Câu hỏi đặt ra sau vụ tai nạn đáng tiếc hôm 18.3 giữa xe cứu hỏa và xe khách khiến một chiến sĩ CS phòng cháy chữa cháy tử vong đó là: Cần có bài học gì rút ra để giảm thiểu tối đa những va chạm giữa xe ưu tiên với các phương tiện khác? Làm gì để xe ưu tiên phát huy hết hiệu quả mà không có dấu diệu lạm quyền và những điều luật nào cần thay đổi để theo kịp thực tiễn đời sống.
Vụ xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Có chuyện lạm quyền?
Vụ việc xảy ra hôm 18.3 diễn ra trong quá trình xe cứu hỏa trên đường làm nhiệm vụ chạy ngược chiều trên đường cao tốc. Cho đến thời điểm này vẫn còn tranh luận về đúng sai trong trường hợp khẩn cấp, xe cứu hộ có được phép đi ngược chiều vào đường cao tốc?
Một khảo sát nhỏ trên Lao Động về chuyện “đúng sai” trên laodong.vn thì trên 70% bạn đọc cho rằng xe cứu hỏa sai. Tất nhiên đây chỉ là chỉ số để tham khảo, còn trả lời Lao Động, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: “Vụ va chạm giữa xe cứu hỏa và xe khách là lỗi hỗn hợp của hai bên, cần phải đánh giá nhiều khía cạnh, góc độ. Ngoài ra, cần thiết phải bổ sung trường hợp xe ưu tiên được đi ngược chiều vào cao tốc trong Luật Giao thông Đường bộ 2008. Cụ thể, lỗi xe cứu hỏa: Dù là xe ưu tiên số 1 khi đi làm nhiệm vụ, phương tiện này cũng phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện đang lưu thông trên đường. Xe cứu hỏa chủ động đi từ đường nhỏ vào đường ngược chiều trên cao tốc, không quan sát kỹ tình trạng các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường, cho xe chuyển hướng vào đường cao tốc với tốc độ cao, chuyển hướng vuông góc đường làm phương tiện ngược chiều khó phán đoán hướng đi, vi phạm Điều 4, Điều 15 Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB). Bên cạnh đó còn vi phạm Khoản 2 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn xe cơ giới, xe máy chuyên dụng dùng tham gia giao thông đường bộ. Trong khi, lỗi của xe khách: Nếu có căn cứ xác định, xe khách đi trên cao tốc không chủ động giảm tốc độ khi đến ngã ba và đi trên đường cao tốc trong tình trạng trời mưa, trơn trượt, có dấu hiệu vi phạm Điều 12 GTĐB. Đồng thời phương tiện này vi phạm Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT khi đến đường giao nhau không giảm tốc độ, hoặc dừng lại 1 cách an toàn, không nhường đường cho xe ưu tiên.
Một số chuyên gia giao thông nhận định, cần xem xét thận trọng việc áp dụng quy định pháp luật trong trường hợp này. Nếu xe cứu hỏa phải đi ngược chiều thì cần đi vào làn khẩn cấp của cao tốc, không nên đi vào làn đường phương tiện đang lưu thông, bởi phương tiện đang chạy tốc độ cao, phải chuyển làn hoặc phanh gấp là hết sức nguy hiểm. Trong trường hợp cụ thể này, xe cứu hỏa cần có sự phối hợp của cảnh sát giao thông (CSGT) chặn đường từ các giao lộ.
Nghĩa là xe cứa hỏa (lúc này là làm nhiệm vụ cứu hộ) cũng có dấu hiệu lạm quyền. Ngay hồi đầu năm 2018, câu chuyện xe cứu hỏa tông vào 3 xe ôtô và lật nhào tại ngã 3 Long Sơn (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng gây nhiều tranh cãi. Cụ thể là 3 chiếc xe con dừng đỗ đèn đỏ tại một điểm có 5 làn đường, phía trước là trạm thu phí Long Sơn. Chiếc xe cứu hỏa tràn tới tông vào đít xe rồi lật nhào. Vấn đề là xe đang dừng đèn đỏ, đường có ít nhất 2 làn trống, tại sao xe cứu hỏa lại chọn giải pháp tông trực diện vào xe đang dừng đỗ? Cho đến bây giờ thì chưa xác định được lỗi, còn 3 xe bị tông vẫn bị giam, không đền bù.
Hai câu chuyện có điểm chung: Phải chăng xe ưu tiên (ở đây là xe cứu hỏa, cứu hộ, cứu thương, xe cảnh sát làm nhiệm vụ dẫn đường) có quyền lực tuyệt đối?
Trên thực tế, việc lạm dũng quyền lực xe ưu tiên cũng thường xuyên diễn ra. Năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã phải ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tín hiệu của xe ưu tiên. Lý do, việc lạm dụng sử dụng tín hiệu của xe ưu tiên (đèn, còi, cờ) trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến, xe không đi làm nhiệm vụ khẩn cấp cũng tùy tiện sử dụng, phát tín hiệu của xe ưu tiên.
Xa hơn nữa là câu chuyện lãnh đạo “tận dụng” xe cứu thương để đi học, đi đám cưới hú còi inh ỏi. Và không ít trường hợp xe cứu thương dù không ở trong tình trạng khẩn cấp cũng hú còi inh ỏi để lấy đường, đi cho nhanh.
