Phần Lan ngày 15/5 chính thức xác nhận đang tiến hành thủ tục gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quyết định được coi là mang tính lịch sử.
- Thụy Điển, Phần Lan có thể bắt đầu xin gia nhập NATO vào tháng 5
- Nga cảnh báo triển khai hạt nhân nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO
- Tổng thống Ukraine không còn tha thiết gia nhập NATO?
“Phần Lan đang nộp đơn xin gia nhập NATO”, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cho biết tại một cuộc họp báo diễn ra ngày 15/5. “Một Phần Lan được bảo vệ đang được khai sinh như một phần của khu vực Bắc Âu ổn định, mạnh mẽ và có trách nhiệm. Chúng tôi có được an ninh và chúng tôi cũng chia sẻ điều đó. Nên nhớ rằng an ninh không phải là một trò chơi có tổng bằng không”, ông nói.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tại buổi họp báo cho biết đề xuất gia nhập NATO sẽ được gửi đến quốc hội để phê chuẩn. “Quyết định của chúng tôi mang tính lịch sử", nữ Thủ tướng khẳng định. “Là một thành viên NATO, chúng tôi cũng sẽ chịu trách nhiệm về an ninh của liên minh nói chung", bà nói.
Dự kiến Quốc hội Phần Lan sẽ họp ngày 16/5 để thông qua nội dung này.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga. Giống như Thụy Điển, Phần Lan đã duy trì các chính sách trung lập nghiêm ngặt, không liên kết kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Tuy nhiên, The Guardian nhận định, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2 vừa qua đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong quan điểm chính trị và đối ngoại của hai nước này, với sự ủng hộ của công chúng Phần Lan đối với việc gia nhập NATO tăng lên khoảng 75%.
Trước đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 14/5, thông báo ý định gia nhập khối NATO. Cuộc điện đàm "trực tiếp và thẳng thắn" được khởi xướng bởi phía Phần Lan.
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga đã cảnh báo người đồng cấp Phần Lan rằng quan hệ giữa hai nước có thể bị "ảnh hưởng tiêu cực" nếu Phần Lan thực hiện kế hoạch xin gia nhập NATO. Tổng thống Putin cũng cho rằng, việc Phần Lan từ bỏ “chính sách truyền thống về trung lập quân sự sẽ là một sai lầm vì không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan”.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một tuyên bố khẳng định, cả Phần Lan và Thụy Điển sẽ được “chào đón với vòng tay rộng mở” và quá trình gia nhập sẽ diễn ra nhanh chóng, mặc dù sự chấp thuận chính thức của tất cả các thành viên của liên minh có thể mất vài tháng.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với động thái này vì cho rằng hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.