Đám hooligan ấy muốn biến sân bóng thành đấu trường Trung cổ, nơi máu đổ xuống, xe cứu thương hú còi đưa nạn nhân vào viện còn chúng thì gào lên sung sướng.
Không chỉ Việt Nam, mà rất nhiều cổ động viên (CĐV) nước ngoài không tin vào mắt mình khi nhìn thấy vệt khói cắt ngang mặt sân Hàng Đẫy trong cuộc so tài giữa Hà Nội FC và Nam Định tối qua. Vệt khói xuyên qua khoảng trống giữa hai khán đài, xuyên thủng cả luân thường đạo lý, cả những giới hạn đạo đức cơ bản, cốt lõi nhất của con người.
Đó là khi pháo sáng ở sân Hàng Đẫy không phải để đốt "cho vui", cho thoả mãn cái thứ "cuồng nhiệt" vô văn hoá của một bộ phận cổ động viên, mà còn để thoả mãn sự man rợ khủng khiếp của những kẻ nhân danh "yêu bóng đá".
Quả pháo sáng được bắn sang khán đài A khiến một nữ CĐV bị thương rất nặng ở chân, bỏng lưu huỳnh vào tận xương và phải mổ đến 2 lần, nhưng nếu quả pháo khi ấy không trúng chân, mà lại trúng ngực, trúng đầu của CĐV ấy vào cả những em bé bên cạnh thì sao? Những kẻ bắn pháo man rợ, tàn ác có biết pháo sẽ đi trúng đâu, ảnh hưởng thế nào?
Những khán giả đến sân Hàng Đẫy xem bóng đá hôm qua, đặc biệt những ai ở gần vị trí pháo bắn sang, có lẽ không tránh khỏi cảm giác hoảng sợ, rụng rời. Một CĐV nói với tôi "về nhà được đã là tốt", người khác nói rằng chẳng biết có đến Hàng Đẫy nữa không, khi đến xem bóng, thưởng thức trận bóng mà đối diện nguy cơ tử nạn bất cứ lúc nào. Đấy là đòn đánh mạnh nhất của những kẻ man rợ vào trái tim của các CĐV yêu bóng đá.
Vô cùng tàn ác, tấn công cả về thể xác và tinh thần, ngang nhiên coi trời bằng vung, thách thức pháp luật, cười vào nỗi đau của người khác. Đấy không phải nhân danh cuồng nhiệt.
Đấy là thú tính, là hành vi phải loại trừ khỏi đời sống bóng đá bằng bất kỳ giá nào, phải xử lý hình sự để những kẻ quá khích nhìn vào đó để noi gương.
Pháo sáng được đốt vô tội vạ, mà những kẻ quá khích vẫn nghĩ đấy là dấu hiệu của "tình yêu bóng đá"? (Ảnh: Ngọc Anh) |
Trong cuộc tranh luận bất tận về pháo sáng hôm qua, tôi bị ám ảnh bởi câu nói "đừng để ý với một CĐV quá khích để đánh giá cả cộng đồng, vì đấy là con sâu làm rầu nồi canh".
Từ bao giờ, cộng đồng CĐV lại sống với tư tưởng của làng Vũ Đại những năm trước Cách mạng, người ta nói gì mặc kệ vì "chắc nó chừa mình ra", "có phải mình bắn pháo đâu mà đi nói mình",... Vậy ai đã đốt hàng chục quả pháo ném xuống sân, khói bay mù mịt khiến trận đấu phải tạm dừng? Ai là kẻ đã reo hò man rợ như người tiền sử nhìn thấy đốm lửa khi pháo sáng loé lên?
Ai là kẻ bất chấp nguy hiểm cho người khác, ném những quả pháo hàng nghìn độ theo kiểu vô địa chỉ, trúng ai thì trúng? Ai là kẻ kích động tột cùng và cười sung sướng khi quả pháo thăng thiên bắn sang khán đài A, mặc cho nó khiến một cô gái vô tội đến sân xem bóng đá phải rời sân với đôi chân đầy máu?
Số người bắn pháo, đốt pháo ở Hàng Đẫy là thiểu số. Không thể lấy thiểu số để đánh giá cả cộng đồng, nhưng khi cộng đồng trơ mắt trước tội ác, thậm chí cổ vũ, hò hét, kích động để tội ác ấy diễn ra, đấy không còn là chuyện cá nhân nữa. Tất cả phải chịu trách nhiệm.
