Một nền giáo dục đúng hướng vừa phải coi trọng chất lượng ở các trường, vừa phải coi trọng giáo dục công dân mang tính xã hội.
LTS: Khi bàn về giáo dục, nguyên Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Văn Hưởng nhận xét: Giáo dục vốn là đề tài được bàn đến nhiều năm nay nhưng dường như vẫn chưa tìm được lối ra. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo cải cách lĩnh vực giáo dục, trên thực tế, càng cải cách, càng phát sinh những rối rắm, phức tạp và tiêu cực, khiến xã hội bức xúc. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Văn Hưởng- một đề xuất định hướng đổi mới giáo dục. Mời quý vị tham khảo và tranh luận thêm.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng |
Chưa bắt kịp yêu cầu của cuộc sống
Với những bất cập của các cấp học từ mẫu giáo tới đại học và sau đại học trên các phương tiện truyền thông đã phản ảnh, phải thừa nhận một thực tế dân trí của nước ta chưa bắt kịp được yêu cầu của thời đại mới.
Chúng ta có một lực lượng lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, nhưng đa số có trình độ tay nghề thấp kém, chỉ đủ trình độ gia công cho nước ngoài, thậm chí nếu có đi xuất khẩu cũng chỉ làm những công việc chân tay đơn giản.
Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp nghiên cứu và soạn thảo, năng suất lao động 9 nhóm ngành Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong khu vực Đông Bắc Á và ASEAN, đặc biệt các ngành “công nghiệp chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “vận tải, kho bãi, truyền thông”.[1]
Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp khó tìm được việc làm vì yếu kém kiến thức, kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng giao tiếp xã hội. Nhiều người thất nghiệp, phải kiếm sống bằng nghề tay trái. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ toàn cầu, dân trí thấp là một rào cản lớn cho sự phát triển của Việt Nam.
Trong nền kinh tế thị trường phát triển sôi động, xã hội thông tin ngày càng kết nối, hội nhập sâu rộng với thế giới, người dân càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một bộ phận không nhỏ người dân vì nhận thức kém nên dễ bị cám dỗ, lừa gạt, cụ thể là những trường hợp phụ nữ bị lừa bán đi nước ngoài, bị lừa đi xuất khẩu lao động theo những con đường không chính thống và nguy hiểm, gây thiệt hại cả về tiền bạc lẫn sức khỏe, tính mạng.
Sứ mệnh của nền giáo dục quốc gia là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của đất nước và góp phần gìn giữ, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: VietNamNet
Sự hiểu biết và thực thi luật pháp của công dân cũng rất đáng báo động. Tình trạng gian dối, lừa đảo trong kinh doanh, doanh nghiệp xả thải ảnh hưởng môi trường, hay thái độ liều lĩnh, vô trách nhiệm khi tham gia giao thông… hiện ở mức đáng báo động và rất khó kiểm soát.
Vẫn còn nhiều tồn tại nữa không thể kể hết. Chừng ấy cũng đủ để chúng ta suy ngẫm về sự tụt hậu tri thức, sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức xã hội cùng các hệ lụy khác. Có nhiều cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau về nguyên nhân của những tồn tại tiêu cực đó, nhưng vấn đề giáo dục, đào tạo là một trong những tác nhân chính.
Giáo dục được hiểu là sự tác động có chủ đích của nhà nước thông qua các cơ sở giáo dục, các tổ chức xã hội để truyền cho các thành viên trong xã hội những kiến thức cơ bản, phẩm chất đạo đức và sức sáng tạo. Như vậy, sứ mệnh của nền giáo dục quốc gia là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của đất nước và góp phần gìn giữ, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối tượng của giáo dục bao gồm tất cả mọi người cùng sống trong quốc gia, từ trẻ em cho đến người cao tuổi. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận gần đây về giáo dục Việt Nam chủ yếu tập trung vào giáo dục trong nhà trường, hướng vào lớp người trẻ nhưng thực tế, để phát triển dân trí quốc gia một cách toàn diện, cần chú ý tới giáo dục mang tính xã hội – dành cho tất cả mọi người.
