Tàu bảo vệ giàn khoan cũng giống như những người lính gác, phải luôn trong trạng thái: Tỉnh táo canh giữ, sẵn sàng chiến đấu và xử lý mọi sự cố.
Thương cảng Vũng Tàu, 13h ngày cuối năm 2023, trời nắng như đổ lửa. Chúng tôi nhấp nhổm, đứng ngồi không yên, mắt hướng về khơi xa…
“Em nghe tiếng còi rồi, có phải Hai Duong 67 không?”, tôi nói như reo lên.
Những đêm trắng
Không thể đợi thêm, tôi nóng lòng chạy về vị trí tàu Hai Duong 67 sẽ neo khi cập bờ. Vẫn qua ống nhòm, hình ảnh người đàn ông đang ngồi ở trung tâm điều khiển tàu chưa rõ, nhưng tôi được biết, đó là thuyền trưởng Ngô Việt Phong, người mà tôi đang chờ.
Sau 30 phút cập cảng, tàu dừng hẳn. 3 giờ đồng hồ chờ đợi kể cũng đáng. Chờ đợi để được chứng kiến khoảnh khắc trở về của “chiến mã” bảo vệ giàn khoan. Từ cabin, men theo cầu thang, thuyền trưởng Ngô Việt Phong cùng vài thuyền viên khác bước xuống, khuôn mặt rám nắng.
Bỏ qua vài giờ nghỉ ngơi theo kế hoạch, thuyền trưởng Phong nhiệt tình đón chúng tôi cùng lên tàu.
“Mùa này sóng dữ, nên về được đến đây là mừng rồi”, thuyền trưởng Phong nói và kéo ghế mời chúng tôi ngồi.
Cuộc trở về lần này khép lại hành trình 30 ngày đêm lênh đênh trên biển, bảo vệ giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ - Vietsovpetro của thuyền trưởng Phong cùng các thuyền viên tàu Hải Dương 67. Mỏ Bạch Hổ cách Vũng Tàu khoảng hơn 78 hải lý, mất gần 12 giờ di chuyển.
Thuyền trưởng Ngô Việt Phong mở điện thoại, cho chúng tôi xem hình ảnh những cuộn sóng trắng xóa, đánh cao gần 9 mét, như ôm cả con tàu.
“Một ngôi nhà bình thường cao khoảng 3 - 4 mét, nhưng sóng đánh cao gần 9 mét, đủ thấy dữ dội và chới với thế nào”, anh Phong so sánh.
Do nhận được tín hiệu thời tiết xấu trước đó, nên khi biển bắt đầu gầm gừ, xô những đợt sóng cao, anh em thuyền viên trên tàu vẫn bình tâm. Chỉ đến khi sóng xô cao gần 9 mét, khiến tàu chao đảo, sự lo lắng mới bắt đầu xuất hiện, không phải vì sợ tàu gặp nguy hiểm, mà vì trong lúc thời tiết xấu, giàn khoan có trục trặc thì khó có thể ứng cứu ngay.
“Tàu trực mỏ hiểu nôm na như lính gác đa-zi-năng, chặn đối tượng xấu tiếp cận và bằng mọi giá phải bảo vệ được giàn khoan. Phát hiện có bất thường hoặc tín hiệu cần trợ giúp, tàu trực mỏ sẽ lập tức tới hỗ trợ, xử lý”, thuyền trưởng Phong nói. Đối với trận cuồng phong đêm hôm đó, khi sóng cao gần 9 mét, thuyền trưởng Phong phải điều khiển cho tàu nghiêng theo chiều sóng, tránh bị xô bất ngờ.
Bảo vệ giàn bằng mọi giá
Đối với ngành dầu khí, để bảo đảm an ninh cho các giàn khoan hoạt động nhất thiết phải có lực lượng bảo vệ vòng ngoài. Tàu Hai Duong 67 như pháo đài thép kiên cường, bao quanh bảo vệ giàn khoan, thường xuyên phải áp chế tàu vi phạm quy định về an toàn hàng hải. Phần lớn phương tiện xâm lấn là các tàu đánh cá đại dương của nước ngoài.
Với trường hợp “dễ bảo”, khi tàu trực mỏ áp chế, họ sẽ chuyển hướng; còn trường hợp “khó bảo” thường cố tình xâm lấn, chạy sát giàn khoan. Khi tàu trực mỏ ra tín hiệu chuyển hướng họ không chịu, dùng radio để truyền thanh họ cũng phớt lờ, tàu trực mỏ buộc phải áp chế.
Một số trường hợp hy hữu nhất quyết không chịu rời đi, tàu trực mỏ phải dùng vòi rồng xua đuổi. Với sức xịt 1.200 m³/h, sức vươn tới 120 mét, các tàu xâm lấn mới e sợ và rút đi.
Những phương án giải quyết trên chỉ áp dụng đối với tàu xâm lấn dân sự. Còn với tàu của lực lượng chức năng nước ngoài, tàu trực mỏ thông báo cho tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam tới giải quyết.
Đối với một vài trường hợp cấp bách, không có thời gian báo cáo, người thuyền trưởng phải quyết định. An toàn tính mạng con người luôn được đặt lên trên hết.
