“Tâm lý sợ sai, sợ gánh trách nhiệm, không dám làm chính là nguyên nhân khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công”, PGS.TS Vũ Minh Khương cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn dài với VTC News, PGS.TS Vũ Minh Khương đề cập đến nhiều vấn đề đang là thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Ông cũng nhắc đến khái niệm “bàn tay vô hình” như một giải pháp gỡ rối cho bài toán “chậm giải ngân vốn đầu tư công”.

- Thưa PGS.TS Vũ Minh Khương, năm 2019, chậm giải ngân vốn đầu tư công nổi lên như một bài toán khiến Chính phủ đau đầu. Ở góc độ kinh tế, ông có những phân tích như thế nào về vấn đề này?

Trước đây, để phát triển kinh tế, phần lớn chúng ta thường áp dụng phương pháp đầu tiên là hối thúc thị trường. Chúng ta vẫn hay nghĩ chỉ cần thúc đẩy thị trường là có thể giải quyết được tất cả.

Thế nhưng trong tình hình kinh tế hiện nay, không còn đơn giản chỉ cần hối thúc thị trường là được mà phải có “bàn tay vô hình” thứ hai bên trong thể chế của mình. Khi nói đến “bàn tay vô hình” nghĩa là nói đến 3 vấn đề: lợi ích, niềm tin, yểm trợ. Người ta làm việc, thứ nhất phải có lợi ích, thứ hai phải có niềm tin, thứ ba là được yểm trợ để có được sự dễ dàng.

 PGS.TS Vũ Minh Khương đề cập đến khái niệm 'bàn tay vô hình' như một giải pháp cho vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công.

“Bàn tay vô hình” này trong thể chế của mình hiện nay yếu, nếu có sự can thiệp, đụng chạm của cán bộ động vào thì “bàn tay vô hình” lại càng bị giữ lại. Làm sao để cán bộ công chức có được lợi ích? Vấn đề lợi ích ở đây cũng cần hiểu theo nghĩa tích cực. Ví dụ trước đây dự án họ kiếm được nhiều, thấy hay thì làm liều nhưng bây giờ cơ hội này đã bị ngăn chặn. Và việc ngăn chặn là đúng. Vậy thì cần phải làm gì để phát huy tinh thần, động lực làm việc? Đó chính là “bàn tay vô hình”. Nếu có được điều này thì mới có thể nhìn thấy tương lai đến năm 2045, cơ chế dành cho cán bộ được nâng niu một chút. Điều đó giúp cho ta thấy có niềm tin nhất định vào sự phát triển này nhưng lợi ích thì chưa thấy rõ.

 

 

 
“Bàn tay vô hình” trong hệ thống thể chế làm cho người được giao nhiệm vụ thấy phấn khích, không còn tình trạng trên nóng dưới lạnh mà thực sự họ cũng nóng, giống như người nông dân VN “được giải phóng” những năm 86.

PGS.TS Vũ Minh Khương

 

- Như vậy theo ông, làm việc hay cống hiến luôn cần đi đôi với lợi ích?

Đúng như thế. Bạn nghĩ mà xem, trong cơ chế hiện nay, làm hết lòng chưa chắc đã được ghi nhận mà có khi lại dễ đi tù. Việc yểm trợ gặp khó vì hệ thống chính sách ràng buộc dày đặc.

Vấn đề đầu tư công chậm mà Thủ tướng mới cảnh báo cho thấy tính cấp thiết cần phải đưa ra sự răn đe. Nhưng tình trạng này vẫn đang diễn biến rắc rối, phức tạp trong khi giải pháp của mình vẫn là “đập muỗi”.

Trong khi căn nguyên và giải pháp phải là làm cho môi trường đầu tư sạch sẽ đi. Lẽ ra những điều  này phải có chuyên gia đánh giá, nhìn nhận lại toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Tại sao các nước khác lại làm được dễ dàng mà nước mình lại không làm được? Cần phải đặt ra những câu hỏi nền tảng hơn chứ không chỉ giải quyết những việc trước mắt.

Giải quyết việc trước mắt là việc cấp thiết nhưng để xây dựng một quốc gia phồn vinh chắc chắn phải đạt được những nền tảng của một đất nước hiện đại. Cần nhân dịp này để giải bài toán căn bản.

- Nhưng “Bàn tay vô hình” có dễ bị biến tướng, bị bóp méo thành một dạng tham những khác không thưa ông?

Nếu minh bạch hóa tất cả mọi thứ, chúng ta sẽ loại trừ được nguy cơ đó. Bạn không tưởng tượng được sức mạnh của việc minh bạch hóa mạnh mẽ đến mức nào đâu!

Ví dụ, với một dự án đầu tư công, anh làm tốt và không có bất kỳ một khuyết tật gì về tham nhũng, được mấy % thưởng ở đó? Dự án đúng thời hạn được thưởng, như thế là có lợi ích rõ ràng mà rành mạch. Còn một khi anh đã dính dáng đến tham nhũng thì nhìn thấy ngay, trộm cắp đến đâu là nhìn thấy đến đó. Khi kiểm toán vào là nhìn thấy ngay.

Nếu kiểm tra thấy dự án sạch sẽ, 5% thưởng là hoàn toàn xứng đáng, chứ để ngâm nga làm gì.

“Bàn tay vô hình” trong hệ thống thể chế phải được đặt dưới ánh sáng mặt trời, minh bạch.

