"Chiến lang 2", "Điệp vụ Biển Đỏ" phô diễn sức mạnh quân đội hiện đại Trung Quốc và tham vọng hóa cường quốc quân sự.
Chiến lang 2 (Wolf Warrior 2) ra mắt vào cuối tháng 7/2017 ở Trung Quốc, càn quét các rạp chiếu và đạt doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé nước này (hơn 870 triệu USD). Bảy tháng sau, Điệp vụ Biển Đỏ (Operation Red Sea) - chiếu dịp Tết Nguyên đán - tiếp tục thắng lớn với hơn 520 triệu USD. Thành tích của hai phim này thậm chí cao hơn doanh thu toàn cầu của nhiều bom tấn Hollywood.
Chúng trụ rạp suốt nhiều tuần với sự ủng hộ nồng nhiệt của công chúng Trung Quốc. Một cây bút của New Yorker viết: "Đám đông ở rạp đứng lên vỗ tay sau buổi chiếu Chiến lang 2. Có người còn hát quốc ca Trung Quốc". Tác phẩm được nước này chọn đi dự Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc", dù đây chỉ là phim hành động đơn giản - thể loại hầu như không có cơ hội chiến thắng. Còn Điệp vụ Biển Đỏ được chấm đến 8,5/10 trên Douban (một trang tương tự IMDb của Trung Quốc).
Điểm chung của hai phim là yếu tố hành động, phong cách làm phim hiện đại và hình tượng quân nhân Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài. Lòng dũng cảm, sự phô trương vũ khí và sức mạnh Trung Quốc được cài cắm trong câu chuyện. Trong Chiến lang 2, một binh sĩ tên Lãnh Phong (Ngô Kinh đóng) đến châu Phi giải cứu người Trung Quốc bị nạn. Kẻ phản diện là một lính đánh thuê người Mỹ (Frank Grillo đóng) khinh thường người Hoa, rốt cục bị Lãnh Phong giết. Cuối phim là hình ảnh hộ chiếu Trung Quốc cùng câu nói: "Hãy nhớ Tổ quốc luôn bảo vệ bạn!".
Trong Điệp vụ Biển Đỏ, một nhóm hải quân Trung Quốc chống hải tặc Somali rồi tham gia nhiệm vụ giải cứu ở Trung Đông. Sau khi nhóm lính trong phim hoàn thành nhiệm vụ, tác phẩm chuyển đến cảnh trên Biển Đông (trong phim gọi là biển Nam Hải). Một nhóm tàu Trung Quốc vây lấy một con tàu không rõ quốc tịch, khẳng định chủ quyền và yêu cầu tàu này ra khỏi vùng biển.
Cử quân đội ra nước ngoài hoạt động là chủ đề quen thuộc trong phim Mỹ hoặc Anh. Trên màn ảnh, binh sĩ Mỹ đến nhiều vùng trên thế giới để chiến đấu, còn các đặc vụ như James Bond hay Ethan Hunt (loạt Mission: Impossible) can thiệp vào đủ kiểu vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, một phim với nội dung tương tự - nhưng thay nhân vật chính bằng người Trung Quốc - vẫn còn mới mẻ. New Yorker nhận xét: "Nếu đây là năm 2005, khán giả Trung Quốc sẽ chẳng hiểu nổi Chiến lang 2".
Nhân vật của Ngô Kinh (phải) là hình mẫu người hùng Trung Quốc đương đại. |
Sự ra đời của phim này hay Điệp vụ Biển Đỏ phản ánh vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Điệp vụ Biển Đỏ lấy cảm hứng từ sự kiện năm 2015, khi quân đội Trung Quốc giải cứu 600 dân nước này và 225 người nước ngoài khỏi một cảng ở Yemen - nơi đang có nội chiến. Tháng 8/2017, Trung Quốc xây căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti - một quốc gia đông châu Phi. Đầu năm nay, họ thuê một hải cảng ở Sri Lanka trong 99 năm với giá 1,3 tỷ USD.
Hồi tháng 3, trên Newsweek, Richard V. Spencer - Bộ trưởng Hải quân Mỹ - thừa nhận e ngại sự bành trướng của quốc gia tỷ dân: "Những khoản tiền dường như vô hạn không chỉ giúp họ mở rộng quân đội và phát triển kỹ thuật, mà còn được dùng như một thứ vũ khí. Tôi đi đâu cũng thấy họ có mặt. Ngân sách của họ khiến tôi mất ngủ hàng đêm". Ngoài ra, chính sách bớt can dự vào các vấn đề châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhiều chuyên gia nhận định là tạo ra "khoảng trống quyền lực", có thể khiến Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.
