Dòng nước đục ngầu, chứa chất thải bẩn xả thẳng ra sông Nhuệ đang làm ô nhiễm trầm trọng dòng sông. Người dân nơi đây đã có đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn chìm trong im lặng.
Từ hố đổ thải không đúng quy định, chất thải chưa xử lý ngấm vào môi trường, đổ về phía bờ tường ngăn cách URENCO 7 với khu vực bên ngoài. |
Xác minh của phóng viên cho thấy, Chi nhánh Cầu Diễn (URENCO 7) là đơn vị được giao xử lý phân bùn bể phốt trên địa bàn TP. Tuy nhiên thời gian qua đã có tình trạng đường cống xả ra sông Nhuệ (nối với URENCO 7) xuất hiện dòng nước đục ngầu, chứa chất thải sinh hoạt bẩn ào ào xả ra từ miệng cống sát bờ sông Nhuệ đoạn qua Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Hình ảnh ống xả phân bùn vào hố không đảm bảo quy định ngay trong xí nghiệp Urenco 7. |
Người dân còn cho biết, nước thải chưa qua xử lý còn có lúc được xả ra vào buổi tối hoặc những hôm trời mưa. Trong khi đó, theo quy định bùn thải sau khi được xử lý, phần nước được lắng trong hồ sinh học đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường.
Theo quy trình xử lý phân bùn bể phốt tại Chi nhánh Cầu Diễn do Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt, sau khi tiếp nhận từ xe bơm hút, bùn thải sẽ được chuyển qua hệ thống để xử lý.
Kết quả đầu ra là sản phẩm phối trộn sản xuất phân vi sinh hoặc chôn lấp hợp vệ sinh. Nước đầu ra đạt tiêu chuẩn theo QCVN 40 : 2011/BTNMT.
Theo một cán bộ URENCO 7, nước thải từ URENCO 7 sẽ đi qua một cống nằm phía dưới mặt đất cắt ngang qua đường để đổ ra sông Nhuệ. Đường ống này có thể lẫn với các đường cống dân sinh trong khu vực. Do đó, không biết được lượng nước thải xả ra sông Nhuệ như trong clip là ở đâu ra (?)
Tuy nhiên, theo thông tin PV có được, từ vị trí xả ở cổng xí nghiệp URENCO 7 chỉ có một đường cống để đổ ra sông Nhuệ. Và như vậy, nước thải bẩn chưa qua xử lý đổ ra sông Nhuệ chỉ có thể từ URENCO 7.
Trong một diễn biến khác, điều tra của phóng viên tiếp tục phát hiện những bất thường trong quy trình xử lý bùn thải của Urenco 7. Cụ thể, tại khu vực chôn lấp rác thải (đã dừng hoạt động nhiều năm nay) ở phía sau xí nghiệp có một hố chứa phân bùn lớn.
Nếu men theo đường mòn đi lên núi chôn lấp rác thải, sẽ phát hiện một hố chứa phân bùn có bề ngang khoảng 4m – chiều dài chừng 8 – 10m chứa đầy phân bùn.
Tại thời điểm PV có mặt tại khu vực trên, nước bùn thải từ hố chứa này bắt đầu ngấm tràn ra đường mòn bên cạnh. Bên cạnh có vết của phương tiện cơ giới vừa lấp tạm đất, đắp bờ cho chất thải tạm thời không lan rộng ra xung quanh.
Hố đổ phân bùn chưa xử lý không theo tiêu chuẩn ngay trong Urenco 7. |
Trong khi theo quy định, phân bùn thu nhận về xí nghiệp đều phải được đổ vào bể chứa theo tiêu chuẩn để xử lý.
Như vậy, có thể thấy tại Chi nhánh Cầu Diễn của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đang có dấu hiệu xử lý thải bẩn không đúng quy định, xả thải bẩn ra môi trường.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo làm rõ để trả lại môi trường trong sạch cho người dân, cứu sông Nhuệ đang “chết dần, chết mòn” vì ô nhiễm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm - Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Hà Nội), nếu các cơ quan chức năng xác định được doanh nghiệp có hành vi xả thải chưa đạt tiêu chuẩn vào môi trường sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự.
Cụ thể, quy định xử phạt hành chính những vi phạm về xả nước thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường được thể hiện trong Nghị Định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng có thể sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể: Tội Gây ô nhiễm môi trường đã được pháp luật quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, theo đó: làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Còn Bộ luật hình sự 2015 quy định tại Điều 235 về tội Gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Liệu có cứu nổi các con sông "chết" ở Hà Nội? Đã gần một năm kể từ khi Hà Nội có chủ trương làm “sống lại” 4 con sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và ... |
Hà Nội: Những dự án “cứu” sông Nhuệ Nhằm làm sống lại dòng sông Nhuệ, TP.Hà Nội đã phê duyệt dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ đoạn từ vành đai 4 ... |