 "Thị trường, thể chế, con người, văn hóa" là bốn trụ cột phát triển được chuyên gia kinh tế nhắc đến.

- Dựa trên các đánh giá của ông, Việt Nam đủ tiềm lực để thực hiện được điều này?

Hiện giờ, cách phát triển thường thấy gồm 4 trụ cột: Thị trường, thể chế, con người, văn hóa. Con người có năng lực nhưng văn hóa chưa chắc đã cao vì vẫn còn tình trạng chà đạp lên nhau, ghen tị… Muốn phát triển, mọi thứ cần song hành với nhau chứ không chỉ hô hào riêng.

Thực ra bánh xe thể chế của chúng ta hiện nay bé quá không đi được. Ngày xưa mình làm thị trường tốt vì lúc đó thể chế của mình tương đối tốt. Khi thị trường đang quá què quặt thì chỉ cần cú hích là thị trường tốt lên. Hay ngày xưa năng lực của mình còn kém, văn hóa lớn hơn nhiều nên chỉ cần đầu tư nguồn lực con người là đã thấy nền kinh tế khởi sắc, hiệu quả rõ rệt.

Bây giờ người ta cứ nghĩ còi cọc cái này thì chỉ cần thúc đẩy cái kia là được. Thực ra không phải, cái này người ta gọi là cạm bẫy năng lực.

Cả 4 trụ cột như nói ở trên cần phải song hành đi lên. Và cái có tính chất dẫn đường lại là thể chế và văn hóa.

Con người có thể học ít, năng lực chưa đủ, tiếng Anh chưa giỏi nhưng có niềm tin gốc rễ sẽ đi được rất xa. Còn bây giờ người có giỏi đến mấy mà bạc nhược thì cũng sẽ thất bại. Tiếng Anh có giỏi đến mấy mà cá độ bóng đá thì coi như hỏng. Thiếu thể chể, thiếu văn hóa, thiếu phẩm chất, dân tộc sẽ rất nguy hiểm. Cho nên đề cao những yếu tố đó là rất coi trọng.

Ở Việt Nam hiện nay, thị trường phát triển rồi, năng lực con người phát triển rồi nhưng hai cái kia lại không chú trọng đồng bộ, nghĩa là cứ thúc đẩy, bứt phá tiếp thì rất khó…

- Lại nói đến việc vốn đầu tư công giải ngân chậm, ông có nghĩ đây là hệ quả tâm lý sau thời kỳ công tác xử lý tham nhũng được làm nghiêm, làm mạnh?

Tôi cho rằng điều này không chỉ là vướng cơ chế, sợ bị tội, sợ gánh trách nhiệm mà còn là vấn đề khi lợi ích không còn thì rất khó để thúc đẩy.

Ngày xưa đi bộ đội, chúng tôi phải gặt lúa cho nông dân. Mình làm sao gặt giỏi bằng nông dân nhưng vấn đề là họ không chịu gặt nên mình phải gặt để làm gương. Thôi thúc một lúc thì nông dân lại ồ xuống gặt hết.

- Đó là vấn đề tư tưởng, làm công tác tư tưởng phải tốt?

Đó là động lực thì đúng hơn, động lực lợi ích. Lương bổng của chúng ta hiện nay quá thấp kém, nhưng thực ra ai cũng rất giàu, giàu bằng nhiều cách khác nhau. Vậy thì tại sao chúng ta không minh bạch hóa tất cả ra.

Anh làm dự án, không hoen ố, tì vết, không tham những mà đường sá, cao tốc chất lượng cứ đẹp như Hàn Quốc thì cho lời 5-10% lợi ích có mất gì đâu, chỉ bằng lãi suất ngân hàng bị chậm 1-2 năm.

"Phải có cơ chế mới thúc đẩy phát triển được", theo chuyên gia kinh tế Vũ Minh Khương.

Họ chia vào lương gấp 3-4 lần cũng thấy xứng đáng. Nghĩa là phải có thành quả và dựa trên thành quả đó, phải có cơ chế mới thúc đẩy phát triển được, nghĩa là phải có lợi ích và là lợi ích trong sáng, đàng hoàng.

Vai trò của bàn tay vô hình là như thế, rất quan trọng!

Anh làm dự án đầu tư bao nhiêu công sức, tư nhân thưởng cao thế mà nhà nước không có đồng nào thì làm sao để người ta có động lực để làm. Dự án khổng lồ, trách nhiệm lớn.

Cũng có thanh – kiểm tra, nếu có tình huống thì phải cho cơ chế để xử lý tình huống, vướng ở đâu tháo gỡ ngay ở đó.

Chúng ta cần phân rạch ròi ra, dự án đáp ứng thời hạn 5% hay 10% hay hoàn thành xuất sắc công trình thì được thưởng bao nhiêu %. Cần minh bạch những thứ đó. Đó cũng là cách gián tiếp để giúp cán bộ đạt được các nhu cầu cuộc sống. Họ có thể mua nhà mua xe từ chính công việc và những khoản tiền thưởng minh bạch.

- Xin cám ơn ông!

Một số sai lầm khi "yêu" gây nguy hiểm cho sức khỏe
Chủ tịch QH: Đà Nẵng cần bỏ tâm lý e dè, sợ sai
Bị chê sơ sài, Như Ý Truyện chi 8 tỷ cho đạo cụ chỉ xuất hiện vài phút

/ vtc.vn