Tàu thăm dò Mặt Trời Parker trở thành vật thể nhân tạo tiến sát Mặt Trời nhất từ trước đến nay và có khả năng sẽ tiếp tục lập kỷ lục về vận tốc trên quỹ đạo nhật tâm.
Ngày 29/10, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu thăm dò Mặt Trời Parker lập kỷ lục trở thành vật thể nhân tạo tiến gần tới Mặt Trời nhất trong lịch sử.
“Vào 13h04 ngày 29/10 (giờ địa phương), phi thuyền đã vượt qua kỷ lục hiện tại là 42,73 triệu km cách bề mặt Mặt Trời. Trước đó, kỷ lục tiến sát Mặt Trời nhất được lập bởi tàu du hành Helios 2 của Đức - Mỹ hồi tháng 4/1976”, AFP trích thông cáo của NASA.
Tên lửa Delta IV mang tàu thăm dò Mặt Trời Parker của NASA phóng lên vũ trụ. Ảnh: AFP. |
Tàu tự hành Parker, trị giá 1,5 tỷ USD, bắt đầu hành trình thăm dò Mặt Trời vào tháng 8 với nhiệm vụ chiến lược là giúp hé lộ bí ẩn về bão Mặt Trời, nhằm bảo vệ Trái Đất. Mục tiêu của tàu là bay 24 vòng quanh Mặt Trời và dần thu hẹp khoảng cách trong nhiệm vụ kéo dài 7 năm.
Không chỉ là vật thể tiến sát Mặt Trời nhất từ trước đến nay, tàu Parker có khả năng sẽ lập một kỷ lục nữa.
Theo NASA, phi thuyền này “được kỳ vọng sẽ phá kỷ lục tàu bay nhanh nhất trong tương quan với Mặt Trời vào lúc 22h54 ngày 29/10" (9h54 sáng 30/10 theo giờ Hà Nội).
“Vận tốc kỷ lục trên quỹ đạo nhật tâm hiện tại là 246.960 km/h, thuộc về tàu Helios 2 thực hiện vào tháng 4/1976”, NASA cho hay.
Tàu Parker chụp lại hình ảnh Trái Đất (điểm sáng trong ảnh bên phải) trong không gian. Ảnh: NASA. |
Tàu Parker dự kiến sẽ tiến gần tới Mặt Trời lần đầu tiên vào ngày 31/10. NASA dự đoán trong lần tiếp cận cuối vào năm 2024, tàu sẽ ở khoảng cách xấp xỉ 6,16 triệu km tính từ bề mặt Mặt Trời.
Tàu thăm dò Parker được phóng thành công từ Mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, vào ngày 21/8. Tàu được bảo vệ bởi lớp vỏ dày 11,43 cm, cho phép chịu nhiệt lên tới 1.400 độ C. Lớp chắn nhiệt cũng giúp thiết bị chịu được bức xạ cao gấp 500 lần so với bức xạ Mặt Trời trên Trái Đất.
NASA phát hiện hành tinh bốc hơi có thể là \'siêu Trái Đất\' Ngoại hành tinh mới quay xung quanh một ngôi sao lùn vàng giống Mặt Trời, có đường kính gấp 2,14 lần Trái Đất và nặng ... |
Chuyên gia NASA trả lời thư của bé gái 4 tuổi về vệ tinh Europa Tiến sĩ David Williams từ NASA đã trả lời bằng thư của cô bé và gửi kèm một bức ảnh với hình của Europa Clipper ... |