Phải sửa luật và sửa đường
Sau vụ va chạm giữa xe cứu hỏa và xe khách, luật sư Anh Thơm đặt vấn đề: “Phải bổ sung trường hợp xe ưu tiên được đi ngược chiều vào cao tốc trong Luật Giao thông Đường bộ 2008”. Nghĩa là Luật Giao thông Đường bộ 2008 không có khái niệm “xe ưu tiên đi ngược chiều cao tốc”. Hay nói một cách khác là luật đã không theo kịp sự phát triển của cuộc sống.
Luật quy định, các xe được quyền ưu tiên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Khái niệm “các đường khác có thể đi được” có thể hiểu theo nhiều cách nhưng cách hiểu đơn giản nhất là “có thể đi mọi đường đủ an toàn để lái xe vào”, thậm chí là cao tốc nếu “có thể đi”. Vấn đề là khi nào “có thể đi” lại là chuyện khác: Nó phải là đường đã được cơ quan CSGT đóng đường, hoặc các phương tiện đã dừng chờ. Không thỏa mãn điều kiện đó, nghĩa là đường “không thể đi” mà trường hợp cao tốc ngày 18.3 chính là ví dụ cho trường hợp “không thể đi”.
Theo các chuyên gia giao thông tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế đường cao tốc, đều có quy định dành làn đường khẩn cấp cho xe gặp sự cố, xe cứu hộ, xe cứu hỏa, xe CSGT (nói ngắn gọn là xe ưu tiên).
Thế nhưng các đường cao tốc ở Việt Nam lại ít quan tâm đến việc này, hoặc hầu như không có cảnh báo về làn xe khẩn cấp dành cho xe ưu tiên.
Phải tác động mạnh hơn ý thức người tham gia giao thông
Một câu hỏi khác đặt ra: Vì sao xe ưu tiên phải chạy người chiều, đặc biệt là ngược chiều cao tốc? Căn nguyên của việc này đến từ hai phía: Thiết kế đường cao tốc không thuận tiện (ví dụ như đi đường vòng quá mất thời gian) nhưng quan trọng hơn là ý thức người dân không cao, khiến cho việc di chuyển trên đường của xe ưu tiên (xe cứu hỏa, xe cứu thương, cứu hộ, cứu nạn) rất khó khăn. Thậm chí việc cố tình “cản mũi” xe ưu tiên là phổ biến.
Điển hình là cuối năm 2017, hình ảnh chiếc xe chữa cháy đi theo sau hú còi xin đường một quãng dài từ đầu Cầu diễn đến tận ngã tư Nguyễn Cơ Thạch - Cầu Diễn mới được những xe ôtô phía trước chậm chạp nhường đường dù lưu lượng người khá thưa đã khiến nhiều người xem bức xúc. Hay trước đó, một clip trên diễn đàn otofun ghi lại cảnh một chiếc xe tải cố tình không chịu nhường đường cho xe cấp cứu suốt 10km, lái xe cứu thương cho biết, trên đường vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, dù anh đã phát tín hiệu xin vượt suốt quãng đường dài gần 10km, nhưng tài xế này vẫn không chịu nhường đường. Hoặc một trường hợp khác, vào tháng 8.2017, một chiếc ôtô con đã không chịu nhường đường trên đường Hồ Chí Minh dù xe cứu hỏa hú còi inh ỏi…
Đã có những tài xế bị phạt, như trường hợp lái xe Nguyễn Thành Trung ở Gia Lai bị phạt 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng về hành vi không nhường đường cho xe đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ hồi tháng 1.2018. Nhưng điều này chưa góp phần thay đổi ý thức người tham gia giao thông.
Việc nhường đường cho xe ưu tiên (cứu hỏa, cấp cứu, công an…) phải là một thói quen, một ý thức hằng ngày. Để thay đổi văn hóa giao thông, hạn chế các hành vi vi phạm luật giao thông, cần phải huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi tổ chức, đơn vị, trường học… nhưng trước hết, mỗi gia đình, cá nhân cần có thói quen cư xử văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ luật như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiêm khắc với những hành vi cản trở xe ưu tiên. Có những giải pháp đồng bộ, mới không phải chứng kiến những mất mát và lực lượng xe ưu tiên mới đảm bảo quyền lực để thực thi nhiệm vụ.
Cản trở xe ưu tiên bị phạt thế nào? Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ được quy định rất chặt chẽ. - Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ôtô và các loại xe tương tự ôtô, mức phạt sẽ từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. - Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên, đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. - Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt cho hành vi trên sẽ từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, nếu gây ra tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 đến 4 tháng. |
Vụ xe khách đâm xe cứu hỏa: Không thể lạm dụng quyền ưu tiên Có hai luồng ý kiến trái ngược về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra giữa xe khách và xe cứu hỏa trên ... |
Ngang nhiên chiếm làn khẩn cấp trên cao tốc: Vô luật pháp, vô đạo đức và giết hại biết bao người Bạn đọc cho rằng việc thản nhiên đi vào làn được khẩn cấp, không nhường đường khi có tín hiệu của xe được quyền ưu ... |