Cần dạy học sinh tự học, tự khám phá
Một nền giáo dục đúng hướng vừa phải coi trọng chất lượng ở các trường, vừa phải coi trọng giáo dục công dân mang tính xã hội.
Giáo dục trong nhà trường ở nước ta hiện nay phân làm hai cấp độ: (i) giáo dục lớp trẻ: từ bậc mầm non cho tới hết phổ thông trung học, (ii) giáo dục đại học, sau đại học và dạy nghề.
Đối với lớp trẻ, giáo dục cần hướng vào ba mục tiêu. Thứ nhất, giáo dục cội nguồn, bản sắc dân tộc. Thứ hai, giáo dục để học sinh nắm và hiểu được kiến thức cơ bản. Ba là, góp phần nâng cao thể chất của người Việt Nam. Như vậy, vấn đề gốc rễ không chỉ nằm ở việc cải cách nội dung sách giáo khoa hay những bộ đề thi tốt nghiệp, mà phải xuất phát từ những mục tiêu phát triển con người hướng đến.
Một công dân trẻ được giáo dục toàn diện không có nghĩa là phải khá giỏi tất cả các môn học, hay ít nhất là các môn chính, môn thi tốt nghiệp, như nhiều trường học và các vị phụ huynh thường nghĩ. Thay vào đó, giáo dục lớp trẻ trong nhà trường và gia đình cần hướng vào nhiều tiêu chí khác nhau.
Học sinh biết tự học, tự khám phá. Tiêu chí này đòi hỏi phương pháp giáo dục mang tính chất khơi gợi, tạo cảm hứng để trẻ chủ động tìm hiểu, khám phá các chủ đề tự nhiên – xã hội và môi trường xung quanh mình.
Nên khuyến khích các em tự tìm tòi những vấn đề bản thân hứng thú học hỏi qua nhiều nguồn khác nhau, không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa hay bài giảng của thầy cô, mà cần mở rộng sang các loại sách báo, tư liệu khác và mạng Internet, cũng như tham gia các câu lạc bộ, các hội nhóm hoạt động ngoại khóa có liên quan, nhất là các em ở cấp trung học.
Tự học một cách đam mê không chỉ là cách học hiệu quả nhất, mà còn tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời. Hiện nay, cách tiếp cận này mới chỉ được áp dụng tại một số ít trường tư thục, trường quốc tế tại các đô thị lớn. Nó chưa được áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục công lập nói chung.
Rèn thể chất và lòng bao dung
Nhà trường là cơ sở góp phần rèn luyện cho học sinh có sức khỏe tốt. Thông qua nhiều hoạt động của mình, nhà trường cần hướng dẫn lớp trẻ theo đuổi lối sống lành mạnh từ chế độ dinh dưỡng hợp lý đến việc luyện tập thể lực, phát triển thể chất.
Thể dục, thể thao không nên được nhìn nhận là môn học bắt buộc với một giáo trình định sẵn cùng các chế độ chấm điểm và thi cử như những môn khác, mà cần được tổ chức theo sở thích, năng khiếu, nhu cầu, lựa chọn riêng của các cháu, với mục tiêu tối hậu giúp hình thành thái độ coi trọng sức khỏe và thói quen luyện tập.
Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo và rèn luyện thể lực cũng cần đặt mục tiêu hướng dẫn trẻ các kỹ năng sinh tồn thiết yếu để đối phó với thiên tai, thảm họa, và các rủi ro, tai nạn trong đời sống hàng ngày.
