Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người đã biểu tình ở Paris phản đối chi phí sinh hoạt cao và đòi hỏi một cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mang tính quyết liệt hơn. Nhưng liệu đó có phải là sự khởi đầu của một phong trào rộng lớn chống lại các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron?

Pháp lo ngại biểu tình kéo dài phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh 1

Hàng nghìn người Pháp tuần hành phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao và việc chính phủ không hành động quyết liệt để chống biến đổi khí hậu

Chiều 16-10, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại Place de la Nation ở phía Đông Bắc Paris với các tấm biển: “Ngừng trốn thuế”, “Tôi muốn tăng 52% lương giống như Giám đốc điều hành của Total”. Việc này dẫn đến gần 300 km tắc đường trong khu vực Paris. Cảnh sát cuối ngày thông báo, khoảng 30.000 người đã đổ ra đường tuần hành.

“Chúng tôi muốn phản đối các chính sách của chính phủ, họ chỉ lấy tiền của những người nghèo nhất. Chúng tôi sẽ tham gia vào mọi hành động để chống lại những chính sách bất công này”, Vincent Gay, người đàn ông hét vào micro từ khoang chở hàng của một chiếc xe tải nhỏ đậu trước đám đông. Thành viên 46 tuổi của Attac, một tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho công bằng xã hội và môi trường, nói thêm rằng nhóm của ông ủng hộ mức lương cao hơn, đóng băng đối với giá cả của một số mặt hàng cơ bản và ủng hộ hành động quyết liệt chống biến đổi khí hậu.

Bà Claudine Prioul cùng với chồng Gerard và người bạn Colette Paris đã từ vùng Mayenne phía Tây Bắc đến Paris vào ngày 16-10. Cả ba người này đều 70 tuổi, đã về hưu, là thành viên của công đoàn cánh tả CGT và đã tham gia biểu tình từ khi họ ở độ tuổi đôi mươi. “Chúng ta cần thay đổi cơ bản hệ thống chính trị để luật thị trường không còn là yếu tố quyết định nữa và chính phủ cần làm được những gì người dân muốn. Tôi ngày càng phải vật lộn xoay xở với số tiền lương hưu 1.510 euro”, bà Claudine Prioul nói.

Đơn vị tổ chức sự kiện là Nupes, liên minh cánh tả lần đầu tiên hợp tác với nhau trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp vào đầu năm nay, bao gồm đảng cực tả France Unbowed (LFI), Đảng Xã hội của Pháp, Đảng Xanh và Đảng Cộng sản. Nupes cũng đề nghị giảm tuổi lương hưu từ 62 xuống 60 và kêu gọi cấp thu nhập cơ bản cho những người trẻ tuổi. Ông Jean-Luc Melenchon - cựu ứng cử viên tổng thống của đảng LFI cho rằng, đây sẽ là ngày đầu tiên của một chu kỳ biểu tình, có sự kết hợp của tất cả các lực lượng.

Diễn biến xảy ra sau các cuộc đình công kéo dài hàng tuần tại phần lớn các nhà máy lọc dầu của Pháp khiến giá nhiên liệu tăng cao và thiếu hụt nhiên liệu. Nhân viên các nhà máy lọc dầu đã yêu cầu mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Chính phủ Pháp và các nghiệp đoàn ngành vận tải nước này vẫn bế tắc trong các cuộc đàm phán về lương nhằm nối lại hoạt động tại các kho dầu. Các nghiệp đoàn hàng đầu đã kêu gọi tiến hành cuộc đình công trên toàn nước Pháp vào ngày 18-10.

Chính phủ hiện lo ngại tình trạng này có thể là khởi đầu của phong trào phản đối kéo dài, đặc biệt là khi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đang tiến hành cải cách lương hưu để tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi. Ông Bruno Cautres, nhà khoa học chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Đại học Sciences Po có trụ sở tại Paris, cho rằng một làn sóng phản đối như vậy thực sự có thể đang diễn ra. “Nhiều người cảm thấy bất công khi họ nhận ra rằng một số được trả lương cao hơn rất nhiều so với những người khác. Nghịch lý thay, các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu đã cho thấy, một số nhân viên nhận được tiền thưởng hàng nghìn euro. Có thể đó là giọt nước làm tràn ly”, ông Cautres nói.

Tuy nhiên, Philippe Crevel, một nhà kinh tế học có trụ sở tại Paris, người sáng lập tổ chức tư vấn Cercle de l'Epargne, chỉ ra rằng so với một số quốc gia khác, nền kinh tế Pháp không tệ như vậy. Ông giải thích: “Lạm phát của Pháp hiện ở mức 5,6% so với mức trung bình 10% trên toàn châu Âu, cũng bởi vì chính phủ đã hạn chế việc tăng giá điện cho các hộ gia đình và trợ giá nhiên liệu. GDP của Pháp được dự đoán sẽ tăng tới 1% trong năm tới, trong khi suy thoái đang xuất hiện ở các nước láng giềng như Đức”. Đó là lý do tại sao ông Crevel cho rằng các cuộc biểu tình chủ yếu có động cơ chính trị: “Cánh tả và các công đoàn muốn có lập trường chống lại Tổng thống Macron, nhưng tôi không nghĩ rằng họ sẽ cố khởi động một phong trào biểu tình trên toàn quốc trong bối cảnh này”.

https://www.anninhthudo.vn/phap-lo-ngai-bieu-tinh-keo-dai-phan-doi-chi-phi-sinh-hoat-tang-cao-post520325.antd

Yến Chi / ANTD