Mới đây, tại Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng, Hội Dầu khí Việt Nam phối hợp với Chi hội Dầu khí Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam - Cơ hội và thách thức” nhằm nhận diện rõ hơn thực trạng của lĩnh vực lọc hóa dầu nước ta.
Cơ hội và thách thức đan xen
Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí
Theo Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí, ngành công nghiệp lọc hóa dầu nước ta đang có những cơ hội và thách thức đan xen. Xu hướng toàn cầu hóa đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu. Đặc biệt khi nước ta tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở ra trên bình diện rộng.
Nền kinh tế thế giới phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn suy thoái, kéo theo nhu cầu về năng lượng tăng cao. Vị thế, uy tín và mối quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung, ngành Dầu khí nói riêng, với bạn bè quốc tế ngày càng được khẳng định. Lĩnh vực lọc hóa dầu của Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng là điểm đến giàu tiềm năng của các nhà đầu tư trên thế giới…
Bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức. Trước hết, trữ lượng thu hồi dầu khí của ngành Dầu khí Việt Nam chủ yếu ở vùng biển xa bờ, sản lượng dầu thô trong nước sụt giảm. Cùng với đó, giá dầu thô biến động mạnh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc hóa dầu. Một áp lực rất lớn khi mở cửa thị trường, Nhà nước sẽ không được bảo hộ sản phẩm nội địa khi tham gia các FTA - một thách thức đối với ngành công nghiệp lọc hóa dầu non trẻ của Việt Nam.
Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đang rơi vào thế… bế tắc. Dự án cần một nguồn vốn quá lớn, BSR và cả PVN không thể tự mình thu xếp. Vay thương mại thì không hiệu quả, trong khi đó, Chính phủ không bảo lãnh vay vốn, việc thu xếp vốn cho dự án “lực bất tòng tâm”.
Chưa hết, vẫn còn một vài thách thức nữa: Việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học đang gặp nhiều khó khăn; chi phí đầu tư các nhà máy lọc hóa dầu khá lớn. Cạnh tranh giữa nhiên liệu tái tạo và nhiên liệu truyền thống ngày càng quyết liệt với sự siết chặt tiêu chuẩn khí thải. Những bất ổn về chính trị ở khu vực Trung Đông, Nam Mỹ và Biển Đông có tác động không nhỏ đến ngành Dầu khí nước ta… Có thể nói, cơ hội và thách thức đan xen, vừa tạo ra thời cơ, vừa tiềm ẩn những rủi ro, những khó khăn không hề nhỏ đối với ngành công nghiệp lọc hóa dầu non trẻ của Việt Nam.
Bất hợp lý từ cơ chế, chính sách
Ông Nguyễn Văn Hội - Phó tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn
Ông Nguyễn Văn Hội - Phó tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết: Mặc dù 9 tháng năm 2018, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã đạt sản lượng sản xuất 5,3 triệu tấn; doanh thu 83.807 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 9.265 tỉ đồng, nhưng nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn: Nguồn dầu thô ngọt trong nước đang suy giảm dần về sản lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn môi trường đòi hỏi phải nâng cấp chất lượng sản phẩm của NMLD Dung Quất từ EURO 2 lên EURO 5 theo lộ trình của Chính phủ… Những điều đó đòi hỏi BSR phải tìm kiếm nguồn dầu thô có chất lượng tương đương dầu Bạch Hổ và khẩn trương hoàn thành Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Quyết tâm là như vậy và cán bộ, công nhân, người lao động BSR đang ngày đêm bám máy, lăn lộn ngoài công trường, song vẫn chưa đủ, không thể đẩy nhanh tiến độ dự án và nâng công suất sản xuất của NMLD Dung Quất, vì những ràng buộc về cơ chế chính sách.