Học sinh các cấp học cần có nhiều hơn những cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm và tìm hiểu thiên nhiên, cũng như tham gia các hoạt động ngoài trời. Đi dạo qua nhiều trường mầm non ở Việt Nam hiện nay, có chung một cảnh tượng dễ nhận thấy đó là trường tư thì chật hẹp, không có sân chơi; trường công thì sân rộng nhưng vắng bóng trẻ. Trẻ dành phần lớn thời gian để ngồi học trong lớp, mặc dù đối với trẻ mầm non, vui chơi và hoạt động thể chất là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, một số trường tư thục, trường quốc tế hiện nay đã chú trọng các hoạt động thể chất dành cho học sinh; trên mạng xã hội thậm chí còn có những nhóm phụ huynh tự đứng ra tổ chức các sự kiện dã ngoại, thể thao, vui chơi ngoài trời cho trẻ nhỏ.
Học sinh trở thành người tự tin, tự trọng, có phẩm cách. Môi trường và phương pháp giáo dục phải đủ “mở” để người học tự do thể hiện quan điểm và sáng tạo theo cách riêng của mình. Cá tính và năng lực của mỗi người cần được nhà trường, giáo viên và bạn bè tôn trọng. Chúng ta không nên đem ra so sánh hoặc bình phẩm với người khác.
Ở nhiều nước trên thế giới, điểm số của học sinh được coi là bí mật đời tư và cần được giữ kín. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà trường không coi trọng việc quản lý, đánh giá năng lực của học sinh. Giáo viên và phụ huynh hoàn toàn có thể hẹn gặp định kỳ hoặc khi có vấn đề nảy sinh, trao đổi riêng tư về việc học cũng như về tâm lý, tính cách, sinh hoạt của trẻ tại trường, để gia đình và nhà trường hiểu nhau và cùng đưa ra những giải pháp tốt nhất.
Trong khi đó, ở nước ta, không ít trường học hiện nay vẫn duy trì việc phê bình, kiểm điểm học sinh vi phạm nội quy trước toàn lớp, toàn trường. Điểm thi của từng học sinh cũng được công khai ở trường hoặc thậm chí đăng cả trên mạng Internet. Điều đó có thể khiến trẻ phát sinh tâm lý tự ti, nhút nhát, tiêu cực, hoặc thái độ ganh đua, so bì.
Đã có những trường hợp học sinh bị giáo viên, bố mẹ chỉ trích, bạn bè chê cười vì điểm thấp, dẫn đến bỏ học, trầm cảm, thậm chí tự tử. Việc tạo điều kiện để mỗi người học tập và phát triển theo tốc độ và sở trường riêng của bản thân, với những tư vấn, góp ý tế nhị từ thầy cô giáo khi trẻ gặp khó khăn trong học tập hoặc mắc lỗi, sẽ giúp trẻ tự tin, tôn trọng và biết yêu quý bản thân. Trẻ cũng sẽ biết bao dung với những khuyết điểm, sai lầm của chính mình và có một năng lượng, thái độ tích cực để khắc phục những khuyết điểm đó.
Đồng thời, một thái độ sống như vậy cũng sẽ giúp hình thành nên phong cách ứng xử dựa trên tình yêu thương và sự tôn trọng giữa thầy cô, phụ huynh và học trò, cũng như giữa bạn học với nhau.
Đón đọc kỳ 2: Nhiều người nghĩ phải học đại học mới có tiền và địa vị
Nguyễn Văn Hưởng
Chú thích:
[1] Mai Hân (2018). “NăngsuấtlaođộngViệt Nam trongnhómthấpnhấtĐông Nam Á và ASEAN”. NhịpCầuĐầuTư. https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/nang-suat-lao-dong-viet-nam-trong-nhom-thap-nhat-dong-bac-a-va-asean-3323965/, truycậpngày 22 tháng 10 năm 2018.
"Niềm tin của xã hội với giáo dục đang giảm mạnh" Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, phiếu tín nhiệm thấp của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phản ánh khách quan niềm tin của Quốc hội và ... |
Tín nhiệm thấp của ông Nhạ không quá nửa nên từ chức là không nên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất (137 phiếu) theo như kết quả ... |
Thấy gì khi giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 53 trên thế giới? Chuyên gia giáo dục phân tích một số đặc điểm khi giáo dục đại học Việt Nam xếp hạng 53 trên thế giới. |