Biết đâu, nếu không có sự kích động của đám đông, kẻ man rợ kia đã không làm việc "tày trời" là bắn quả pháo để thoả mãn nỗi vui sướng bản năng chỉ có ở loài thú vật. Nếu không có sự tiếp tay của đám đông vô tri, có kẻ nào dám chơi trò ném đá giấu tay, kích động đám đông chống lại cả cảnh sát cơ động khiến có người bị thương phải nhập viện?
Hàng chục quả pháo sáng, rất nhiều máu đổ và nước mắt rơi, đừng có nói đó là chuyện của thiểu số, rằng tôi không liên quan nữa.
Đừng nói là "con sâu làm rầu nồi canh", khi nồi canh ấy chỉ toàn sâu và sâu. Đừng dùng tình yêu bóng đá để bao biện cho sự quá khích ác độc của mình. Hành vi hôm qua là cố ý giết người, man rợ và cần loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá, không bao giờ được tái hiện ở một sân bóng hay bất cứ ngóc ngách nào trong đời sống.
Ai muốn đến xem bóng đá nếu một ngày mình cũng phải rời sân bằng cáng trong đau đớn, tuyệt vọng? (Ảnh: Ngọc Anh) |
Liệu còn ai muốn đến sân xem bóng đá khi sân bóng Việt, đáng lẽ phải sạch sẽ, đáng lẽ phải văn minh, phải nhiệt tình như tình yêu của CĐV dành cho tuyển Việt Nam, lại thành chỗ để chúng khoe "phần con" như chiến tích của bọn giang hồ trên mạng xã hội?
Còn ai muốn nói về văn hoá bóng đá khi đám hooligan vô nhân tính ấy biến sân bóng thành đấu trường La Mã như thời Trung cổ, nơi máu đổ xuống, xe cứu thương hú còi đưa nạn nhân vào viện và chúng thì gào lên man rợ như những kẻ khát máu, dửng dưng và sung sướng trước nỗi đau của đồng loại?
Những kẻ côn đồ đội lốt CĐV, sẵn sàng coi tính mạng người khác không bằng ngọn cỏ. Tôi từng viết một bài phản ánh về hiện tượng hooligan và bị chính những CĐV này doạ đến toà soạn "nói chuyện phải quấy" hay doạ đánh, doạ giết, bởi đánh giá chúng là "hạ thấp tình yêu chúng dành cho bóng đá".
Kẻ man rợ hả hê làm bị thương đồng loại của mình như vậy, chúng yêu bóng đá, hay chúng yêu cảm giác thoả mãn tột độ khi được vùi dập người khác, hèn nhát đứng trong đám đông và dương dương tự đắc nghĩ mình là kẻ chiến thắng?
Cần loại bỏ những kẻ quá khích, xử lý hình sự và cấm đến sân vĩnh viễn. Chúng không chỉ bôi đen hình ảnh bóng đá Việt Nam mà cầu thủ phải trả bằng mồ hôi và máu để xây dựng, mà còn đe doạ tính mạng, tinh thần người khác, nhưng vẫn nghĩ mình đang nhân danh công lý và tình yêu để hành động như loài cầm thú.
Hạ Nhiên
Báo châu Á sốc sự cố sân Hàng Đẫy, nạn pháo sáng bóng đá Việt Báo châu Á, truyền thông quốc tế sốc fan nữ đầy máu, nhập viện vì sự cố pháo sáng sân Hàng đĐẫy. Fox Sports Asia ... |
Quả pháo sáng nhơ nhuốc, nỗi đau bóng đá Việt Hành động quá khích của Nam Định đã biến trận đấu bù Hà Nội FC và Nam Định ở V-League 2019 trở nên nhơ nhuốc ... |
Những kẻ man rợ ngang nhiên đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy, bắn trúng người khác không chịu dừng tay Vài phút sau khi làm một cổ động viên bị thương nặng, pháo sáng đỏ lòm lại lơ lửng trên đầu các khán giả ở ... |
VFF bị phạt tiền tỉ vì pháo sáng, nguy cơ liên lụy tuyển Việt Nam Sáng 15-5, VFF cho biết LĐBĐ châu Á vừa gửi giấy phạt lên đến 39.500 USD vì để xảy ra tình trạng pháo sáng, điều ... |