Điều bất hợp lý đầu tiên là sự cạnh tranh thiếu bình đẳng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Có thể nói, từ khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, với những ưu đãi hơn hẳn, giá thành sản phẩm của Nghi Sơn thấp hơn nhiều so với giá thành sản phẩm của Dung Quất cùng thời điểm. Có thể nêu ra những ưu đãi mà Nghi Sơn đang thụ hưởng:
Có 5 vấn đề lớn cần xử lý của lĩnh vực lọc hóa dầu: Tiêu thụ sản phẩm; bảo lãnh để vay vốn triển khai các dự án mà Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối; chính sách thuế; nguyên liệu, đặc biệt là khí cho các nhà máy đạm; chính sách đặc thù cho ngành Dầu khí.
Nghi Sơn được cấp bù 3% cho PP; 5% cho LPG; 7% cho xăng và dầu khi bán nội địa, trong khi thì NMLD Dung Quất hoàn toàn không được hưởng chính sách này. Thuế nhập khẩu dầu thô Nghi Sơn bằng 0%, trong khi NMLD Dung Quất phải chịu thuế 5% đối với nguồn dầu thô nhập khẩu từ các nước không thực hiện đối xử tối huệ quốc.
Cùng với đó, Nghi Sơn không phải chịu thuế xuất khẩu sản phẩm, còn NMLD Dung Quất là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Chỉ tính riêng việc chuyển đổi ngoại tệ, trong khi Nghi Sơn được tự do chuyển đổi ngoại tệ, thì NMLD Dung Quất phải xin phép Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu mua ngoại tệ và thanh toán ngoại tệ cho từng hợp đồng. Với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, Nghi Sơn được thụ hưởng suốt đời, còn NMLD Dung Quất chỉ được thụ hưởng 30 năm kể từ khi hoạt động (theo Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 26/7/2012)…
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Có thể nói, sự thiếu ổn định về cơ chế, chính sách đang tiềm ẩn những nguy cơ bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR. Cụ thể, Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 3/9/2016 đã ghi rõ: Kể từ ngày 1/1/2017, bãi bỏ quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của BSR. Nhưng hiện tại, Chính phủ đang xem xét lại việc thu điều tiết trên giá bán sản phẩm của NMLD Dung Quất. Cho đến thời điểm hiện tại, Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đang rơi vào thế… bế tắc. Dự án cần một nguồn vốn quá lớn, BSR và cả PVN không thể tự mình thu xếp. Vay thương mại thì không hiệu quả, trong khi đó, Chính phủ không bảo lãnh vay vốn, việc thu xếp vốn cho dự án “lực bất tòng tâm”.
Sau năm 2018, nguồn cung khí suy giảm, Đạm Cà Mau không đủ lượng khí đầu vào để vận hành 100% công suất. Bên cạnh đó, Nhà máy Đạm Cà Mau còn khấu hao khoảng 1.200 tỉ đồng/năm; nợ gốc và lãi vay bình quân trên 900 tỉ đồng/năm. Đó là những thách thức lớn về tài chính đang cần được hóa giải của PVCFC.
Một khó khăn nữa là báo cáo đánh giá tác động môi trường chậm được phê duyệt, nên dẫn đến vướng mắc trong việc phê duyệt thiết kế FEED và dự toán làm cơ sở tiến tới các thủ tục đấu thầu EPC tiếp theo… Trước những khó khăn đó, đại diện BSR kiến nghị: Giữ nguyên cơ chế đang có hiệu lực theo Quyết định 1725/QĐ-TTg ngày 3/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; không áp dụng chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của BSR nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, khẳng định sự ổn định và nhất quán trong chính sách của Chính phủ cũng như tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn2018-2022 tại phương án cổ phần hóa BSR đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và để thực hiện thành công Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
Kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu dầu thô Azeri từ Azerbaijan nói riêng, các loại dầu thô nhập khẩu khác nói chung, cho NMLD Dung Quất (bao gồm cả sau khi NMLD Dung Quất được nâng cấp mở rộng) tương tự như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là 0%. Xem xét loại bỏ các sản phẩm (ngoại trừ Polypropylene đã được cho phép) được chế biến từ dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hoặc thông qua các đầu mối). Tiếp tục cho phép BSR sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO 2 như thiết kế cho đến khi BSR hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh công tác phê duyệt báo cáo tác động môi trường của Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
Cần phải nói thêm, tính từ tháng 2/2009 đến nay, NMLD Dung Quất đã sản xuất 55,6 triệu tấn sản phẩm, doanh thu khoảng 964,98 nghìn tỉ đồng (tương đương hơn 40 tỉ USD); nộp ngân sách khoảng 154,78 nghìn tỉ đồng (tương đương 7 tỉ USD). Năm 2018, nhà máy hoạt động ổn định, công suất tối ưu (bình quân 107% so với công suất kế hoạch là 100%). 9 tháng năm 2018, giá trị thực hiện tiết kiệm ước 712,39 tỉ đồng, vượt 47,6% so với chỉ tiêu năm 2018 đặt ra (482,64 tỉ đồng), trong đó phần giảm tiêu hao trong chế biến, tối ưu hóa năng lượng khoảng 707,05 tỉ đồng.