“Là thuyền trưởng, trong trường hợp xấu nhất, chẳng hạn như khi đánh giá con tàu có thể chìm, không thể cứu chữa, tôi phải di dời tất cả thuyền viên bằng các phương tiện cứu sinh sẵn có. Bằng mọi cách phải duy trì sự sống cho anh em thuyền viên”, anh Phong cho hay.
Xuyên đêm “cứu” chảo lửa
Gần 20 năm gắn bó với biển cả, trong đó nhiều năm làm thuyền trưởng điều khiển những con tàu trực mỏ, anh Phong không ít lần xử lý các sự cố xảy ra trên giàn khoan. Nhẹ là khi có người đau yếu, tàu hỗ trợ sỹ quan sơ cứu rồi đưa lên trực thăng bay về đất liền cấp cứu. Nặng là những sự cố kỹ thuật xảy ra trên giàn.
Nhắc đến những sự cố trên giàn khoan, ký ức 8 năm về trước trên mỏ Thỏ Trắng – Vietsovpetro lại ùa về, rõ mồn một trong ký ức của người thuyền trưởng.
Trong mỗi mỏ, ngoài dầu mỏ chiếm phần lớn còn có một lượng các khí khác đồng hành. Khi khai thác, các khí này cũng bay lên theo ống hút dầu. Các khí này dễ cháy, do không sử dụng nên để đảm bảo môi trường và sức khỏe, hiện nay các giàn đều đốt đi.
Ngày đó, khi giàn khoan 3 chân của mỏ Thỏ Trắng đang khoan ép vỉa (khai thác), dầu đang lên, nhiệt độ đuốc đốt cũng lên cao ngoài kiểm soát. Đúng lúc đó, gió bất ngờ thổi mạnh, ngược lại vào giàn khoan. Sức nóng ôm trọn giàn, làm ảnh hưởng đến giàn trung tâm khiến cảnh báo trên giàn tự động phát tín hiệu.
Ngay khi nhận được tín hiệu cần trợ giúp, tàu Hai Duong 67 lập tức vào vị trí, di chuyển tàu về sát giàn khoan. Cấp tập, mỗi người một việc, người mở van các vòi rồng, người thiết lập hệ thống điều khiển, người giữ trung tâm liên lạc…
Đối với các giếng khoan, nhiệt độ đuốc đốt lên quá cao rất nguy hiểm, có thể dẫn tới cháy giàn.
“Nếu nóng quá, tàu trực mỏ không hỗ trợ được, bộ phận kỹ thuật giàn sẽ buộc phải đóng, ngưng việc khai thác. Tuy nhiên, mỗi lần ngưng khai thác đột xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn, bởi để một giàn khoan hoạt động thì chi phí rất lớn. Khi một giếng khoan đột ngột dừng lại sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền, cả hệ thống”, thuyền trưởng Phong cho hay.
Đánh giá sự cố ngày hôm đó khó kiểm soát, thuyền trưởng Phong đã trực tiếp tiếp cận vào giàn. Từ 20h hôm trước, đến 6h hôm sau, nhiệt độ trên giàn mới được kiểm soát. 10 giờ đồng hồ, 24 thuyền viên ròng rã “cứu” chảo lửa.
Theo thuyền trưởng Phong, dù gặp bất kỳ tình huống nào, những thuyền viên của tàu trực mỏ vẫn luôn bình tĩnh xử trí, không được phép hốt hoảng. Những sự cố không xảy ra quá nhiều, tuy nhiên, với vai trò “lính canh”, tâm thế sẵn sàng là điều bắt buộc có.
“Chúng tôi giống như những người lính cứu hỏa, thấy lửa cháy nhưng vẫn xông vào làm nhiệm vụ. Trong gần 20 năm bám biển, sự cố xảy ra không nhiều, đó là điều tôi luôn thầm cảm ơn. Có người lính cứu hỏa nào mong nhà người ta cháy để mình đi dập đâu?”, chỉ vào các anh em thuyền viên, anh Phong ví von.
Với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các công trình dầu khí hoạt động, tàu Hai Duong 67 không chỉ là “vành đai thép” án ngữ, ngăn chặn sự xâm lấn, mà còn là những cột mốc sống khẳng định lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế không tranh cãi của Việt Nam.
Ở nơi khơi xa ấy, những thuyền viên tàu trực mỏ không chỉ phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, mà còn căng thẳng theo dõi mục tiêu lạ xuất hiện quấy nhiễu, hơn nữa phải sẵn sàng ứng phó với các sự cố. Song, có niềm vui và lý tưởng nào cao đẹp hơn khi được canh thức cho biển yên bình, cho những giàn khoan không bao giờ ngưng lửa.
Tàu Hai Duong 67 thuộc Công ty Cổ phần Hàng hải Dầu khí Hải Dương (HADUCO), doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ hàng hải trong ngành dầu khí.
HADUCO hiện là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về các dịch vụ nước sâu với đội tàu gồm 50 tàu, do hơn 1000 thành viên thủy thủ đoàn điều khiển. HADUCO có hơn 20 năm kinh nghiệm hàng hải trong việc thực hiện các hoạt động phức tạp trên biển.