Theo sau thay đổi vị thế là thay đổi tư tưởng. Chiến lang 2 và Điệp vụ Biển Đỏ ăn khách tại Trung Quốc nhờ khai thác lòng tự tôn dân tộc theo góc độ khác trước. Thay vì tái hiện thời Trung Quốc bị phương Tây và Nhật chèn ép (cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20), hai phim này đảo ngược tiền đề, giới thiệu nước này như một siêu cường. Trung Quốc từ bị động thành chủ động, không chỉ bảo vệ lãnh thổ mà còn đưa quân ra hải ngoại.
New Yorker nhận định: "Nhiều thập niên qua, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trên phim xoay quanh việc tự xem mình là nạn nhân. Đây là di sản của thời phong kiến và bị xâm lăng, cũng như ký ức về việc họ từng suy yếu đến mức bị gọi là \'Đông Á bệnh phu\'. Chiến lang 2 là cái nhìn mới, mạnh mẽ hơn của Trung Quốc về chính mình, giống như Rambo đại diện cho nước Mỹ nghênh ngang dưới thời Tổng thống Reagan". Trên trang này, Ngô Kinh nói: "Trước đây, phim Trung Quốc toàn kể chuyện nước khác đến đây gây chiến. Chúng tôi luôn muốn thấy quốc gia đủ sức bảo vệ dân tộc và hòa bình thế giới".
Chiến lang 2 và Điệp vụ Biển Đỏ ra mắt vào thời điểm chín muồi về kỹ thuật lẫn quan điểm. Sau nhiều năm tiếp thu công nghệ phương Tây, giới làm phim Hoa ngữ đã đủ sức làm phim hành động hiện đại. Còn nội dung tác phẩm thu hút khán giả hơn dạng phim nặng tính tuyên truyền cổ điển. Ra mắt cùng lúc với Chiến lang 2, Kiến quân đại nghiệp - kể việc thành lập quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - chỉ thu 60 triệu USD, kém bom tấn của Ngô Kinh 14 lần.
Những phim hành động kiểu mới vừa thỏa mãn khán giả trong nước, vừa góp phần truyền bá giấc mơ siêu cường của Trung Quốc. Hai phim được trình chiếu ở nhiều quốc gia, dù doanh thu không đáng kể so với nội địa. Chính phủ Trung Quốc cũng không che giấu ý định giới thiệu hình ảnh quốc gia qua màn bạc. Tờ Nhân Dân Nhật Báo (People\'s Daily) - một cơ quan của nhà nước Trung Quốc - khen Điệp vụ Biển Đỏ: "Phim gây chú ý toàn thế giới về tinh thần trách nhiệm của chúng tôi trong việc giữ hòa bình. Với sức mạnh ngày càng tăng, một nước Trung Quốc hiện đại hơn giúp thế giới an ninh hơn".
Với sự phát triển của quân đội Trung Quốc (vừa tăng ngân sách 8,1% trong năm 2018) cũng như tiềm năng phòng vé khổng lồ của các phim như Điệp vụ Biển Đỏ, nhiều khả năng đây sẽ là trào lưu làm phim mới của điện ảnh nước này.
Doanh thu ngoài thị trường Hoa ngữ của Chiến lang 2 hay Điệp vụ Biển Đỏ chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu. Chúng không được đón nhận bởi câu chuyện một chiều, nặng tính ca ngợi quân đội Trung Quốc. Ở Việt Nam, trên mạng xã hội, nhiều khán giả phản ứng với tình tiết cuối của Điệp vụ Biển Đỏ - được cho là khẳng định chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông, nơi họ đang tranh chấp với nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Phim của đạo diễn Lâm Siêu Hiền bị ngưng chiếu ở rạp Việt sau hơn một tuần ra mắt. Nhà phát hành phim cho biết phim ế khách, có những rạp chỉ có một, hai khán giả. |
Ngừng chiếu phim gây tranh cãi "Điệp vụ Biển Đỏ" vì không còn người xem Nhà phát hành CGV quyết định ngưng chiếu phim "Điệp vụ Biển Đỏ" trên toàn quốc sau 10 ngày ra rạp Việt vì hết "vòng ... |
Đoạn phim Trung Quốc tuyên truyền \'chủ quyền\' Biển Đông lọt ra rạp VN? Sau khi chiêu đãi khán giả hàng loạt pha hành động mãn nhãn, “Điệp vụ Biển Đỏ” bỗng trở thành tác phẩm tuyên truyền kệch ... |