Thách thức là thế, nhưng BSR cũng nhìn ra cơ hội để phát triển. Đầu tiên là thị trường sản phẩm hóa dầu tiềm năng, cấu hình NMLD Dung Quất mở, có thể đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm hóa dầu. Sau gần 10 năm vận hành NMLD Dung Quất, đội ngũ nhân sự vận hành, bảo dưỡng của BSR đã trưởng thành, nhiều người đạt tới đẳng cấp chuyên gia lọc dầu, nên có thể “xuất khẩu chất xám” cho các nhà máy lọc hóa dầu trong và ngoài nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội để BSR hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Những con số đó nói lên tính hiệu quả của doanh nghiệp, là cơ sở sống động để các bộ, ngành xem xét trình Chính phủ có cơ chế thống nhất, ổn định, tạo điều kiện để BSR phát triển bền vững, mục tiêu cuối cùng là ngành công nghiệp lọc hóa dầu không “tự thua trên sân nhà”.
Ông Bùi Minh Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau
Có một ví dụ khác rất đáng quan tâm. Cũng như BSR, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đang gặp muôn vàn khó khăn. Ông Bùi Minh Tiến - Chủ tịch HĐQT PVCFC cho biết: PVCFC là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công loại urê hạt đục tại Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân bón hiện nay, chiếm thị phần hơn 30% trên thị trường phân bón trong nước.
Sau 7 năm hoạt động, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cung cấp trên 5 triệu tấn phân đạm cho nền nông nghiệp nước nhà và hàng trăm nghìn tấn phân bón chuyên dụng khác, cung ứng nguồn phân bón chất lượng tốt, đều đặn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đạm Cà Mau cung ứng nguồn phân bón chất lượng tốt với giá hợp lý, kịp thời vụ, được nông dân tin dùng. Tuy nhiên, Đạm Cà Mau đang phải đối mặt với vô vàn thách thức như: Cạnh tranh về giá với phân bón nhập khẩu do các nhà máy nước ngoài có sẵn nguyên liệu khí, được trợ giá khí, thời gian các nhà máy đi vào hoạt động đã lâu nên mức khấu hao thấp. Công tác quản lý thị trường phân bón thiếu đồng bộ và chồng chéo, dẫn đến tồn tại tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xảy ra tràn lan, ảnh hưởng đến nhà sản xuất phân bón có thương hiệu trong nước.
