Ngày 8-11 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo nhiều chuyên gia, dự thảo Luật cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, song song với xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.

Giao nhiệm vụ cho Thủ đô phát triển theo đúng Hiến pháp

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển. Bố cục của dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

hn1
Luật Thủ đô (sửa đổi) là “cơ hội vàng” để kiến tạo Thủ đô trong tương lai

Nhấn mạnh ngày 8-11 tới đây, Chính phủ sẽ trình trước Quốc hội dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây cơ hội thuận lợi, “cơ hội vàng” để định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Trong đó, thành phố nỗ lực triển khai đồng bộ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Cho biết việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều thuận lợi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, lãnh đạo Quốc hội đã nhấn mạnh quan điểm đây là giao nhiệm vụ cho Thủ đô phát triển theo đúng Hiến pháp, thực hiện các chức năng của Thủ đô; để thực hiện các chức năng đó phải được phân cấp một số quyền nhất định và có nguồn lực để thực hiện chức năng đó.

Mới đây, tại phiên họp thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền TP Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò, mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW. Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi.

hn2

Gắn trách nhiệm và kiểm soát thực hiện

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ủng hộ việc phân cấp mạnh hơn cho chính quyền thành phố Hà Nội, trao thẩm quyền mạnh mẽ trong quyết định tổ chức bộ máy, biên chế. Xác định cải cách, đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính là đột phá. Bên cạnh trao quyền cũng phải gắn với trách nhiệm và kiểm soát việc thực hiện.

hn3
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nêu rõ: “Trong tổ chức bộ máy của Hà Nội thì có thể có thẩm quyền như thành lập một số cơ quan phù hợp với đặc điểm, đặc thù của địa phương. Có thể chủ động hơn trong bố trí, sắp xếp biên chế tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng với đó, việc quan trọng là khi giao quyền, chính quyền Hà Nội cũng phải được có trình tự, thủ tục để đảm bảo thực thi có hiệu quả quyền lực được giao. Một trong những vướng mắc của Luật Thủ đô năm 2012 là việc giao quyền nhưng cơ chế để thực hiện các quyền đó còn hạn chế”.

Đồng tình với việc cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (PDI) Trần Huy Đông (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng: “Trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi phải có phân cấp, phân quyền, ủy quyền, nhưng trọng tâm là phân quyền, giao quyền của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành cho Hà Nội và đơn vị hành chính trực thuộc, để Hà Nội chủ động trong mọi công việc. “Hà Nội, TP.HCM hay những thành phố lớn khác mà không có quyền tự chủ trong phân cấp thì họ không thể phát triển hết tiềm năng vốn có của họ như tiềm lực về kinh tế, tri thức, con người, tài chính… Phân cấp phân cấp phải hợp lý. Đương nhiên việc quản lý về tài chính, chi tiêu… vẫn phải theo quy định của pháp luật. Ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm như nhau, không phải cứ đưa lên trên là chặt chẽ hơn, liêm chính hơn” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển nói thêm.

hn4
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phân tích: “Ví dụ như thu ngân sách, giao quyền cho Hà Nội để chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mình. Nhưng kết quả cuối cùng là phải đạt hiệu quả cao hơn, thu ngân sách tốt hơn và Thủ đô Hà Nội có những bước phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, các dự án, chương trình, mục tiêu để phát triển Thủ đô hiện nay thuộc thẩm quyền của Chính phủ cũng cần mạnh dạn giao cho Thủ đô Hà Nội quyết định”.

Rõ ràng, Luật Thủ đô sửa đổi phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập mà trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ… Điều quan trọng là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện, bởi phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của cả nước…

Phú Khánh / ANTĐ