ra đường giải hạn ở chùa Phúc Khánh Tối nay, hàng nghìn người ngồi tràn ra đường Tây Sơn (Hà Nội) giải hạn sao La Hầu tại chùa Phúc Khánh. |
Trái với pháp lý của Đức Phật, cớ sao các chùa vẫn tổ chức cúng sao giải hạn? Việc cúng sao, giải hạn hoàn toàn không có trong giáo lý của Đạo Phật, thế nhưng hiện nay, tại nhiều chùa vẫn tổ chức ... |
Tiền đạo Malaysia muốn giải hạn bằng cách ghi bàn vào lưới Việt Nam Shahrel Fikri, quân bài dự bị chiến lược của HLV Tan Cheng Hoe hy vọng có thể chọc thủng lưới đội tuyển Việt Nam, qua ... |
Dự đoán kết quả ĐT Việt Nam - ĐT Philippines: “Giải hạn” ở Mỹ Đình Dự đoán kết quả bán kết lượt về bảng A, AFF Cup 2018 giữa ĐT Việt Nam và ĐT Philippines. |