Ông Hoàng Xuân Hùng - Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam
Nhà máy Đạm Cà Mau được thiết kế sử dụng nguồn cấp khí duy nhất từ mỏ PM3-CAA & 46 CN. Sau năm 2018, nguồn cung khí suy giảm, Đạm Cà Mau không đủ lượng khí đầu vào để vận hành 100% công suất. Bên cạnh đó, Nhà máy Đạm Cà Mau còn khấu hao khoảng 1.200 tỉ đồng/năm; nợ gốc và lãi vay bình quân trên 900 tỉ đồng/năm. Đó là những thách thức lớn về tài chính đang cần được hóa giải của PVCFC. Ông Bùi Minh Tiến cho biết: Chính sách hỗ trợ giá khí của Chính phủ với Nhà máy Đạm Cà Mau chỉ kéo dài đến hết năm 2018 (giá khí chiếm 43% giá thành sản phẩm). Giá khí mà Chính phủ đang xem xét cao hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả của nhà máy. Do đó, PVCFC kiến nghị Chính phủ có những quyết sách đúng đắn về nguồn khí và giá khí đầu vào cho Nhà máy Đạm Cà Mau để nhà máy duy trì sản xuất, hỗ trợ nông dân được tiếp cận với sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng để canh tác có lãi, góp phần ổn định thị trường phân bón trong nước, giảm nhập khẩu phân bón.
Ý kiến chuyên gia
Trước thực trạng trên, các chuyên gia tham dự hội thảo đã có những ý kiến vừa mang tính phản biện, vừa mang tính kiến nghị.
Ông Bỳ Văn Tứ - Ủy viên BTV Hội Dầu khí Việt Nam
Theo ông Bỳ Văn Tứ, Ủy viên BTV Hội Dầu khí Việt Nam, chính sách cho phát triển hóa dầu là không rõ ràng và không nhất quán. Chúng ta đều nhận thấy rằng, thời gian tới, khâu hóa dầu sẽ bị thoái vốn, vai trò Việt Nam sẽ là thứ yếu trong các liên doanh mà Dự án Long Sơn là một ví dụ điển hình. “Chúng ta cứ mơ tưởng dự án này dự án kia, nhưng chính sách của Nhà nước có thực sự hướng tới phát triển hóa dầu không? Bên cạnh đó, nguồn vốn cấp cho các doanh nghiệp ít, thậm chí không có. Ngược lại, tận thu bằng thuế đã diễn ra và đang có xu hướng lặp lại” - ông Bỳ Văn Tứ phân tích.
Bất cứ dự án công nghiệp nào, cụ thể là dự án dầu khí, khi Việt Nam tham gia thì trì trệ, nhưng phía Việt Nam rút vốn là triển khai ào ào. Hóa dầu sắp tới chỉ có nước ngoài hoặc tư nhân mới làm nhanh và hiệu quả. Hóa dầu đang gặp khó khăn do chúng ta không gắn với các ngành công nghiệp cần nguyên liệu hóa dầu. Việc thì cần, tiền thì có, nhưng người làm rất ít, tức không đủ cơ chế để làm, không đủ tính thuyết phục để vay tiền làm, nên ít người dám làm, dám quyết… Theo ông Tứ, điều kiện quan trọng nhất là Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để các dòng tiền “chảy” nhanh, đúng luật, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Còn ông Hoàng Xuân Hùng, Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị: Có 5 vấn đề lớn cần xử lý của lĩnh vực lọc hóa dầu, đó là: Tiêu thụ sản phẩm; bảo lãnh để vay vốn triển khai các dự án mà Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối; chính sách thuế; nguyên liệu, đặc biệt là khí cho các nhà máy đạm; chính sách đặc thù cho ngành Dầu khí. Chỉ khi giải quyết rốt ráo được 5 vấn đề nêu trên, ngành công nghiệp lọc hóa dầu nước ta mới phát triển bền vững.
Lâm Quý
Công nghiệp Lọc - Hóa dầu: Hẹp cơ hội, tăng thách thức Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San mong muốn các nhà khoa học, nhà chuyên môn và lãnh đạo các doanh nghiệp ... |
Kỹ sư Lọc hóa dầu Bình Sơn: Đem chuông đi đánh xứ người Những năm 2009 – 2010, khi dự án NMLD Dung Quất mới hoàn thành, trong Nhà máy luôn có khoảng 200 kỹ sư, chuyên gia ... |
BSR với "kỹ nghệ" cân bằng động tại hiện trường Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một trong những nhà máy đầu tiên ở Việt Nam áp dụng rất thành công chiến lược bảo ... |
"BSR là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực lọc hóa dầu" Ngày 28/8, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội ... |